Kazuki Hirata ngủ chéo trên nệm; cẩn thận lắm mới không bị va đập đầu gối trong căn hộ vỏn vẹn 9 m2 ở Tokyo. Diện tích sàn phòng chỉ bằng nửa nơi ở cơ bản, song giá thuê những 520 USD (hơn 13 triệu đồng) mỗi tháng, chiếm 1/3 thu nhập của anh.
Dẫu vậy, Kazuki Hirata vẫn cảm thấy hài lòng vì vị trí ngôi nhà chỉ cách quán bar anh làm phục vụ một quãng đi bộ ngắn. Anh trang bị thêm máy giặt, giường tầng và bếp mini.
“Tôi thấy mình được bao quanh bởi đồ vật”, anh nói.
Chia sẻ với CNA, chàng trai 31 tuổi cho biết mình đã tiết kiệm được 20-30% tiền thuê mỗi tháng nhờ căn hộ dạng hộp tí hon. Ưu điểm của không gian chật hẹp là khuyến khích anh hạn chế mua sắm, đồng thời tận dụng tối đa công năng của từng món đồ.
Không thể mua quần áo mới bởi chẳng đủ chỗ chứa, Hirata mặc đồng phục đi làm và cả trong ngày nghỉ. Việc dọn dẹp trong căn hộ diện tích nhỏ cũng khá dễ.
Căn hộ của Mark Lorenzo Permalino ở Manila (Philippines) thì có diện tích nhỉnh hơn: 22 m2. Chàng trai 28 tuổi muốn có căn hộ chung cư hai phòng ngủ ở trung tâm tài chính Makati, song giấc mơ đó quá xa vời bởi giá khởi điểm cho căn hộ một phòng ngủ đã là 200.000 USD. Việc giá nhà cao gấp hàng chục lần thu nhập hộ gia đình đã thôi thúc chàng kỹ sư IT chọn nhà hộp, chấp nhận bọc miếng xốp ở các góc nhọn quanh căn hộ để tránh va đầu vào.
Xu hướng sống nhà hộp đang bùng nổ ở châu Á. Dữ liệu của công ty bất động sản Savills cho thấy nhu cầu căn hộ trong phân khúc từ 15-30 m2 ở năm quận trung tâm Tokyo đã tăng 20% từ năm 2016 đến nay. Ông Tetsuya Kaneko, giám đốc nghiên cứu và tư vấn Savills Nhật Bản cho biết nguyên do bởi tình hình lạm phát và giá bất động sản tăng cao.
Để nắm bắt cơ hội, tập đoàn bất động sản như Spilytus đang xây dựng các căn hộ siêu nhỏ ở những khu vực trung tâm Tokyo như Ebisu và Nakameguro để phục vụ tệp khách hàng là giới trẻ. Họ thích sống ở vị trí thuận lợi và chấp nhận không gian nhỏ với giá thuê hợp lý.
Những “chiếc hộp” mà Spilytus phát triển đã lấp đầy được khoảng 99%. Phần lớn người thuê nhà có độ tuổi dưới 30, độc thân và thuê nhà trung bình trong khoảng 2 năm. Như Hirata, anh nói không có kế hoạch chuyển đi trừ khi kết hôn hoặc thay đổi công việc.
Giới trẻ Philippines cũng đang có xu hướng tương tự.
Marife Ballesteros, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Philippines cho biết: “Để đủ khả năng mua nhà, họ phải có thu nhập hơn 1600 USD mỗi tháng”, bà nói. Trong khi đó, khảo sát tiền lương năm 2022 của Cơ quan Thống kê Philippines cho thấy thu nhập trung bình ở nhiều ngành nghề chỉ là 328 USD mỗi tháng.
Tại một số quốc gia châu Á, sở thích về nhà ở đang thay đổi, điển hình là Hàn Quốc. Thay vì tiết kiệm khoản tiền quá lớn để sở hữu một căn hộ ở thủ đô Seoul, những người trẻ trong độ tuổi 20-30 tuổi có xu hướng chọn nhà siêu mỏng. Với họ, đây là giải pháp khả thi và có thể trút bỏ gánh nặng mang tên “không có tiền mua nhà, không nên lập gia đình”.
Vợ chồng kiến trúc sư Choi Min-wook nằm trong số những người tiên phong xây nhà nhỏ. Cơ ngơi của họ chỉ bằng 1/3 các ngôi nhà bình thường khác, song cả hai vẫn hài lòng với quyết định của mình.
Theo: CNA