Lạng Sơn: Sức bật từ xây dựng chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ lĩnh vực lâm nghiệp

Phương Uyên | 16:01 30/11/2023

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững đã giúp cho ngành lâm nghiệp tỉnh Lạng Sơn phát triển, xây dựng được chuỗi giá trị, tạo sinh kế cho đồng bào, gia tăng thu nhập cho người dân… đóng góp lớn vào phát triển kinh tế của địa phương.

Lạng Sơn: Sức bật từ xây dựng chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ lĩnh vực lâm nghiệp

Lợi thế đất lâm nghiệp lớn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lạng Sơn, toàn tỉnh có diện tích 617.973,34 ha quy hoạch đất lâm nghiệp, chiếm 74,36% diện tích tự nhiên.

Tại Nghị quyết số 30-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030 đã xác định lâm nghiệp là một trong những lợi thế phát triển kinh tế của địa phương.

Mục tiêu xác định giai đoạn 2021 – 2025 tăng trưởng giá trị của ngành lâm nghiệp đạt 7,0-7,2%/năm; giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2025 (theo giá thực tế) đạt 5.600 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 – 2030 tăng trưởng giá trị của ngành lâm nghiệp đạt 7,2-7,4%/năm; giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2030 (theo giá thực tế) đạt 7.100 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu gỗ, các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 1.000 tỷ đồng.

Với mục tiêu đó, Lạng Sơn đã đẩy mạnh trồng cây lâm nghiệp, bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển xây dựng chuỗi giá trị để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo Sở NN&PTNN Lạng Sơn, ước đến 30/6/2022, tổng số HTX nông - lâm nghiệp trên địa bàn là 11 HTX, tổng số thành viên của HTX là 88 người, tổng số vốn điều lệ là 18.535 triệu đồng. Các HTX đã tổ chức thực hiện được các khâu dịch vụ sản xuất nuôi trồng, cung ứng giống vật tư nông lâm nghiệp, bao tiêu sản phẩm. Hoạt động của một số HTX đã có sự gắn kết, sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị tại địa phương.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng thông ở các huyện: Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc; vùng keo, bạch đàn ở các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng, Đình Lập; vùng hồi ở Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng; vùng quế tại Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn. Tuy nhiên, năng suất rừng trồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp, hình thức sản xuất liên kết theo chuỗi chưa rõ nét, thị trường tiêu thụ chưa ổn định ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành.

Từ các quyết định, Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, các cấp, ngành chức năng liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, phát triển vùng nguyên liệu tập trung, hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia liên doanh, liên kết.

Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, các cấp, ngành chức năng đã tổ chức 319 hội nghị, hơn 5.900 cuộc tuyên truyền lồng ghép và phát trên 7.000 cuốn tài liệu về bảo vệ và phát triển rừng trong đó có nội dung xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, mở rộng diện tích vùng sản xuất tập trung như: vùng keo (trên 53.994 ha), vùng bạch đàn (hơn 27.379 ha), vùng thông (139.571 ha), vùng hồi (trên 43.401 ha)…

Nhiều mô hình tiên tiến

Để cụ thể hoá các Quyết định của UBND tỉnh, Sở NN&PTNN, UBND các huyện và TP. Lạng Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình.

Đơn cử như huyện Chi Lăng đã ban hành Kế hoạch số 187/KH-UBND về phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025 và Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 2/6/2021 về xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2020 – 2030.

Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thiết lập được 2 chuỗi liên kết sản phẩm hồi và các sản phẩm từ hồi với quy mô hơn 1.000 ha tại huyện Chi Lăng và huyện Tràng Định. Đơn vị liên kết là Công ty TNHH Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex), Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu lâm sản Lạng Sơn. Theo đó, các công ty thực hiện hỗ trợ chuyển giao quy trình sản xuất hồi cho người dân và thu mua sản phẩm hồi tại 5 xã với diện tích trên 356 ha, trung bình mỗi năm, tiêu thụ khoảng 3.000 tấn hồi tươi/năm.

Huyện Văn Quan, luôn được coi là “Vương quốc hồi”, với diện tích rừng hồi hơn 14.000 ha. Hiện trên địa bàn huyện Văn Quan, đa số tư thương thu mua hồi về chế biến sấy khô rồi xuất khẩu hoa hồi khô, chỉ có duy nhất gia đình anh Nông Văn Tú ở thôn Nà Hầy, xã Bình Phúc, đã mạnh dạn đầu tư chế biến tinh dầu hồi, xuất khẩu sang các thị trường khắt khe hơn về chất lượng.

Lãnh đạo huyện Văn Quan cho biết, từ năm 2016, huyện ban hành Đề án cải tạo nâng cao chất lượng, sản lượng cây hồi giai đoạn 2016-2020 với kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng các nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo, chương trình 30a, các xã đầu tư vào cải tạo, phát triển cây hồi theo hướng sản xuất hồi hữu cơ. Hiện nay toàn huyện phát triển được hơn 400 ha hồi hữu cơ.

Kết quả vượt bậc

Nhờ những giải pháp của các cấp, ngành, đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 12 chuỗi liên kết, tiêu thụ trong lĩnh vực lâm nghiệp (vượt 7 chuỗi so với mục tiêu so với đề án đề ra).

Có thể nói việc xây dựng, phát triển vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất. Tổng thu từ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tăng cao. Đây là tiền đề để tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực khác theo hướng hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị sơ kết Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2020 – 2030, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Trọng Quỳnh đã ghi nhận những kết quả đã đạt được và biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2020-2030 gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, các Đề án định hướng chỉ đạo mới của Bộ Nông nghiệp và PTNT như: Đề án phát triển trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn giai đoạn 2023-2030, Đề án phát triển cây dược liệu...; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chuỗi giá trị gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; xây dựng ngành Lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất rừng…

Việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất lâm nghiệp đã góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng thu nhập cho người sản xuất, thúc đẩy tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành lâm nghiệp. Cụ thể, tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành lâm nghiệp trong năm 2022 là 20,09%/năm (tăng 13,16% so với năm 2019), giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng từ 3.447 tỷ đồng (năm 2019) lên hơn 4.163 tỷ đồng (năm 2020).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lạng Sơn: Sức bật từ xây dựng chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ lĩnh vực lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO