Lạm phát hoành hành thấy rõ ở chợ Ai Cập: Giá cả nhảy múa không kiểm soát, đến cà chua còn bị gọi là "cà chua điên"

Tất Đạt | 18:42 26/02/2023

Cuộc sống của người dân Ai Cập đảo lộn khi giá cả tăng chóng mặt. Tầng lớp người nghèo và trung lưu là những người chịu thiệt thòi nhất.

Lạm phát hoành hành thấy rõ ở chợ Ai Cập: Giá cả nhảy múa không kiểm soát, đến cà chua còn bị gọi là "cà chua điên"

Giá cả tăng cao

Sống dựa vào tiền lương hưu, bà Nadia Ibrahim thường xuyên đi mua sắm tại chợ thực phẩm ngoài trời ở quận Abdeen của tầng lớp trung lưu Cairo (Ai Cập).

Sau mỗi lần đến đây mua đồ ăn, bà phải trả nhiều tiền hơn cho cùng một lượng mua sắm. Bà nói, giá cả không tăng đáng kể từ tuần này sang tuần khác, nhưng những đợt tăng nhỏ đã duy trì trong nhiều tháng, có nghĩa là bây giờ bà phải bỏ một số mặt hàng và mua ít hơn những mặt hàng khác.

"Giá tăng lên một cách lặng lẽ và âm thầm, nhưng không thoát khỏi sự chú ý của tôi," bà nói khi đi dạo trên những con đường hẹp và bụi bặm của chợ vào một buổi sáng gần đây. "Tôi không còn ngạc nhiên nữa. Tôi đã quen với việc đó."

Bà Ibrahim, đã sống với người chồng 45 năm trong một căn hộ 4 tầng cách chợ 10 phút đi bộ, cảm thấy thật khó khăn để chi tiêu với số tiền lương hưu ít ỏi.

Cuộc sống của họ vốn đã khắc khổ lại càng trở nên khắc khổ hơn. Tình cảnh của bà cũng là điều mà đại đa số 104 triệu người dân Ai Cập phải chịu từ sau thời điểm 1 năm trước, khi Nga thực hiện chiến dịch đặc biệt. Chính phủ Ai Cập cho rằng cuộc xung đột là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng tại quốc gia này - điều chưa từng xảy ra trong nhiều thập kỉ.

1(1).png

Trước khi xung đột bắt đầu, Nga và Ukraine sản xuất khoảng 20% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu, cũng như một lượng lớn dầu ăn trên thế giới. Hai quốc gia này chiếm 80% lượng xuất lúa mì sang Ai Cập - một trong những nước nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới.

Là một trong những quốc gia nợ nần nhiều nhất trong khu vực, cuộc khủng hoảng ở Ai Cập được xác định bởi lạm phát hai con số - gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 1 - chủ yếu do giá lương thực tăng vọt.

Đồng nội tệ đã mất khoảng 50% giá trị kể từ tháng 3 năm ngoái. Đất nước này phải đối mặt với khủng hoảng ngoại tệ chủ yếu do hóa đơn nhập khẩu cao hơn và các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi thị trường từng một thời hấp dẫn.

Cuộc sống đảo lộn

Trong lần đi chợ gần đây nhất, bà Ibrahim đã mua một kg ức gà với giá 190 bảng Ai Cập (khoảng 6 USD). Đó là nhiều gần gấp đôi so với mức giá 100 bảng Ai Cập của một năm trước. Người bán hàng nói với bà ấy rằng bà thật may mắn khi mua được miếng thịt với giá 190 bảng trong khi lẽ ra nó phải đắt hơn sau khi anh ta đã cắt bỏ phần mỡ.

"Tôi biết rằng 190 bảng là quá nhiều đối với hầu hết mọi người. Nhu cầu đối với ức gà giảm đến mức một số cửa hàng trong chợ đã phải đóng cửa", người bán hàng - một nam giới vạm vỡ ở độ tuổi 40 - nói với bà Ibrahim khi anh cắt ức gà bằng dao.

Điểm dừng tiếp theo là một chiếc xe đẩy bằng gỗ chất đầy cà chua, nơi chủ cửa hàng chỉ thẳng vào đống cà chua kém chất lượng hơn khi bà Ibrahim phản đối về giá của những quả ngon, đẹp.

"Cà chua không điên nữa," tiểu thương này nói, ám chỉ đến cái tên "el outa el magnouna" – "cà chua điên" – mà người Ai Cập đã đặt cho cà chua vì sự biến động giá bất thường của chúng.

"Tôi chỉ cố gắng bán đủ hàng nên muốn giữ giá chứ giờ người ta mua không nhiều", người này nói.

Nơi dừng chân kế tiếp của bà Ibrahim là một cửa hàng trứng, nơi một khay 30 quả có giá 50-70 bảng một năm trước nhưng hiện được bán với giá 120 bảng Ai Cập. Bà đã mua 10 quả trứng tự chọn ngon hơn nhưng đắt hơn với giá 4,25 bảng mỗi quả. Trên đường về nhà, bà mua năm ổ bánh balady, loại bánh mì dẹt truyền thống của Ai Cập - mà so với một năm trước - hiện đang bán với giá gần gấp đôi.

2(1).png

Bà Ibrahim cho biết khu chợ, một mê cung của những con đường chật hẹp, nơi những con chó hoang thoải mái đi lại giữa nhịp sống hối hả của con người, có ít người mua sắm hơn so với một năm trước, vì vậy những người bán hàng tuyệt vọng nài nỉ để có khách mua hàng. Tuy nhiên, bà không loại trừ rằng đợt lạnh mà Cairo đang trải qua trong tháng này là một yếu tố gây ra tình trạng đó.

Chợ Abdeen, giống như nhiều chợ khác trên khắp thành phố hơn 20 triệu dân, là một khu chợ rất đơn giản. Không có bao bì cầu kỳ, không trưng bày bắt mắt và rất ít mặt hàng nhập khẩu. Ở đây họ chỉ giao dịch bằng tiền mặt và rất hay có chuyện mặc cả.

Chợ này phục vụ chủ yếu cho người nghèo và tầng lớp trung lưu, hai phân khúc dân số bị ảnh hưởng nặng nề nhất do giá cả tăng kể từ khi Tổng thống Abdel Fattah El Sisi bắt tay vào chương trình cải cách kinh tế nhằm giảm trợ cấp của nhà nước và đưa ra các loại thuế mới.

Trông chờ vào lời cầu nguyện

Các con phố của khu chợ đầy những chiếc xe đẩy bằng gỗ chất đầy rau, trái cây và bánh mì. Các cửa hàng nhỏ phía sau xe bán đủ loại hàng hóa, từ gia cầm và hàng tạp hóa đến trứng và gà sống.

Có một số ít người ăn xin không ngừng hy vọng rằng một số người mua sắm sẽ đủ hào phóng để cho họ ít tiền.

"Hãy giúp tôi mua gạo cho các con tôi", một người ăn xin nói.

"Tôi muốn mua bánh mì cho gia đình mình," một người khác nói.

Còn trong khi đó, một người đàn ông bán rau kêu lên: "Hỡi Thánh Allah, hãy thương hại chúng tôi và hãy làm cuộc sống dễ dàng hơn!". Rõ ràng, ông đang nói thay cho cả người mua hàng và những người bán hàng rong khác.

Lời cầu xin của ông ngay lập tức được hưởng ứng bởi một người bán hàng khác cách đó vài mét. "Hãy làm cuộc sống của chúng tôi tốt lên đi, hỡi Thánh Allah!" - giọng nam giới hét lên đau đớn.

Cả hai người đàn ông này đều phàn nàn rằng công việc kinh doanh đã đi xuống trong nhiều tháng. Người mua hàng nay mua ít hơn và không ngần ngại mặc cả tới cùng.

Tổng thống El Sisi cho rằng sẽ là vô lý nếu mong đợi chính phủ kiểm soát giá thực phẩm ở tất cả các cửa hàng và đề nghị người dân Ai Cập trừng phạt những người bán hàng tham lam bằng cách tẩy chay họ.

Ông cũng đặt vấn đề với việc các phương tiện truyền thông đưa tin về việc tăng giá, nói rằng có quá nhiều điều đã được viết về chủ đề này. Chính phủ Ai Cập đã chi hàng tỷ USD để bảo vệ những người Ai Cập dễ bị tổn thương nhất khỏi lạm phát, bao gồm trợ cấp bánh mì cho gần 70 triệu người. Ai Cập cũng đảm bảo rằng tất cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đều có sẵn, mặc dù với giá do các nhà bán lẻ quy định.

Bà Ibrahim, 74 tuổi, đang ăn ít thịt lợn và thịt gà hơn và dùng pho mát địa phương hơn là các thương hiệu châu Âu có giá cả phải chăng cách đây không lâu.

"Tôi không nghĩ mọi thứ sẽ sớm trở nên tốt hơn hoặc giá cả sẽ trở lại như trước đây," bà trầm ngâm khi đi qua khu chợ.

"Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc loay hoay với những tâm hồn chịu đựng, đôi môi mím chặt và tâm trí bực bội," bà nói với một chút cay đắng xen lẫn cam chịu. "Tôi chưa bao giờ nghĩ cuộc đời mình sẽ gặp khó khăn vì vấn đề chính trị, điều mà tôi chưa bao giờ quan tâm".


(0) Bình luận
Lạm phát hoành hành thấy rõ ở chợ Ai Cập: Giá cả nhảy múa không kiểm soát, đến cà chua còn bị gọi là "cà chua điên"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO