Làm sao để du lịch Việt Nam "sexy" hơn: Khách nước nào đông nhất? Ai ở lại lâu nhất? Ai chi tiền mạnh nhất?

Bảo Bảo | 14:39 07/02/2023

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 102 triệu lượt khách du lịch nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế. Theo một thống kê trước đó, khách Nga là các vị khách ở lâu nhất và chịu chi nhất ở Việt Nam, trong khi đó các khách châu Á, bao gồm Trung Quốc, thời gian lưu trú từ 6 - 8 ngày, chi tiêu ở mức 850 - 1.000 USD/người/chuyến...

Làm sao để du lịch Việt Nam "sexy" hơn: Khách nước nào đông nhất? Ai ở lại lâu nhất? Ai chi tiền mạnh nhất?
Ảnh minh họa.

Cơ hội tăng trưởng của ngành du lịch không hề nhỏ, mặc dù bị lu mờ bởi thành công của lĩnh vực sản xuất, các chuyên gia Ngân hàng HSBC nhận định.

HSBC đặt vấn đề: Sau thành tích tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022, Việt Nam sẽ đi về đâu trong năm 2023? Trong khi một số thách thức, đặc biệt là những khó khăn thương mại, đã thể hiện rõ tác động, Việt Nam vẫn còn khả năng trụ vững. Ngân hàng này cho rằng một nguồn tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam sẽ đến từ du lịch, đặc biệt khi Trung Quốc mở cửa.

Khách Trung Quốc quan trọng với du lịch Việt Nam tới mức nào? Họ ở bao lâu? Chi tiêu bao nhiêu?

HSBC cho rằng đây là thời điểm thích hợp để đến thăm Việt Nam. Sau khi Việt Nam mở cửa trở lại vào tháng 3 năm ngoái, du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ, giúp Việt Nam đạt được trên 101 triệu lượt khách du lịch nội địa (vượt xa mục tiêu 60 triệu lượt khách nội địa) trong năm 2022, theo số liệu từ Tổng cục Du lịch. Trong khi đó, Việt Nam đón 3,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2022, chủ yếu là du khách đến từ Hàn Quốc (26%) và Mỹ (9%).

Tuy nhiên, du lịch quốc tế mới chỉ phục hồi phần nào chứ chưa hẳn là hoàn toàn, với lượng khách du lịch đạt 3,6 triệu lượt, chỉ bằng 20% so với mức của năm 2019.

du-lich-khach-nuoc-nao-den-nuoc-ta-nhieu-nhat-2.jpg

Năm 2023, chính phủ đặt mục tiêu thu hút 102 triệu lượt khách du lịch nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế, với doanh thu từ du lịch dự kiến sẽ tăng hơn 30%, mặc dù vẫn thấp hơn mức của năm 2019. Một điểm cần lưu ý là tổng doanh thu du lịch từng cao tương đương 10% GDP vào năm 2019 (mức này ở Thái Lan cùng thời điểm là 18%).

Tin vui là Trung Quốc đại lục, nguồn khách du lịch lớn nhất cho Việt Nam trước đại dịch, gần đây cũng đã bắt đầu quá trình mở cửa trở lại, tạo thêm thuận lợi cho ngành du lịch đang phát triển mạnh của Việt Nam.

du-lich-khach-nuoc-nao-den-nuoc-ta-nhieu-nhat-3.jpg
du-lich-khach-nuoc-nao-den-nuoc-ta-nhieu-nhat-7(1).png

Theo HSBC, mặc dù quá trình phục hồi có thể diễn ra từ từ, nhưng tác động đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn xét trên nhiều phương diện. Ví dụ, trước đây, trung bình khách du lịch Trung Quốc đã chi tiêu nhiều hơn và ở lại lâu hơn so với hầu hết khách du lịch châu Á, mặc dù thấp hơn so với khách du lịch châu Âu và Mỹ.

du-lich-khach-nuoc-nao-den-nuoc-ta-nhieu-nhat-4.jpg

Với tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc không nhỏ (30%), Việt Nam có thể cũng sẽ là một nước hưởng lợi lớn trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận “cú hích” từ sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc.

“Nếu có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh, chúng tôi tin rằng tỷ lệ quay trở lại của du khách Trung Quốc đạt 50 - 80% so với mức trước đại dịch (3 - 4,5 triệu) là một mục tiêu trong tầm với của Việt Nam”, HSBC nhận định.

Làm sao tăng độ sexy cho du lịch Việt?

HSBC cho rằng, bên cạnh việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, Việt Nam có thể tận dụng những “cú hích” khả dĩ sau để tăng độ hấp dẫn cho ngành du lịch Việt.

1- Khai thác thêm các thị trường mới, ví dụ mở đường tiếp cận các thị trường mới nổi như Ấn Độ, một quốc gia có dấu ấn ngày càng tăng trong ngành du lịch quốc tế của Việt Nam.

Tháng 9 vừa qua, VietJet đã bắt đầu khai thác các đường bay giữa đảo nghỉ dưỡng Phú Quốc với New Delhi và Mumbai của Ấn Độ. Các đường bay khác cũng đã khai trương nhằm kết nối các thành phố lớn của hai nước. Việc đi lại dễ dàng hơn cũng tạo điều kiện cho kết nối du lịch sâu rộng hơn: Khách du lịch Ấn Độ chiếm 4% tổng số du khách của Việt Nam trong năm 2022, tăng từ mức chỉ 1% vào năm 2019.

du-lich-khach-nuoc-nao-den-nuoc-ta-nhieu-nhat-5.jpg

2- Nới lỏng thêm chính sách thị thực

Hiện tại, Việt Nam không miễn thị thực cho các thị trường lớn bao gồm Trung Quốc đại lục, Mỹ và Úc, còn các nước châu Âu được miễn thị thực nhưng thời hạn lưu trú chỉ được 15 ngày. Rõ ràng, so với các quốc gia khác, việc tiếp cận chế độ miễn thị thực vẫn còn tương đối chặt chẽ ở Việt Nam.

du-lich-khach-nuoc-nao-den-nuoc-ta-nhieu-nhat-6.jpg

3- Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, ví như du lịch golf

Du lịch thể thao, một phân khúc du lịch nằm trong tầm nhìn ngành du lịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam, cũng có thể giúp thu hút du khách thuộc nhóm có mức chi tiêu cao. Chẳng hạn, Hà Nội đã và đang hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch golf.

Phải thừa nhận rằng thị trường còn tương đối non trẻ đồng nghĩa với tiềm năng còn nhiều cơ hội để cải thiện về tổ chức tour trọn gói và sự phối hợp giữa các nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, đây là một cơ hội tốt khi mà số lượng sân golf ở Việt Nam được dự đoán có thể tăng gấp đôi lên 200 vào năm 2025. Cùng với các phân khúc khác đã được khoanh vùng như du lịch y tế và nông nghiệp, các dự án phát triển liên quan sẽ đóng vai trò then chốt trong hỗ trợ thu hút sự quan tâm của thế giới đối với du lịch Việt Nam.

4- Phát triển các cơ sở vật chất phục vụ du lịch

Nguồn cung cơ sở lưu trú cao cấp tiếp tục tăng trưởng với số lượng cơ sở tiêu chuẩn 4 - 5 sao tăng bình quân 12%/năm trước đại dịch, theo Tổng cục Du lịch. Sau đại dịch, một số chuỗi khách sạn toàn cầu đang tìm cách tích cực mở thêm cơ sở mới tại Việt Nam, phản ánh sức hấp dẫn của Việt Nam trong các lĩnh vực khác chứ không chỉ trong sản xuất. Ví dụ, La Festa Phú Quốc, Curio Collection by Hilton dự kiến sẽ khai trương vào giữa năm 2023 và Marriott International cũng dự kiến sẽ bổ sung thêm 9.000 phòng vào mức hiện tại là 3.300 phòng. Với tham vọng tầm quốc gia và các dự án phát triển khác nhau đang diễn ra, về cơ bản triển vọng ngành du lịch quốc tế của Việt Nam vẫn tích cực.


(0) Bình luận
Làm sao để du lịch Việt Nam "sexy" hơn: Khách nước nào đông nhất? Ai ở lại lâu nhất? Ai chi tiền mạnh nhất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO