Lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

Lê Sáng | 09:21 15/04/2022

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Quyết định 461/QĐ-TTg về việc Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050
Đô thị Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) là thành phố lớn nhất vùng Tây Nguyên.

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch toàn bộ địa giới hành chính thuộc 05 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng trên quan điểm: gắn kết với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng và liên quan đến vùng. Đồng thời, bảo đảm giảm thiểu các tác động tiêu cực từ quá trình phát triển đối với sinh kế của các cộng đồng dân cư…

Cụ thể, mục tiêu trọng tâm của nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên nhằm cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp kinh tế - xã hội đối với vùng Tây Nguyên được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 gồm: Nâng cao hiệu quả các diện tích cây công nghiệp, cây dược liệu, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, quy hoạch còn chú trọng khôi phục và phát triển kinh tế rừng. Phát triển năng lượng tái tạo. Phát triển các trung tâm du lịch lớn, hình thành các tuyến du lịch chuyên đề đặc thù vùng Tây Nguyên. Phát triển nguồn nhân lực, ổn định dân cư, ưu tiên bảo tồn và khôi phục các giá trị truyền thống, bản sắc của các dân tộc vùng Tây Nguyên.

Xây dựng đường bộ cao tốc và nâng cấp mạng lưới giao thông nội vùng, các tuyến kết nối các tình Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, ven biển Nam Trung Bộ với Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Bảo vệ vừng chắc an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống.

Nhìn chung, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ của việc lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên cần đảm bảo hướng tới các nội dung chính như: Phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng; đánh giá tổng hợp điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch vùng; Xây dựng phương hướng phát triển ngành có lợi thế của vùng. Xây dựng phương hướng bảo vệ môi trường, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên lãnh thổ vùng…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO