Kỳ tích Nhật Bản: Cách đào tạo phi hành đoàn đỉnh cao của Japan Airlines cứu sống gần 400 người khỏi chiếc máy bay bốc cháy

Vũ Anh | 15:27 03/01/2024

Japan Airlines đào tạo phi hành đoàn khắt khe, đến thợ máy, nhân viên mặt đất cũng phải học cách thoát hiểm khẩn cấp.

Kỳ tích Nhật Bản: Cách đào tạo phi hành đoàn đỉnh cao của Japan Airlines cứu sống gần 400 người khỏi chiếc máy bay bốc cháy

Chuẩn doanh nghiệp nhật bản: Japan Airlines đào tạo phi hành đoàn khắt khe, đến thợ máy, nhân viên mặt đất cũng phải học cách thoát hiểm khẩn cấp

Đoạn video quay cảnh chiếc máy bay hãng hàng không Japan Airlines (JAL) bốc cháy dữ dội tại sân bay Haneda, Tokyo đã khiến cả thế giới kinh hoàng. Điều đáng chú ý ở đây là toàn bộ 379 hành khách trên chiếc máy bay này đều sống sót một cách kỳ diệu. 

Theo Graham Braithwaite, chuyên gia về an toàn bay tại Đại học Cranfield, Anh, thiết kế máy bay cũng như trình độ đào tạo nhân viên chuyên nghiệp, khắt khe của JAL chính là chìa khóa ngăn chặn thảm họa.

Quy tắc 90 giây

Theo ông Braithwaite, để đáp ứng các quy tắc về an toàn, các nhà thiết kế máy bay phải chứng minh được rằng chiếc máy bay đó có thể được sơ tán trong 90 giây và có 50% lối thoát hiểm nếu xảy ra tai nạn.

Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng với tai nạn kinh hoàng hôm 2/1. Ông Braithwaite cho rằng những hành khách dễ bị tổn thương, chẳng hạn như trẻ em và người già, vẫn cần nhiều hơn 90 giây để đến được nơi an toàn.

“Hãy nhớ rằng những bài kiểm tra như vậy không diễn ra trong môi trường căng thẳng cao độ như vụ tai nạn ngày 2-1”, ông nhận xét.

Được biết, thành tích sơ tán hành khách của phi hành đoàn trên máy bay JAL rất ấn tượng. Không có trường hợp tử vong và chỉ có 17 hành khách bị thương nhẹ.

Chuyên gia an ninh hàng không Jeffrey Price, giáo sư hàng không tại Đại học bang Colorado Metropolitan (Mỹ), gọi việc mọi người trên chuyến bay JAL được sơ tán an toàn là “phép màu”.

a178dfff025e8d5655af2b5048ec968f.jpg

“Thật phi thường khi phi hành đoàn và chính hành khách có thể hỗ trợ đưa nhau ra khỏi máy bay nhanh chóng trước khi nó hoàn toàn chìm trong biển lửa. Điều kỳ diệu hơn nữa là các hành khách vẫn giữ được bình tĩnh và không hoảng sợ”, ông Price nhận định. 

Ông nói thêm sân bay cũng có các đơn vị cứu hộ và chữa cháy song có thể mất tới 3 phút hoặc hơn trước khi lực lượng ứng cứu có mặt tại hiện trường.

“Mất khoảng 90 giây để ngọn lửa cháy xuyên qua thân máy bay. Dựa trên số liệu này, hành khách và phi hành đoàn gần như phải tự mình xử lý trong khoảng từ 1-2 phút đầu tiên. Đây là một ví dụ về một cuộc sơ tán máy bay tuyệt vời”. 

Thiết kế chiếc máy bay 

Hỏa hoạn từ lâu đã được coi là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự an toàn của chiếc máy bay. Ông Braithwaite giải thích rằng các cabin của chiếc Airbus A350 gặp tai nạn hôm thứ Ba đã được thiết kế bằng vật liệu đặc biệt giúp ngăn lửa lan nhanh và tạo ra khói độc.

Máy bay hiện đại hiện được thiết kế để có thể dễ dàng tiếp cận lối thoát hiểm ở bất cứ nơi nào. Đèn tín hiệu sẽ cho biết vị trí chính xác của chúng trong điều kiện tầm nhìn kém, chẳng hạn như khi khói lan rộng. 

Một nghiên cứu năm 2002 cho thấy các phi công có khoảng 17 phút để hạ cánh an toàn nếu phát hiện hỏa hoạn trên máy bay. Việc máy bay chở khách của JAL may mắn hạ cánh được khi vụ tai nạn xảy ra, theo đó, là đóng vai trò vô cùng quan trọng.

dsc_7306_m.jpg
Một buổi diễn tập của JAL 

Ngoài ra, ông Braithwaite cũng nhấn mạnh Japan Airlines từ lâu đã luôn chú trọng sự an toàn của các hành khách.

“Sứ mệnh này đã ăn sâu vào tổ chức. Họ tuân thủ rất chặt các quy tắc vận hành tiêu chuẩn”, ông Braithwaite nói và cho biết thảm họa máy bay Japan Airlines đâm vào một ngọn núi gần Tokyo năm 1985 khiến 520 người thiệt mạng đã thúc đẩy công ty tập trung cao độ vào an toàn hành khách.

Chia sẻ với BI, ông Braithwaite cho biết toàn bộ nhân viên JAL phải đến một trung tâm an toàn đặc biệt tại trụ sở chính để học cách xử lý sự cố và đảm bảo an toàn cho hành khách.

“Tôi nghĩ rằng văn hóa JAL chính là yếu tố tạo ra sự khác biệt to lớn đối với kết quả sự kiện bi thảm này”, ông Braithwaite nhận định. “Với những gì tôi biết về hãng hàng không cũng như sự nỗ lực của họ trong việc đảm bảo an toàn bay, thành công như vậy không có gì đáng ngạc nhiên”.

Các chuyên gia cũng nhận định phản ứng nhanh chóng của phi hành đoàn đã cứu sống hàng trăm người. Chỉ vài giây sau khi máy bay dừng lại, các máng thoát hiểm được bơm căng và mọi người nhanh chóng được đưa ra ngoài, ngay cả khi cabin tràn ngập khói.

00.jpg
Các máng thoát hiểm được bơm căng ngay sau khi cửa thoát hiểm mở 

“Tôi đặc biệt ấn tượng với các phi công, phi hành đoàn và hành khách vì đó dường như là một cuộc ‘sơ tán sách giáo khoa’ trong điều kiện khắc nghiệt nhất”, một phi công của một hãng hàng không lớn ở châu Âu giấu tên cho biết. 

Được biết trước đó, ngoài các buổi diễn tập tổ chức cho phi hành đoàn, JAL còn đào tạo thợ máy và các nhân viên mặt đất cách thoát hiểm khẩn cấp. Quyết định được đưa ra sau thảm họa bốc cháy máy bay do China Airlines của Đài Loan vận hành.

“Chúng tôi từng nghĩ rằng chỉ cần đào tạo cho các thành viên phi hành đoàn là đủ. Giờ đây, chúng tôi muốn tăng số lượng học viên và nâng cao nhận thức về an toàn cho tất cả nhân viên”, đại diện JAL nói và cho biết công nhân sẽ được đào tạo cách trượt từ máy bay xuống cũng như hỗ trợ hành khách. 

dsc_7182_m.jpg
Một buổi diễn tập của JAL 

Theo The Guardian, gần 4 thập kỷ trôi qua, JAL thường xuyên được vinh danh là một trong những hãng hàng không an toàn nhất thế giới bởi trang webairliner.com.

“Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tích phi thường. JAL là một trong những công ty dẫn đầu thế giới về an toàn. Sự thành công của cuộc sơ tán đã cho thấy hãng bay này đào tạo phi hành đoàn tốt như thế nào”, giáo sư Graham Braithwaite nói. 

Theo: BI, The Guardian 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Kỳ tích Nhật Bản: Cách đào tạo phi hành đoàn đỉnh cao của Japan Airlines cứu sống gần 400 người khỏi chiếc máy bay bốc cháy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO