Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 của Công ty cổ phần VNG, doanh thu thuần trong kỳ vừa qua đạt 2.333 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ đó, lợi nhuận gộp cũng tăng 3,7% lên 978 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức lợi nhuận này không đủ bù đắp các khoản chi phí, trong đó lớn nhất là chi phí bán hàng 718 tỷ đồng, cùng với chi phí quản lý 335 tỷ đồng.
Kết quả quý 3, VNG lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 128 tỷ đồng, lỗ trước thuế 117 tỷ đồng và lỗ sau thuế 172 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, VNG ghi nhận doanh thu thuần 6.431 tỷ đồng và chịu lỗ 465 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu của VNG, mảng trò chơi trực tuyến tiếp tục đóng góp lớn nhất khi chiếm gần 4.900 tỷ đồng (76%). Đứng sau là quảng cáo trực tuyến 691 tỷ đồng và dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet 690 tỷ đồng (cùng chiếm 10,7%).
Tuy thua lỗ nhưng sau 9 tháng đầu năm, tài sản của VNG vẫn tăng lên. Tại ngày 30/9/2023, VNG có tổng tài sản 9.756 tỷ đồng, tăng gần 10% so với đầu năm. Trong đó, các khoản tương đương tiền tăng gần 1.100 tỷ đồng, lên gấp 3 lần đầu năm.
Cách đây ít ngày, VNG đã công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023. Báo cáo cho thấy số lỗ tăng gấp 7 lần so với báo cáo tự lập, lên 293 tỷ đồng.
Mới đây, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố quyết định đưa cổ phiếu VNZ của CTCP VNG vào diện hạn chế giao dịch kể từ 25/10. Theo đó, cổ phiếu VNZ trên thị trường UPCoM chỉ được giao dịch vào phiên thứ sáu hàng tuần.
Nguyên nhân là do VNG chậm nộp báo cáo tài chính bán niên năm 2023 đã được soát xét quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định.
Đây là lần thứ 2, cổ phiếu VNZ bị hạn chế giao dịch. Hồi tháng 5/2023, VNZ cũng đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Tuy nhiên, chỉ sau 10 ngày, cổ phiếu này đã thoát diện hạn chế giao dịch sau khi nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022.