Kỳ lạ nền kinh tế Nhật Bản: Chứng khoán phá đỉnh 30 năm, GDP sụt giảm nhiều quý liên tiếp, vì đâu nên nỗi?

Anh Dũng | 13:56 22/02/2024

Nếu ai muốn tìm bằng chứng cho thấy tình hình kinh tế của một quốc gia với động lực của thị trường chứng khoán là hai vấn đề hoàn toàn tách biệt, thì Nhật Bản hiện tại chính là ví dụ rõ ràng nhất.

Kỳ lạ nền kinh tế Nhật Bản: Chứng khoán phá đỉnh 30 năm, GDP sụt giảm nhiều quý liên tiếp, vì đâu nên nỗi?

*Bài viết thể hiện quan điểm của nhà báo William Pesek, tác giả cuốn “Japanization: What the World Can Learn from Japan’s Lost Decades” (tạm dịch: Nhật Bản hóa: Thế giới có thể học được gì từ những thập kỷ mất mát của Nhật Bản)

Khi chỉ số Nikkei 225 băng băng vượt đỉnh được xác lập từ năm 1989, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản lại đang sụt giảm. Sau khi giảm 3,3% trong quý 3/2023, GDP Nhật Bản giảm thêm 0,4% trong quý 4.

Nhật Bản đang coi đây là một cuộc “suy thoái kỹ thuật”, ý nói vấn đề này “không có gì to tát”. Tuy nhiên, tình hình không mấy lạc quan khi phân tích GDP Nhật Bản cuối năm 2023.

Dữ liệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng, chi tiêu cho tài sản cố định, đầu tư công và doanh số bán nhà đều yếu. Đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản là Trung Quốc đang gặp khó khăn. Tất cả những điều này khiến kế hoạch tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trở nên phức tạp.

Cách đây không lâu, các nhà kinh tế đã chắc chắn rằng BOJ sẽ dừng nới lỏng định lượng (QE) và tăng lãi suất ngay sau tháng 3. Nhưng dự đoán này đang thay đổi khi rủi ro suy thoái ngày càng sâu và nền kinh tế Trung Quốc thì đang chậm lại.

Các thị trường cũng dần nhận ra Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không cắt giảm lãi suất nhanh như mong đợi. Điều đó có nghĩa là lợi suất trái phiếu toàn cầu có thể vẫn tăng cao. Như vậy, ý tưởng BOJ thắt chặt chính sách dần xa vời.

image(4).png
Ảnh: Reuters

Trong khi những cuộc tranh luận diễn ra, những thách thức đối với nền kinh tế Nhật Bản đã tạo ra một tình huống trớ trêu. Một mặt, thị trường chứng khoán của đất nước này bước vào giai đoạn tăng cao chưa từng có, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.

Mặt khác, nền kinh tế gặp khó khăn khi các nhà lãnh đạo Nhật Bản chưa thể nâng cao sức cạnh tranh của nước này. Nguyên nhân chính khiến chỉ số Nikkei tăng 28% trong năm 2023 và tăng hơn 14% từ đầu năm đến nay được cho là do cải cách quản trị doanh nghiệp từ năm 2014. Các lãnh đạo doanh nghiệp được thúc đẩy tăng cường lợi nhuận trên vốn, đa dạng hoá hội đồng quản trị và trao cho cổ đông tiếng nói.

Đến tháng 8/2020, những thay đổi này đã thúc đẩy huyền thoại đầu tư Warren Buffett rót tiền cho Nhật Bản. Ông đã cược một khoản lớn vào các công ty thương mại giàu tiền mặt là Itochu, Marubeni, Mitsubishi, Mitsui và Sumitomo. Tháng 6 năm ngoái, ông đã nâng tỷ lệ sở hữu lên trung bình hơn 8,5%.

“Hiệu ứng Buffett” tạo tiền đề cho sự bùng nổ của Nikkei và đưa Nhật Bản vào tâm điểm của việc kêu gọi đối với với cuộc suy thoái gần nhất.

Từ cuối thập niên 1990, Nhật Bản rơi vào chu kỳ tăng trưởng yếu đến tăng trưởng âm. Đây là hậu quả cuộc khủng hoảng nợ xấu. Năm 1999, BOJ cắt giảm lãi suất xuống 0 và đi tiên phong trong việc áp dụng QE.

Khi ngân hàng trung ương tăng cường QE thì đồng Yên lao dốc. Kết hợp điều này với chính sách thân thiện với cổ đông, doanh nghiệp đã ghi nhận lợi nhuận kỷ lục. Tuy nhiên, không có xu hướng nào đủ để làm chất xúc tác thúc đẩy chu kỳ tiêu dùng tăng.

Điều này tạo ra hai xu hướng trái ngược. Một mặt, doanh nghiệp phình to, làm giàu cho các nhà đầu tư toàn cầu. Mặt khác, người lao động trong nước phải đối mặt với tình trạng tiền lương trì trệ.

Ảnh: Getty Images

Câu hỏi đặt ra lúc này là khi nào thì những xu hướng trái ngược này giao nhau?

Nhật Bản đang nhận ra một điều rằng việc ưu tiên để đồng Yên yếu trong nhiều thập kỷ thay vì đổi mới cơ cấu đã làm tinh thần cạnh tranh bị suy yếu. Tiền mặt không giới hạn của BOJ và tỷ giá hối đoái thấp khiến cách nhà hoạch định chính sách thêm áp lực. Điều này khiến các CEO không vội tái cơ cấu, tăng khả năng cạnh tranh và đổi mới.

Cuối cùng, hậu quả đã xuất hiện. GDP Nhật Bản tụt lại phía sau Đức. Việc bị hạ xuống vị trí thứ 4 toàn cầu là một đòn giáng mạnh vào tâm lý chung của người Nhật. So với việc mất vị trí thứ hai vào tay Trung Quốc, cú sốc lần này nhẹ hơn nhưng vẫn là thông tin không mấy vui vẻ. Những dự đoán rằng Ấn Độ cũng sẽ vượt qua GDP của Nhật Bản trong một vài năm nữa càng khiến các quan chức nước này thêm đau đầu.

Đây có lẽ là lời nhắc nhở để Tokyo lấy lại động lực đổi mới. Nếu Nhật Bản không thay đổi và gia tăng cạnh tranh, nguồn vốn toàn cầu sẽ chuyển sang những lĩnh vực năng động hơn.

Tham khảo SCMP


(0) Bình luận
Kỳ lạ nền kinh tế Nhật Bản: Chứng khoán phá đỉnh 30 năm, GDP sụt giảm nhiều quý liên tiếp, vì đâu nên nỗi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO