Lãi suất thả nổi đang trở thành “gánh nặng” với người mua nhà trả góp

Hải Sơn | 15:25 02/08/2022

Hết thời hạn vay ưu đãi, mức lãi suất thả nổi đang là “gánh nặng” đối với người mua nhà trả góp. Từ đầu năm đến nay mặt bằng lãi suất cho vay tại khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tăng từ 1 -2 %.

Lãi suất thả nổi đang trở thành “gánh nặng” với người mua nhà trả góp
Lãi suất thả nổi sau khi hết thời gian ưu đãi khiến nhiều khách hàng đang lâm vào thế "tiến thoái lưỡng nan". (Ảnh: Int)

Với lời chào hấp dẫn từ các sàn giao dịch bất động sản vay mua nhà được ưu đãi lãi suất 2 năm, hết thời hạn ưu đãi sẽ thả nổi theo thị trường đã khiến nhiều khách hàng “khóc dở, mếu dở”.  

Tài chính mua bất động sản không rẻ

Với khoản tích cóp 600 triệu đồng sau 10 năm đi làm cộng với khoản thu nhập 40 triệu đồng/tháng, vợ chồng anh Hoàng Tuấn Anh (Đống Đa, Hà Nội) đã quyết định mua trả góp ở dự án trên đại lộ Thăng Long.

Căn hộ mà anh Hoàng Tuấn Anh mua có diện tích 54m2, trị giá 2,2 tỷ đồng. Như vậy, anh Tuấn Anh cần vay thêm 1,6 tỷ đồng, hình thức trả góp 20 năm, mỗi tháng sẽ trả cả lãi và gốc khoảng 25 triệu đồng. Hai năm đầu tiên, chủ đầu tư ưu đãi lãi suất 0%. Hết thời gian trên, sẽ phải trả lãi suất thả nổi theo thị trường.

Giữa năm 2022 khi hết thời gian ưu đãi, nếu theo như tính toán từ 2 năm trước anh chị sẽ phải trả cả lãi và gốc 25 triệu đồng/tháng, nhưng thời gian gầy đây, lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tăng từ 1-2% khiến anh chị không lường hết được. Số lãi và gốc phải trả đã tăng lên hơn 30 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, với thời hạn vay còn 20 năm nữa thì lãi suất cố định phải trả cho ngân hàng không chỉ dừng lại ở con số 30 triệu đồng/tháng.

“Hiện lãi suất cố định 6 tháng là 7,5%, nhưng lãi suất cố định thời hạn 36 tháng 9,30%/tháng. Nếu lãi suất thời gian tới mà tăng nữa thì rất khó khăn trong trả nợ ngân hàng vì thu nhập không hề tăng lên, thậm chí giảm hơn so với 2 năm trước đây. Với mặt bằng lãi suất liên tục tăng cao như hiện nay, tôi rất lo lãi suất cho vay mua nhà chưa dừng lại", anh Hoàng Tuấn Anh nói.

Câu chuyện của anh Hoàng Tuấn Anh chỉ là 1 trong nhiều trường hợp khác đang diễn ra hiện nay, khi nhu cầu mua nhà của người dân cao nhưng chưa đủ tiềm lực tài chính. Lãi suất cố định 6 tháng sẽ khác với lãi suất cố định 12 hay 36 tháng. Khi bán nhà, đại diện cho chủ đầu tư không giải thích rõ ràng cho người dân hiểu, chỉ hướng dẫn ở mức lãi suất cố định thấp nhất, dẫn đến tình trạng người mua nhà đang “sống dở, chết dở” với khoản vay này. Và khi người mua nhà trả được cả gốc và lãi trong 20 năm, chắc chắn số đó không dừng lại ở 2,2 tỷ đồng.

Theo một số chuyên gia ngân hàng, sản phẩm cho vay mua bất động sản của ngân hàng không thực sự "rẻ" như quảng cáo, vì mức lãi suất ưu đãi chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn, còn sau đó, người vay sẽ phải trả lãi suất theo thị trường, tức là gồm lãi suất huy động vốn cộng với 3 - 4% chi phí quản lý, hoạt động của ngân hàng. Lãi suất huy động tăng có nghĩa lãi suất khoản vay cũng tăng theo.

Nếu như năm ngoái liên tục giảm lãi suất cho vay mua nhà để kích thích nhu cầu vay vốn thì nay các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất cho vay tăng từ 1-2%/năm. Thậm chí trong tháng 7, lãi suất cho vay mua nhà của nhiều ngân hàng tiếp tục tăng thêm từ 0,2-0,6%/năm. Đơn cử VIB đã điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm lãi suất lên mức 8,7%/năm cho các khoản vay với mục đích mua nhà. Tương tự, Ngân hàng UOB (thuộc Singapore) tăng lãi suất cho vay mua nhà từ mức 6,49%/năm trong tháng 6 lên 7,69%/năm trong tháng 7…

Chỉ nên vay 30-40% trị giá ngôi nhà

Trước đó, như MarketTimes thông tin từ báo cáo của Ngân hàng Nhà nướcViệt Nam, đến tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt hơn 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%).

Trong đó, tín dụng đối với bất động sản kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33% dư nợ bất động sản; tín dụng bất động sản phục vụ mục đích sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67%.

Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế trong, ngoài nước.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng bất động sản vượt trội trong nửa đầu năm nay, và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc siết tín dụng chỉ nhằm vào các dự án thiếu tính pháp lý, ít khả thi, còn với người có nhu cầu vay mua nhà ở sẽ không bị ảnh hưởng.

Thực tế, lãi suất của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tăng cả huy động và cho vay, người mua nhà sẽ không còn được hưởng lãi suất rẻ như 2 năm trước nữa. Bởi hiện nay, chi phí đầu vào nhích dần theo lãi suất tiết kiệm, trong khi nhiều nhà băng lại bị cạn "room" tín dụng, nhất là đối với hạn mức cho vay bất động sản.

Ngân hàng Nhà nước giải thích, một số tổ chức tín dụng phản ánh hết room tín dụng, song do các tổ chức tín dụng tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm.

“Việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do hết room mà còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn, hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao…”, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Trước vấn đề người mua nhà chưa tính toán được hết mức lãi suất thả nổi sau khi hết thời gian ưu đãi, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, khi mua nhà nhiều người chọn gói vay lãi vay cực kỳ thấp nhưng lại không hề biết với mức lãi suất như vậy, họ dễ dàng rơi vào “bẫy” tài chính.

“Khi đi vay nên chọn gói dịch vụ có sự cân bằng về hạn mức cho vay và lãi suất để tránh rủi ro. Đồng thời, người dân chỉ nên vay từ 30% - 40% giá trị ngôi nhà định mua. Nếu vượt quá mức này, khả năng kiểm soát chi tiêu hằng tháng của người vay sẽ gặp nhiều khó khăn và không thể cân bằng được”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lãi suất thả nổi đang trở thành “gánh nặng” với người mua nhà trả góp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO