Tổ chức nghiên cứu Atlantic Council mới đây cho biết, khả năng không tiếp tục thoả thuận thương mại mang tính bước ngoặt giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út sẽ là đòn giáng mạnh vào vị thế thống trị trên thị trường dầu mỏ của đồng USD và mang lại chiến thắng mang tính biểu tượng cho việc phi đô la hoá.
Trong một bài đăng mới, tổ chức nghiên cứu này chỉ ra rằng khả năng hiệp định năm 1974 yêu cầu Ả Rập Xê Út chỉ sử dụng đồng bạc xanh khi bán dầu thô sẽ kết thúc. Atlantic Council cho biết, trong 50 năm qua, thoả thuận petrodollar đã duy trì vai trò quan trọng của đồng USD trong hoạt động giao dịch và huy động vốn của thế giới.
Khi kinh tế Mỹ suy thoái vào những năm 1970, petrodollar đã giúp đồng USD ổn định. Theo một phần của thoả thuận với Ả Rập Xê Út, đồng bạc xanh sẽ được sử dụng để mua trái phiếu chính phủ Mỹ và việc này càng củng cố vai trò của đồng USD là đồng tiền dự trữ.
Tuy nhiên, kể từ khi thoả thuận được ký kết cách đây 50 năm, nhiều thứ đã thay đổi, Atlantic Council cho biết.
Sự thống trị của kinh tế Mỹ không còn mạnh mẽ như trước, khi tỷ trọng của nước này trong GDP thế giới giảm từ 40% xuống 25% kể từ năm 1960. Hơn nữa, sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu mỏ của Ả Rập Xê Út cũng giảm đáng kể do sự bùng nổ của hoạt động khai thác dầu trong nước Mỹ.
Thay vào đó, các thị trường khác hấp dẫn hơn cũng xuất hiện, khuyến khích các nền kinh tế tăng trưởng nhờ dầu mỏ phải cân nhắc lại về các hoạt động giao thương.
Hung Tran, thành viên không thường trực của Atlantic Council cho hay: “Trung Quốc đã trở thành đối tác dầu mỏ lớn nhất của Ả Rập Xê Út, chiếm hơn 20% lượng dầu xuất khẩu của vương quốc này. Bắc Kinh đã thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ, định hướng thương mại ở khắp Trung Đông - nơi tầm ảnh hưởng của Mỹ đã suy yếu.”
Vì lý do này, Riyadh đã dần đi theo xu hướng phi đô la hoá, nhằm tìm cách giảm bớt sự thống trị của đồng bạc xanh trong nền tài chính thế giới.
Ví dụ, Ả Rập Xê Út nằm trong số những ứng viên BRICS tiềm năng muốn tách rời khỏi đồng USD. Quốc gia này cũng “bắt tay” với Trung Quốc nhằm giúp tạo ra mBridge, hệ thống thanh toán xuyên biên giới sử dụng đồng tiền số của NHTW.
Tran nói thêm, nếu các hệ sinh thái thanh toán như vậy phát triển thì đó là mối đe doạ thực sự với tính thanh khoản của trái phiếu chính phủ Mỹ, gây rủi ro cho trụ cột chính trong vị thế toàn cầu của đồng bạc xanh.
Ông cho hay: “Trong một thế giới như vậy, đồng USD vẫn ‘toả sáng’ nhưng không có ảnh hưởng quá lớn, vì vai trò của các đồng tiền như Nhân dân tệ, euro hay yên Nhật sẽ tăng lên, tương xứng với vị thế quốc tế của nền kinh tế đó.”
Tran kết luận: “Trong bối cảnh này, động thái của Ả Rập Xê Út với thoả thuận petrodollar vẫn là ‘điềm báo’ quan trọng về tương lai của nền tài chính, vì nó được tạo ra cách đây 50 năm.”
Tham khảo BI