Đó là Nhà máy điện gió Nong ở tỉnh Savannakhet (Lào). Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 1,9 tỷ USD.
Theo thông tin từ TTXVN tại Lào, vừa qua, chiều 13/2, Lễ ký Hợp đồng phát triển dự án Nhà máy điện gió Nong đã diễn ra tại thủ đô Vientinae, giữa Chính phủ Lào và Công ty TNHH Xây dựng Chitchareune. Nhà máy này có công suất 1.200 MW tại huyện Nong, tỉnh Savannakhet.
Thạm dự sự kiện đặc biệt này có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Lào Phet Phomphiphak, đại diện Văn phòng Chính phủ và Bộ Năng lượng và mỏ nước CHDCND Lào, cùng đông đảo cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị liên quan của hai nước Việt Nam và Lào.
Dự án nhà máy điện gió của Lào có quy mô ra sao?
![dien-gio-lao1.jpg](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/15/dien-gio-lao1.jpg)
Đại diện Chính phủ Lào và Công ty TNHH Xây dựng Chitchareune trao đổi hợp đồng ký kết. Ảnh: XT
Để hỗ trợ cho công tác an ninh năng lượng cho Việt Nam cũng như đáp ứng nhu cầu về tăng trưởng của nền kinh tế, Công ty TNHH Xây dựng Chitchareune đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng và các công ty tư vấn để nghiên cứu phát triển Dự án Nhà máy điện gió Nong, với diện tích đất khảo sát gần 28.500 ha.
Hiện nay, để có thể thông qua được Báo cáo Nghiên cứu khả thi cuối cùng và dự kiến sẽ ký kết hợp đồng tô nhượng dự án vào quý II/2026, công ty này đang tiến hành phối hợp với các cơ quan chức năng và đơn vị tư vấn Viện Năng lượng (thuộc Bộ Công Thương Việt Nam), cùng các nhà cung cấp, các định chế tài chính tiềm năng.
Theo kế hoạch, dự án Nhà máy Điện gió Nong tại Lào giai đoạn 1 có công suất 702 MW, với giá trị đầu tư khoảng 1,123 tỷ USD. Đến giai đoạn 2, nhà máy có công suất 498 MW, trị giá khoảng 797 triệu USD.
Theo dự kiến, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2027, mỗi năm, dự án Nhà máy Điện gió Nong sẽ xuất khẩu 1.526 triệu kWh điện sang Việt Nam và tăng thêm 1.112 triệu kWh/năm, sau khi hoàn thành giai đoạn 2 vào năm 2030.
Đại diện doanh nghiệp tham gia dự án này cũng cam kết rằng sẽ nỗ lực để thực hiện đúng các điều khoản và phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ.
Lào muốn trở thành nguồn điện của ASEAN
![thuy-dien-lao.jpg](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/15/thuy-dien-lao.jpg)
Theo tờ Laotian Times, hiện nay, nguồn điện của nước Lào khá đa dạng, bao gồm có nguồn thủy điện, nhiệt điện, mặt trời và năng lượng sinh khối. Theo số liệu thống kê của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, hiện nước này có 91 nhà máy sản xuất điện, với tổng công suất lắp đặt hơn 12.176 MW. Trong đó có 80 nhà máy thủy điện, 1 nhà máy nhiệt điện công suất lắp đặt 1.878 MW và 2 nhà máy điện khí với tổng công suất 25 MW, còn lại 35 MW điện mặt trời.
Theo Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, thủy điện hiện chiếm khoảng 70% trong tổng sản lượng điện ở Lào. Ngoài ra, quốc gia này cũng đang thu hút những nhà đầu tư nước ngoài phát triển các dự án điện gió.
![nha-may-dien-.jpg](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/15/nha-may-dien-.jpg)
Nhà máy điện Hongsa tại Lào. Ảnh: Laotian Times
Hơn nữa, với dân số của Lào chỉ hơn 7 triệu người nên dự kiến khả năng về tiêu thụ điện theo quy hoạch của nước này tới năm 2030 cũng chỉ khoảng là 5.892 MW. Do đó, lượng công suất điện dư thừa lên tới khoảng 23.279 MW sẽ được dùng để xuất khẩu sang các quốc gia lân cận.
Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cho biết, Lào sẽ tiếp tục đàm phán để tăng cường việc xuất khẩu điện sang những nước láng giềng, nhất là các quốc gia trong khu vực ASEAN. Đồng thời, nước này sẽ lựa chọn phát triển các nguồn năng lượng có hiệu quả cao, chất lượng tốt, đầu tư thấp, phù hợp với xu hướng hiện nay.
![dien-gio-.jpg](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/15/dien-gio-.jpg)
Trên thực tế, Lào đang xuất khẩu điện sang nhiều quốc gia lân cận như Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia và Singapore. Trong năm 2022, việc xuất khẩu điện đã mang lại hơn 2,3 tỷ USD nguồn thu cho Lào. Trong khi đó, Lào chỉ phải chi hơn 40 triệu USD để nhập khẩu điện.