MarketTimes đã trao đổi với chuyên gia và những người hoạt động lâu năm trong nghề thẩm định giá để có được những nhận định về thị trường cung cấp dịch vụ thẩm định giá sau khi Luật Giá 2023 có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2024.
Nâng cao tính chuyên nghiệp của thẩm định viên về giá cũng như doanh nghiệp thẩm định giá
Luật Giá 2023 nhìn chung có nhiều nội dung sửa đổi về thẩm định giá yêu cầu phải nâng cao hơn về mặt chất lượng trong hoạt động thẩm định giá như phân định thẩm định viên về giá thành hai nhóm: thẩm định viên giá tài sản và thẩm định viên giá doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi phải có sự nỗ lực của cả cơ quan quản lý Nhà nước về thẩm định giá cũng như các chuyên viên thẩm định giá muốn được cấp Thẻ thẩm định viên về giá, hay như điều kiện thành lập doanh nghiệp thẩm định giá phải có từ 5 thẩm định viên về giá hành nghề trở lên thay vì 3 thẩm định viên giá hành nghề.
Tôi cho rằng đây là yêu cầu hợp lý nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của thẩm định viên về giá cũng như doanh nghiệp thẩm định giá.
Luật cũng có sửa đổi thuận lợi hơn cho hoạt động thẩm định giá như không còn quy định cụ thể trong Luật về Quy trình thẩm định giá. Ngoài ra hiện nay Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến về các dự thảo Chuẩn mực thẩm định giá có hiệu lực từ 1/7/2024 với nhiều điểm được chỉnh sửa hợp lý so với các Tiêu chuẩn thẩm định giá hiện hành từ đó sẽ tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động thẩm định giá ở nước ta do đó sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp thẩm định giá trong năm 2024.
Tuy nhiên, từ góc độ của một chuyên gia và người nghiên cứu về khoa học và thực tiễn thẩm định giá có thâm niên ở nước ta, tôi có đôi điều băn khoăn: Một là vai trò, chức năng nhiệm vụ của Tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá (cụ thể ở đây là Hội Thẩm định giá Việt Nam) ghi trong Luật Giá sửa đổi về cơ bản không có gì thay đổi so với Luật Giá hiện hành tức là cũng y như hơn 10 năm trước trong khi thực tiễn cho thấy hoạt động của Hội ngày càng hiệu quả và được cộng đồng doanh nghiệp thẩm định giá ngày càng tín nhiệm hơn. Đây là điều thiệt cho không chỉ Hội Thẩm định giá Việt Nam mà còn cho cả cộng đồng doanh nghiệp và người hoạt động thẩm định giá.
Hai là trong các dự thảo Chuẩn mực thẩm định giá Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến vừa qua không có các Chuẩn mực về thẩm định giá Máy - Thiết bị, thẩm định giá Tài sản hình thành trong tương lai; Chuẩn mực về đánh giá và giám định lại Báo cáo kết quả thẩm định giá đặc biệt là khi có trường hợp tố cáo, khiếu kiện hay trong các vụ án trong khi đây là nhu cầu rất bức thiết của các doanh nghiệp thẩm định giá hiện nay.
Sàng lọc để cung cấp cho thị trường những dịch vụ chất lượng cao
Thực tế thời gian qua thị trường ngành dịch vụ thẩm định giá đã có thời kỳ tăng trưởng khá nóng. Số lượng doanh nghiệp đăng ký hành nghề thẩm định giá tăng nhanh nhưng chất lượng không đảm bảo. Nhiều thẩm định viên về giá đã không giữ vững được đạo đức nghề nghiệp và có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Thời gian gần đây toàn ngành đã có sự chấn chỉnh và cuộc chơi đã loại bỏ dần những doanh nghiệp làm ăn không chân chính. Số lượng 278 doanh nghiệp trong tổng số trên 450 doanh nghiệp được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong thời gian qua đã chứng minh điều đó. Hy vọng từ ngày 1/7 tới đây, số doanh nghiệp đủ điều kiện cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá sẽ được sàng lọc kỹ hơn, cung cấp cho thị trường những dịch vụ có chất lượng cao hơn.
Với quy định người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá, người đứng đầu chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá phải là người có đủ 36 tháng đăng ký hành nghề, người đó sẽ có ít nhiều kinh nghiệm thực tế để tăng cường khả năng quản lý doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn.
Việc phân loại chứng nhận chuyên môn sẽ giúp phân cấp nhóm ngành nghề mà các doanh nghiệp sẽ cung ứng. Người dự thi Thẻ Thẩm định viên về giá sẽ có cơ hội lựa chọn theo khả năng của mình. Những người có hiểu biết chuyên sâu hơn về doanh nghiệp, có khả năng đạt kỳ các môn thi về chuyên môn về giá trị doanh nghiệp, về tài sản tài chính mới đủ điều kiện hành nghề ở lĩnh vực này. Điều này góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm định giá trị doanh nghiệp.
Còn với quy định chuyển tiếp “ Trong thời hạn 12 tháng” kể từ ngày Luật có hiệu lực các doanh nghiệp thẩm định giá đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Luật Giá 2012 cũng sẽ phải bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Luật Giá 2023 cũng đặt ra yêu cầu đối với doanh nghiệp này phải tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường số lượng Thẩm định viên về giá. Nếu không đáp ứng phải thực hiện sáp nhập, hợp nhất để nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng trước yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Nhìn chung Luật Giá 2023 đã bổ sung sửa đổi khá nhiều điểm hạn chế, chưa phù hợp với thực tế trong Luật Giá 2012. Đặc biệt tại điều 73 đã có sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay vẫn còn có một số ngành nghề, lĩnh vực chưa có sự nhất quán trong việc hướng dẫn thi hành pháp luật. Nhất là giữa các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giá và Luật Đất đai; Luật Đấu thầu; Luật Sở hữu trí tuệ;…
Bên cạnh đó, việc nâng số lượng người có thẻ thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp lên 5 người là rất cần thiết nhưng tại các Chi nhánh thì bản thân tôi thấy chưa phù hợp. Đáng lý ra nên giữ ở mức 2 người có thẻ tương tự như Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán độc lập để đảm bảo các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có thể có các chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá cung ứng dịch vụ này.
Ngoài ra, quy định người được cấp thẻ thẩm định viên về giá theo quy định của Luật Giá 2012 thì được tiếp tục đăng ký hành nghề thẩm định giá trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản và thẩm định giá doanh nghiệp. Nội dung này bản thân tôi có chút băn khoăn vì trên thực tế trong số hơn 2.000 thẩm định viên về giá được cấp thẻ thẩm định viên về giá trong thời gian qua thì có không ít người không có khả năng chuyên môn trong thẩm định giá trị doanh nghiệp. Điều này cũng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng dịch vụ nếu họ được cung ứng dịch vụ này.
Đảm bảo tính khách quan, hiệu quả, minh bạch
Những năm gần đây, thị trường cung ứng dịch vụ thẩm định giá đã đã có sự tăng trưởng cao, đáp ứng nhu cầu thật sự cần thiết của xã hội. Luật Giá 2023 đã có những sửa đổi bổ sung sát với thực tiễn hơn, là cơ sở, hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, tạo điều kiện cho nghề thẩm định giá ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng dịch vụ thẩm định giá được nâng cao. Các doanh nghiệp thẩm định giá sẽ phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn về năng lực, kỹ năng, trình độ chuyên môn của thẩm định viên, chuyên viên, hệ thống quản lý chất lượng, phần mềm hỗ trợ... Điều này giúp nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm định giá, góp phần đảm bảo tính chuẩn mực, trung thực, khách quan, phù hợp với diễn biến của thị trường.
Luật Giá 2023 đã quy định rõ ràng về điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thẩm định giá,... Điều này giúp hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, góp phần bảo vệ quyền lợi của khách hàng, bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng và công bằng cho doanh nghiệp Thẩm định giá, góp phần tạo điều kiện cho thị trường cung ứng dịch vụ thẩm định giá cạnh tranh lành mạnh, minh bạch hơn.
Luật Giá 2023 cũng đã đã quy định cụ thể hơn về vai trò của thẩm định giá trong các lĩnh vực như quản lý Nhà nước về giá, đầu tư, đấu thầu,...giúp các cơ quan Nhà nước làm tốt hơn công tác quản lý, điều hành về Thẩm định giá. Điều này giúp ngành thẩm định giá phát huy tốt hơn nữa vai trò quan trọng của mình trong việc góp phần đảm bảo tính khách quan, hiệu quả, minh bạch trong các hoạt động kinh tế - xã hội.
Ngoài nhu cầu thiết yếu trong việc sử dụng dịch vụ thẩm định giá trong nước thì với việc nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới cùng với việc ban hành các chính sách linh hoạt, hiệu quả của Nhà nước, hoạt động hợp tác, đầu tư, giao thương, buôn bán trao đổi hàng hóa trong và ngoài nước diễn ra sôi động, kỳ vọng kéo theo đó là nhu cầu sử dụng dịch vụ thẩm định giá cũng sẽ cao hơn, đa dạng và phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu cho nhiều mục đích khác nhau của các thành phần tham gia nền kinh tế.
Tuy nhiên, để đạt được những kỳ vọng này, cần có sự tuân thủ và nỗ lực tối đa của các tổ chức hành nghề thẩm định giá, sự chia sẻ của các cơ quan quản lý Nhà nước và các bên liên quan. Với những yếu tố trên, tôi kỳ vọng khi Luật Giá 2023 có hiệu lực, ngành thẩm định giá và thị trường cung ứng dịch vụ thẩm định giá sẽ lên một tầm cao mới, phát triển hơn, nghề Thẩm định giá được nhìn nhận một cách khách quan hơn.
Vừa qua, cơ quan quản lý Nhà nước đã tổ chức các buổi hội thảo và đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi để xây dựng và ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn về Thẩm định giá. Tôi hy vọng các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ sớm hoàn thiện các quy định này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo tính hiệu quả của Luật giá 2024.
Hạn chế việc tăng trưởng “nóng” số lượng các doanh nghiệp thẩm định giá
So với Luật giá 2012, Luật giá 2023 có những quy định, tiêu chí chặt chẽ hơn ở các nội dung cụ thể về: Điều kiện thành lập, được cấp giấy chứng nhận hoạt động cũng như yêu cầu đối với người đứng đầu theo pháp luật, người đứng đầu chi nhánh doanh nghiệp.
Đối với điều kiện thành lập, về cơ bản vẫn tuân thủ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và được bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định. Tuy nhiên, quy định mới bổ sung thêm nội dụng: Người có chức vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về giá, sau khi thôi giữ chức vụ, không được thành lập hoặc giữ các chức danh, chức vụ quản lý, điều hành tại doanh nghiệp thẩm định giá trong thời hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Điều này theo tôi nhằm tránh việc các cán bộ đã thôi chức vụ lợi dụng ảnh hưởng cá nhân của mình để điều hành doanh nghiệp thẩm định giá hoạt động thiếu minh bạch, cạnh tranh không lành mạnh.
Đối với điều kiện cấp giấy chứng nhận, Luật mới quy định tăng số lượng thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp thẩm định giá và tại chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá: từ 3 lên 5 thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp và từ 2 lên 3 thẩm định viên về giá hành nghề tại chi nhánh doanh nghiệp. Việc tăng số lượng thẩm định viên đảm bảo chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp nói riêng và nâng cao chuyên môn của ngành thẩm định giá nói chung, phục vụ nhu cầu thẩm định giá ngày càng tăng của đất nước. Do ngành thẩm định giá là một ngành đặc thù, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, các thẩm định viên không chỉ đảm bảo năng lực nghề nghiệp tốt mà còn phải là những người rất có kinh nghiệm, am hiểu về nhiều ngành nghề, lĩnh vực xã hội.
Ngoài ra, Luật giá 2023 cũng quy định cụ thể chi tiết về tỷ lệ góp vốn cũng như đại diện của thành viên góp vốn (hoặc cổ đông góp vốn) là tổ chức như sau: Trường hợp thành viên góp vốn hoặc cổ đông là tổ chức thì người đại diện theo ủy quyền của của tổ chức góp vốn phải là người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp; tổng phần vốn góp của các thành viên là tổ chức không quá 35% vốn điều lệ. Tổng số vốn góp của các thành viên hoặc cổ đông là người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Quy định này theo tôi nhằm đảo bảo hai yếu tố. Thứ nhất, việc người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề phải chiếm trên 50% vốn điều lệ đảm bảo tính trách nhiệm ngày càng cao của các thẩm định viên về giá đối với doanh nghiệp thẩm định giá. Thứ hai, việc thành viên hoặc cổ đông là tổ chức không quá 35% vốn điều lệ đảm bảo tính độc lập, khách quan của doanh nghiệp đã quy định ở trong luật, hạn chế trường hợp bị các doanh nghiệp khác chi phối, tác động, can thiệp trong quá trình hoạt động.
Một điểm rất mới khác của Luật giá 2023 là quy định cụ thể, chặt chẽ đối với người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp. Ngoài việc là thẩm định viên đăng ký hành nghề theo quy định cũ, thì người đứng đầu phải có từ 36 tháng là thẩm định viên về giá, không thuộc các trường hợp đã giữ vị trí người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá đã bị thu hồi giấy chứng nhận trong một khoảng thời gian nhất định.
Việc đặt ra các yêu cầu cao hơn cho doanh nghiệp Thẩm định giá, Luật giá 2023 sẽ hạn chế việc tăng trưởng nóng số lượng các doanh nghiệp, trước nhu cầu ngày càng cao của xã hội, các doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật, cạnh tranh lành mạnh ngày càng có nhiều cơ hội hơn để phát triển. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp cũng nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng các quy định mới của pháp luật không chỉ khiến chính bản thân doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh, phát triển bền vững mà còn khiến cho ngành thẩm định giá có thật nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, được xã hội coi trọng, vị thế của ngành thẩm định giá ngày được nâng cao.