Chuyện xảy ra ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc vào năm 1965. Một lão nông họ Phí muốn dựng một chiếc chuồng lợn cạnh nhà, nhưng vì không có đủ vật liệu nên ông đã đến một bức tường thành cũ gần đó để lấy một ít gạch về sử dụng. Khi đang tìm kiếm trong đống đổ nát, chiếc xẻng của ông Phí đụng phải một vật cứng phát ra tiếng động lớn, nghĩ là món đồ có giá trị nên ông liền mang về.
Sau khi rửa sạch bùn đất, ông Phí phát hiện ra vật cứng này không phải là vàng hay đá quý mà chỉ là một khối sắt bình thường. Nó cao 19,6 cm, nặng 4,2 kg, có hình dáng giống một con rồng đang ngồi.
Dù không hiểu biết nhiều về đồ cổ, nhưng ông cụ nghĩ rằng món đồ này có thể có giá trị nên vẫn giữ lại làm vật trang trí trong nhà. Ông đặt con rồng này cạnh cửa sổ để hàng ngày có thể ngắm nhìn. Tuy nhiên cũng từ đó, gia đình ông Phí đều nghe thấy âm thanh lạ vào mỗi đêm, giống như tiếng hú hét của một con vật nào đó.
Ảnh minh họa: Sohu
Lúc đó ở Hắc Long Giang đang là mùa đông, ban đêm luôn có gió thổi. Để hóa giải sự tò mò, ông Phí lần theo hướng âm thanh kia thì phát hiện ra nó được phát ra từ con rồng đặt bên cửa sổ. Âm thanh khó nghe khiến gia đình ông cụ nhiều đêm mất ngủ. Sau nhiều ngày lo lắng, ông Phí quyết định liên hệ với Cục Bảo tồn Văn vật của tỉnh để giao nộp món đồ cổ kỳ lạ này. Các chuyên gia cũng nhanh chóng tìm đến nhà ông cụ để thẩm định món đồ.
Qua tìm hiểu, các nhà nghiên cứu đã đi theo ông Phí đến nơi ông cụ tìm thấy khối sắt và phát hiện ra địa điểm này thực chất là khu vực tập trung nhiều di tích văn hóa từ thời nhà Tấn (triều đại lịch sử Trung Quốc kéo dài từ năm 1115 - 1234).
Con rồng ngồi bằng đồng. Ảnh: Sohu
Sau khi tham khảo nhiều sách cổ và tài liệu từ thời nhà Tấn, liên hệ với hình dạng của món đồ, các chuyên gia đã kết luận rằng con rồng mà ông Phí tìm thấy có tên là "Đồng tọa lũng", là một con rồng ngồi được làm bằng đồng từ thời nhà Tấn, là món đồ trang trí cho xe ngựa của hoàng đế, mang ý nghĩa biểu tượng cao quý.
Giải thích về âm thanh lạ phát ra mỗi đêm, các chuyên gia cho biết trên lưng con rồng này có một khe nhỏ. Khi gió lùa vào sẽ phát ra âm thanh, hoạt động tương tự như một chiếc sáo. Tuy nhiên, nguồn gốc cụ thể của khoảng trống này và mục đích của nó vẫn chưa được xác định.
“Đồng toạ lũng” của thời nhà Tấn được khai quật cũng là con rồng ngồi bằng đồng đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc nên còn được gọi là “Con rồng đầu tiên của Trung Quốc”. Cổ vật này cũng đã được đem về Bảo tàng Hắc Long Giang để trưng bày. Vì đã có công lớn trong việc phát hiện và giao nộp di vật văn hóa cho nhà nước nên ông Phí đã được bảo tàng trao tặng bằng khen và tiền thưởng 18 NDT - số tiền khá lớn vào thời điểm đó.
Các chuyên gia cũng đánh giá con rồng ngồi bằng đồng thời nhà Tấn này là di tích văn hóa được bảo vệ cấp 1 quốc gia của Trung Quốc và là di tích văn hóa quốc gia có giá trị nhất ở tỉnh Hắc Long Giang.
Năm 1990, một con rồng ngồi bằng đồng khác cũng được khai quật ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Sự xuất hiện của nó chứng tỏ nghiên cứu của các chuyên gia về rồng ngồi bằng đồng từ thời nhà Tấn là chính xác. Trong Thế vận hội Olympic 2008, những con rồng ngồi bằng đồng cũng được trưng bày và sự xuất hiện của nó đã khiến cộng đồng quốc tế phải kinh ngạc. Quả thực “Đồng toạ lũng” đã thể hiện được tay nghề điêu luyện của những người thợ thủ công thời xưa ở Trung Quốc.
(Theo Sohu)