Từ đầu năm đến nay, nhiều thương vụ gọi vốn thành công đã dần xuất hiện trở lại. Đơn cử, tháng 10 vừa qua, startup Coolmate huy động được 6 triệu USD vốn vòng Series B do quỹ đầu tư Vertex Ventures SEA & India dẫn dắt, với sự tham gia của Kairous Capital; Datbike nhận được khoản vay chuyển đổi trị giá 4 triệu USD từ InfraCo Asia, một thành viên thuộc Tập đoàn Phát triển Hạ tầng Tư nhân (PIDG), nâng tổng số vốn kêu gọi được lên 25 triệu USD; Phúc Sinh Group của “vua tiêu” Phan Minh Thông cũng tiếp tục chốt được 2 “deal” đầu tư vốn với đối tác Hà Lan, Insider thì lập kỷ lục với thương vụ 500 triệu USD và tuyên bố sẽ đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam….
Những tín hiệu này dấy lên hi vọng “mùa đông gọi vốn” đang dần qua, dù rằng trong thời buổi mới, dòng vốn đầu tư sẽ có sự chọn lọc khắt khe hơn.
DN đang dần chuyển sang các lựa chọn về nguồn vốn khác khi việc gọi vốn cổ phần trở nên khó khăn hơn
Dưới góc nhìn của người trong cuộc, bà Shuyin Tang, Đồng Sáng lập & CEO của Beacon Fund, trong chia sẻ mới đây cho biết: “Các quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital) và quỹ đầu tư cổ phần tư nhân (private equity), chúng tôi nhận thấy một sự chững lại rõ rệt khi ngày càng ít các khoản đầu tư rót vốn thành công và có những quỹ đang cạn kiệt vốn để giải ngân, hoặc buộc phải thay đổi chiến lược”.
Còn Beacon Fund được biết đến là quỹ đầu tư tư nhân dưới hình thức vốn vay. Được thành lập vào năm 2020, là một quỹ đầu tư theo lăng kính giới đến từ Singapore. Năm 2024, Beacon thực hiện 3 thương vụ hỗ trợ vốn cho CAS Energy (CEO Nguyễn Phạm Cẩm Tú), CTCP Tập đoàn Thực phẩm Hoa Sen – Lotus Group và Tập đoàn Hoa Sen Việt (HSVG) - chủ quản chuỗi bán lẻ mỹ phẩm Beauty Box. Mới đây, quỹ vừa “bắt tay” với Chính phủ Australia trong chương trình đầu tư cho các nữ lãnh đạo tại Việt Nam.
Khi được hỏi về “mùa đông gọi vốn”, bà Shuyin Tang cho biết dù có những tín hiệu tích cực, song khả năng tiếp cận nguồn vốn có vẻ như sẽ không trở nên dễ dàng hơn trong thời gian tới. Trong thời điểm các doanh nghiệp (DN) buộc phải suy nghĩ lại về chiến lược tài chính của họ.
Vị này cũng cho biết, số lượng các DN tìm kiếm nguồn vốn từ Beacon vẫn tăng gần gấp 3 lần trong nửa cuối năm nay so với năm ngoái, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy DN đang dần chuyển sang các lựa chọn về nguồn vốn khác khi việc gọi vốn cổ phần trở nên khó khăn hơn.
Dòng vốn dự rút khỏi thị trường mới nổi
Bà cũng đặc biệt nhấn mạnh việc Mỹ vừa trải qua bầu cử mới, và tân Tổng thống Trump đắc cử. Điều này sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu, bao gồm dòng vốn.
Cụ thể, tầm nhìn chung cho thấy đồng USD sẽ tăng trưởng mạnh hơn, ít nhất trong một khoảng thời ngắn, và dòng vốn có khả năng rút khỏi các thị trường mới nổi. Đây là tin không mấy tích cực cho các nền kinh tế mới nổi, bao gồm cả Việt Nam.
Tuy nhiên, với tỷ giá thả nổi được quản lý đối với đồng USD, Việt Nam trao nhiều quyền kiểm soát hơn cho các đơn vị hoạch định chính sách, điều này có thể được xem là một lợi thế trong bối cảnh biến động. Mặc dù tác động cụ thể của các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump vẫn chưa rõ ràng, Việt Nam có thể đang ở một vị thế thuận lợi từ những thay đổi này.
“Nhìn chung, môi trường gọi vốn đến bây giờ vẫn đầy thách thức, có thể nhiều nhà đầu tư rút lui. Riêng Beacon, với tư cách là nhà đầu tư tác động, chúng tôi ở đây để theo đuổi mục tiêu lâu dài—đặc biệt đối với các DN thể hiện được khả năng phục hồi, thích ứng và tiềm năng phát triển theo con đường của riêng họ.
Chúng tôi không tìm kiếm những DN phụ thuộc vào các vòng gọi vốn liên tục để tồn tại. Thay vào đó, chúng tôi chọn đầu tư vào các DN có những đặc tính giống như “con rùa”, một loài vật sinh sống, phát triển bền vững và lâu dài. Nhiều DN có thể không muốn được ví như loài rùa chậm rãi và cẩn trọng, nhưng hãy nhớ, trong một số tình huống cụ thể, sẽ tốt hơn nếu mình được làm rùa”, bà nói.
ESG - từ khóa này đang rất "hot" hiện nay trong các thương vụ gọi vốn
Beacon cũng cho biết một trong những tiêu chí nổi bật hiện nay để thu hút dòng vốn chính là tính phát triển bền vững. Trong đó, ESG, đầu tư khí hậu, tác động – theo bà là những từ khóa này đang rất "hot" hiện nay.
Thương vụ đầu tư vào CAS Energy (CEO Nguyễn Phạm Cẩm Tú) là một trong những ví dụ điển hình về ESG. Đặc biệt hơn, đây là DN do phụ nữ lãnh đạo tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và nông nghiệp thông minh, góp phần thúc đẩy khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
“Từ khi đầu tư vào CAS hồi đầu năm nay, chúng tôi đã chứng kiến doanh nghiệp không ngừng phát triển, đạt được một dự án lớn với EVN, đồng thời khẳng định vị thế của họ thông qua việc đạt mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể so với năm ngoái. CAS Energy cũng vừa được vinh danh là một trong 17 doanh nghiệp Việt Nam nhận giải thưởng UN Women Empowerment Principles (WEPs) Awards 2024 trong tháng vừa qua. Đây là một giải thưởng danh giá nhằm tôn vinh những nỗ lực đổi mới và đóng góp quan trọng của họ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới”, đại diện Beacon thông tin thêm.