Tờ Financial Times (FT) cho hay Trung Quốc đã thay đổi lập trường về chính sách tiền tệ từ "thận trọng" thành "nới lỏng vừa phải" lần đầu tiên sau 14 năm, khiến thị trường chứng khoán bùng nổ khi các nhà đầu tư kỳ vọng chính phủ sẽ tung thêm các gói kích thích nền kinh tế.
Thông báo chính thức từ Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo nước này chuẩn bị tổ chức cuộc họp thường niên để vạch ra chương trình nghị sự kinh tế cho năm tới.
Cụ thể, chính quyền Bắc Kinh cho biết cần "phải thực hiện các chính sách tài khóa chủ động hơn và chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải", đồng thời "tăng cường các điều chỉnh phản chu kỳ bất thường và thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng, cải thiện hiệu quả đầu tư và mở rộng nhu cầu trong nước theo mọi hướng".
Thị trường trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc tiếp tục đà tăng mạnh bất chấp những cảnh báo nóng về "bong bóng" trái phiếu chính phủ. Trong khi đó chỉ số chứng khoán Hang Seng China Enterprises của Hong Kong đóng cửa tăng 3,14 % sau các thông báo chính sách trên.
"Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn nợ-giảm phát, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần tăng cường các biện pháp tài khóa để thúc đẩy tiêu dùng. Do đó, thông báo mới nhất của Trung Quốc là đáng khích lệ", các nhà phân tích tại Brown Brothers Harriman cho biết.
Lần cuối cùng Trung Quốc áp dụng lập trường "hơi lỏng lẻo" với chính sách tiền tệ là vào cuối năm 2008 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sau đó chấm dứt chính sách này vào cuối năm 2010.
Bởi vậy sự thay đổi lập trường chính sách tiền tệ mới đây được các nhà đầu tư coi là dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo đang ngày càng coi trọng các vấn đề kinh tế của Trung Quốc hơn.
Các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho biết đây là lần đầu tiên giới lãnh đạo Trung Quốc thêm từ "nhiều hơn" vào mô tả về chính sách tài khóa chủ động của mình kể từ cuộc suy thoái liên quan đến đại dịch Covid-19 diễn ra vào năm 2020.
Đây cũng là lần đầu tiên giới lãnh đạo thêm từ "phi thường-không theo thông lệ" vào mô tả về sự cần thiết trong "điều chỉnh phản chu kỳ".
1,4 nghìn tỷ USD
Tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh cho rằng thúc đẩy nhu cầu, đặc biệt là mảng tiêu dùng, sẽ là ưu tiên trong những năm tới thông qua việc nâng cấp chuỗi cung ứng và đổi mới (Innovation).
Nền kinh tế Trung Quốc đã bị ám ảnh bởi áp lực giảm phát trong nhiều tháng do sự sụt giảm của thị trường bất động sản, khiến chính phủ phải công bố gói kích thích tiền tệ vào tháng 9/2024 và các biện pháp tài khóa vào tháng 11/2024, chủ yếu nhắm vào nợ của chính quyền địa phương.
Các biện pháp kích thích của Bắc Kinh trong vài tháng qua bao gồm chính sách tiền tệ và kế hoạch hoán đổi nợ trị giá 10 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,4 nghìn tỷ USD nhằm mục đích cho phép chính quyền địa phương bắt kịp các khoản thanh toán lương và nhà cung cấp đã bị chậm.
Thế nhưng nhiều nhà kinh tế ở Trung Quốc đang kêu gọi chính phủ cần nỗ lực lớn hơn trong việc nâng cao chi tiêu hộ gia đình, kích thích nhu cầu tiêu dùng.
Dữ liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã gần chạm đến mức giảm phát hoàn toàn vào tháng 11/2024, qua đó làm tăng thêm áp lực buộc các quan chức phải hành động nhiều hơn để phục hồi tâm lý người tiêu dùng.
Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong 5 tháng và thấp hơn mức dự báo 0,5% trong cuộc thăm dò của Reuters.
Nếu so sánh giữa các tháng thì giá tiêu dùng tại Trung Quốc đã giảm 0,6 phần trăm từ tháng 10 đến tháng 11/2024.
Chỉ số giá sản xuất (PPI), thước đo giá hàng hóa do các nhà sản xuất Trung Quốc bán ra, đã giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, nối tiếp đà giảm giá suốt 2 năm qua.
"Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục đối mặt với tình trạng giảm phát, qua đó cho thấy sự chưa hiệu quả của các biện pháp kích thích kinh tế nhằm khôi phục niềm tin của khu vực tư nhân, phục hồi nhu cầu trong nước và đưa tăng trưởng trở lại đúng hướng", giáo sư Eswar Prasad tại Đại học Cornell kết luận.
*Nguồn: FT