Kỳ lân ‘Punycorn’: Những startup lạ đời tại Nhật Bản khi bị IPO quá sớm với tổng giá trị không vượt quá vài trăm triệu USD

Băng Băng | 10:59 24/10/2024

Thành công của Masayoshi Son đang tạo ra tư tưởng đầu tư mạo hiểm lệch lạc trong giới khởi nghiệp Nhật Bản, khi các kỳ lân chấm dứt hành trình mạo hiểm của mình bằng IPO.

Kỳ lân ‘Punycorn’: Những startup lạ đời tại Nhật Bản khi bị IPO quá sớm với tổng giá trị không vượt quá vài trăm triệu USD

Khi startup EcoNaviSta được phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Nhật Bản vào năm 2023, cổ phiếu của hãng khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe thông qua phân tích dữ liệu giấc ngủ được hỗ trợ bởi trí thông minh nhân tạo (AI) này đã tăng mạnh.

Thế rồi thị trường biến động, công ty chao đảo và mất 60% giá trị.

Hiện nay, EcoNaviSta thay vì được coi là một trong những kỳ lân (Unicorn-startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) thì lại bị coi là "Punycorn", ám chỉ những startup bị IPO quá sớm, không còn được nhà đầu tư về sự bùng nổ tăng trưởng, không dám mạo hiểm vì đã lên sàn chứng khoán và tổng vốn hóa chẳng bao giờ vượt quá vài trăm triệu USD.

Dẫu biết rằng sau khi IPO, các startup sẽ phải "nhìn mặt" của cổ đông và nhà đầu tư thay vì liên tục mạo hiểm như trước đây nhưng việc các Punycorn ra đời cho thấy nhiều điều về ngành khởi nghiệp ở Nhật Bản.

Tiến hóa thất bại?

Tờ Financial Times (FT) cho hay đã 35 năm kể từ thời hoàng kim của nền kinh tế Nhật Bản, thị trường này đang đối mặt với nhiều sự khắc nghiệt hơn trước và buộc cả ngành khởi nghiệp cũng phải tiến hóa để thích nghi theo.

Nỗi lo về giảm phát cũng như tình hình kinh tế khó khăn đang khiến ngành khởi nghiệp của Nhật Bản gặp nhiều sóng gió đến mức FT nhận định thị trường này không giỏi trong việc tạo ra kỳ lân.

Đây là điều trớ trêu trong tham vọng vực dậy ngành công nghệ cũng như vị thế đi đầu của Nhật Bản trước cuộc cách mạng chip bán dẫn và AI hiện nay.

Năm 2022, một nhóm vận động hành lang doanh nghiệp đã khuyến nghị với chính phủ rằng Nhật Bản nên nhân giống 100 kỳ lân vào năm 2027, lựa chọn từ ít nhất 100.000 công ty khởi nghiệp.

Kể từ đó đến nay, bất chấp nhiều kêu gọi nhưng chính phủ vẫn cắt giảm trợ cấp tài chính cho mảng khởi nghiệp. Hậu quả là nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho ngành khởi nghiệp đã giảm từ 970 tỷ Yên (6,7 tỷ USD) vào năm 2022 xuống còn 803 tỷ Yên vào năm 2023 và đang trên đà giảm hơn nữa xuống còn 650 tỷ Yên năm 2024.

Bởi vậy theo FT, mục tiêu tạo ra 100 kỳ lân vào năm 2027 khó lòng đạt được.

Tuy nhiên đây chưa phải là nguyên nhân chính khiến các kỳ lân Nhật Bản hóa Punycorn.

Trong khi các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon đi đúng hướng để đạt vị thế kỳ lân của mình thì các startup Nhật Bản lại bị thu hút vào IPO kiếm lời hơn.

Thành công của tỷ phú Masayoshi Son trong mảng khởi nghiệp khi bỏ vốn đầu tư hàng loạt startup để rồi kiếm lợi nhuận khi IPO được vô số nhà đầu tư khác tại Nhật Bản noi theo.

Hậu quả là rất nhiều startup được IPO khi chưa sẵn sàng cả về cấu trúc, thương mại lẫn tâm lý cho bước nhảy vọt này. Tuy nhiên họ lại chẳng thể làm gì trước áp lực của nhà đầu tư muốn thu hồi vốn nhanh thay vì quan tâm đến cuộc cách mạng công nghệ hay sản phẩm mà startup này đem lại cho thị trường.

"Hành trình của một startup nên bắt đầu nghiêm túc kể từ khi IPO. Thế nhưng tại Nhật Bản, hành trình này lại kết thúc bằng việc IPO", một người đứng đầu quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở ở Tokyo ngậm ngùi thừa nhận.

Theo FT, chỉ 1/3 số cổ phiếu trong TSE Growth Market 250, nơi thường niêm yết các startup, là tăng điểm trong năm 2024. Tệ hơn, chỉ số này đã giảm gần 14,5% kể từ đầu năm đến nay cho dù chỉ số chung của thị trường chứng khoán là Nikkei 225 vẫn tăng điểm.

Tuy nhiên đây chưa phải là yếu tố duy nhất khiến các kỳ lân của Nhật Bản không lớn lên được mà mãi loanh quanh ở Punycorn.

Tự thỏa mãn

Tờ FT nhận định nền kinh tế Nhật Bản đủ lớn để các startup tăng trưởng trong giai đoạn đầu và khi IPO, nhiều nhà sáng lập trở nên hài lòng với danh hiệu triệu phú. Thay vì có tham vọng thành tỷ phú hay tạo nên cuộc cách mạng công nghệ hoặc làm gì đó thay đổi thế giới thì nhiều nhà sáng lập, cổ đông và quỹ đầu tư lại thỏa mãn với giá trị vài trăm triệu USD.

Trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay và mảng khởi nghiệp gặp vô vàn thách thức thì quan điểm đầu tư cầu toàn này là hợp lý. Thế nhưng Nhật Bản sẽ không thể vươn mình nếu chỉ có Ponycorn.

Theo FT, rất nhiều nhà khởi nghiệp trong mảng thương mại điện tử, dịch vụ công nghệ thông tin hay số hóa chỉ đơn giản là sao chép mô hình đã thành công ở nước ngoài và chuyển về trong nước. Mô hình này đảm bảo được tỷ lệ thành công cao, thu hút được các nhà đầu tư và dễ thực hiện hơn nhưng chúng chẳng có đột phá hay tạo nên cuộc cách mạng công nghệ nào cả.

Những niềm tự hào của nền kinh tế này như tivi màu, băng cassette hay máy tính cá nhân giờ đã bị thay thế bởi smartphone, xe điện, chip bán dẫn...đều là các sản phẩm mà Nhật Bản không dẫn đầu.

Thậm chí là người láng giềng Hàn Quốc hiện nay cũng vượt Nhật Bản về mảng smartphone và chip nhớ điện tử, còn Trung Quốc thì cho nền kinh tế này "hít khói" ở mảng xe điện và sản xuất smartphone.

Ngay cả ở mảng tàu cao tốc từng là niềm tự hào của Nhật Bản thì hiện nay đang bị Trung Quốc dần vượt mặt.

Trong khi Mỹ và Trung Quốc tranh cãi nhau về bằng sáng chế, ganh đua nhau về kỹ thuật tiên tiến nhất cũng như đặt ra các tiêu chuẩn cho công nghệ mới thì Nhật Bản, từng là niềm tự hào của Châu Á nay lại bị "ra rìa".

Tinh thần lao động của người Nhật là đáng kính nể nhưng nếu không thể hòa nhập được với thế giới, tiềm năng công nghệ của họ sẽ bị giới hạn.

Một ví dụ điển hình là năm 1999, Nhật Bản xúc tiến vụ sáp nhập, mua lại của Hitachi với bộ phận sản xuất bộ nhớ của NEC dưới cái tên mới: Elpida.

Thế nhưng kế hoạch vun trồng cho tập đoàn Hitachi thất bại hoàn toàn vào năm 2012 khi Elpida phá sản cùng khoản nợ 5,5 tỷ USD, để rồi bị công ty Mỹ Micron Technology mua lại.

"Tất cả những gì chúng tôi cố thử đều không thành công, từ các dự án quốc gia cho đến liên doanh đều thất bại. Mảng chip điện tử hiện đã nằm ngoài tầm khôi phục để vươn lên top thế giới rồi", Giám đốc Yuko Harayama của Viện nghiên cứu Riken thừa nhận.

Quay trở lại Punycorn, tờ FT nhận định Nhật Bản không tạo ra được một hệ sinh thái khởi nghiệp đủ sôi động để thúc đẩy các startup.

Hàng loạt tập đoàn lâu đời với văn hóa làm việc truyền thống đã ăn sâu vào nền kinh tế khiến các nhà khởi nghiệp Nhật Bản khó tìm được chỗ đứng, chỉ có thể IPO thành Punycorn để sống sót và chiều lòng cổ đông.

Trong bối cảnh dân số lão hóa nhanh, số lao động giảm cùng hàng loạt những thách thức khác, liệu mảng khởi nghiệp Nhật Bản có thể vươn mình giúp nền kinh tế này lấy lại hào quang hay không vẫn còn là một nghi vấn.

*Nguồn: FT

Bài liên quan

(0) Bình luận
Kỳ lân ‘Punycorn’: Những startup lạ đời tại Nhật Bản khi bị IPO quá sớm với tổng giá trị không vượt quá vài trăm triệu USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO