Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án này.
Đề án xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và danh mục 52 nhiệm vụ cụ thể thực hiện với phân công trách nhiệm và các mốc thời gian hoàn thành rất cụ thể để thực hiện Đề án.
Mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích:
Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đã góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Đại dịch đã làm bộc lộ những hạn chế, yếu kém về cơ sở dữ liệu của chúng ta, mặt khác, đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số. Như việc kết nối hội nghị trực tuyến tới hơn 10.000 xã, phường, thị trấn đã được triển khai chỉ trong vòng 1 tuần.
Thời gian qua, chúng ta đã triển khai nhiều cơ sở dữ liệu và sau khi cân nhắc, tính toán, Chính phủ đã xác định lấy cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm nền tảng chính để kết nối các cơ sở dữ liệu.
Thủ tướng đánh giá cao Bộ Công an đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ đã tiếp tục khẩn trương xây dựng Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; thể hiện tinh thần quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm đổi mới, tất cả vì lợi ích chung của đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm của chuyển đổi số.
Bộ Công an đã hoàn thành số hóa và lưu trữ tập trung tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư thông tin của hơn 98 triệu dân cư. Từ cơ sở dữ liệu Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp căn cước có gắn chíp điện tử, đã in và trả hơn 50 triệu thẻ đến tay người dân...
Việc triển khai Đề án là phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Những mục tiêu Đề án xác định trong năm 2022 cho thấy một khối lượng công việc rất nhiều, quy mô lớn, tiến hành trên phạm vi rộng và với sự phối hợp của nhiều bên liên quan, trong đó Bộ Công an sẽ đóng vai trò nòng cốt thực hiện Đề án và chúng ta phấn đấu về đích sớm ngay trong năm 2023.
Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thứ nhất, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, việc thực hiện Đề án Thủ tướng yêu cầu Tổ Công tác triển khai Đề án thường xuyên theo dõi, giám sát, đôn đốc quyết liệt các nhiệm vụ được giao; chủ động hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai; kịp thời tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các tỉnh, thành phố thành lập Tổ công tác để triển khai Đề án.
Thứ hai, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vai trò nòng cốt là Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ; các bộ, ngành đang được giao các Cơ sở dữ liệu quốc gia có trách nhiệm khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình về thời gian, nhân lực triển khai thực hiện đảm bảo Đề án thực hiện thành công gắn với chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án. Bộ Tư pháp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nhanh chóng thực hiện kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, thông tin vaccine, xét nghiệm Covid-19, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm xác thực chính xác thông tin.
Thứ tư, các bộ ngành liên quan khẩn trương rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về quy định của pháp luật có liên quan để tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, tổng thể, liên thông, tổ chức thực hiện hiệu quả.
Thứ năm, cần ưu tiên bố trí kinh phí hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; bố trí đủ nguồn nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ thông tin để tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án.
Thứ sáu, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ phát huy vai trò thường trực trong thực hiện Đề án. Trong đó, Bộ Công an phải bảo đảm dữ liệu dân cư chính xác và luôn được bổ sung, cập nhật thường xuyên, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống"; duy trì liên tục tính kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ dữ liệu cá nhân theo đúng quy định của pháp luật. "Các đồng chí cần thực hiện quyết liệt, mang lại hiệu quả rõ nét, "làm gương", "làm mẫu", "nói là làm và làm quyết liệt, đến nơi, đến chốn, có hiệu quả", để tạo dấu ấn lan tỏa tại các bộ, ngành, địa phương và trong toàn xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh.