Kinh tế toàn cầu đã vượt qua một năm đầy bất ổn

Dương Hùng | 02:23 09/02/2024

Sau 2 năm khó khăn bởi dịch bệnh, người dân toàn cầu bước sang năm 2023 với hy vọng về một giai đoạn êm đềm hơn. Tuy nhiên, niềm hy vọng mong manh đó sớm bị đập tan bởi những “cơn ác mộng” bất động sản, tài chính, … bủa vây.

Kinh tế toàn cầu đã vượt qua một năm đầy bất ổn
Kinh tế toàn cầu đã trải qua khá nhiều thách thức khó lường trong năm 2023.

Một năm nhiều thách thức

Theo đó, kinh tế toàn cầu năm 2023 dường như còn hỗn loạn hơn thời điểm khó khăn bởi dịch bệnh Covid, trong bối cảnh lãi suất ngày càng tăng và biến động địa chính trị ngập tràn.

Ở Trung Quốc, nền kinh tế vẫn còn bị đè nặng bởi “cơn ác mộng” bất động sản, trong khi nhu cầu chưa hồi phục như kỳ vọng. Ở Mỹ, thị trường tài chính chao đảo trước những lời nói của Fed mà điểm nhấn nằm ở thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã có lúc vượt 5%. Trong khi đó, ở vùng Trung Đông, Israel và Hamas tham gia vào cuộc chiến mà đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Đầu tháng 03/2023, thị trường toàn cầu hoảng hốt trước thông tin Silicon Valley Bank (SVB) bị buộc phải dừng hoạt động và giao lại cho Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) quản lý. Đây cũng là vụ sụp đổ lớn nhất của một ngân hàng kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008, và lớn thứ hai trong lịch sử.

Tại thời điểm sụp đổ, SVB có tổng số tiền huy động khoảng 174 tỷ USD, tổng số tiền đầu tư nắm giữ các trái phiếu và những khoản cho vay khoảng 205 tỷ USD. Không lâu sau đó, Signature Bank và First Republic cũng sụp đổ và bị FDIC tiếp quản.

Tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, “cơn ác mộng” bất động sản tiếp tục đè nặng khi vào giữa tháng 8/2023, Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 ở Mỹ. Trước khi nộp đơn phá sản ở Mỹ, Evergrande công bố khoản lỗ 81 tỷ USD trong hai năm 2021 và 2022. Theo ước tính, Evergrande đang nợ khoảng 2.437 tỷ Nhân dân tệ (340 tỷ USD) - tương đương 2% GDP Trung Quốc.

Ngoài Evergrande, Country Garden – công ty bất động sản tư nhân lớn thứ hai Trung Quốc cũng đã vỡ nợ vào cuối tháng 10/2023 vì không thể thanh toán nợ trái phiếu USD.

Bên cạnh đó, năm 2023 là một năm buồn đối với nhiều công ty khởi nghiệp. Những năm trước đây liên tục có tin công ty khởi nghiệp này nhận được hàng triệu đô la vốn đầu tư, công ty khởi nghiệp kia được định giá hàng tỷ đô la trên thị trường. Tuy nhiên, 2023 là năm trái ngược khi thông tin nổi lên là hàng loạt công ty startup tuyên bố phá sản, nhiều công ty được bán tháo với giá rẻ, số khác thì lặng lẽ biến mất khỏi thị trường.

Những tín hiệu tích cực

Số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng GDP toàn cầu 2023 ước đạt 2,9% (giảm 0,3 điềm phần trăm so với mức 3,2% của năm 2022). Thực tế, kết quả đạt được đã cao hơn dự báo từ đầu năm 2023, nhưng sự phục hồi của các nền kinh tế có tỷ trọng đóng góp lớn như Mỹ, EU nhìn chung là tương đối chậm. Mặc dù vậy, năm 2023 cũng chứng kiến sự “mở cửa” trở lại của nền kinh tế Trung Quốc, và mức tăng trưởng 5,2% của nước này cũng góp phần giúp bức tranh tăng trưởng chung của toàn cầu bớt ảm đạm hơn.

Dự báo kinh tế toàn cầu năm 2024, các chuyên gia tại DSX – FERI cho rằng, nhìn chung tình hình kinh tế thế giới vẫn còn khá nhiều biến số khiến cho dự báo tăng trưởng GDP 2024 từ các tổ chức quốc tế cũng khá thận trọng, xoay quanh mức tăng 2,7% - 2,9% so với năm 2023.

Trong đó, lạm phát toàn cầu 2023 ước khoảng 7%. Tuy mức lạm phát này vẫn còn cao, nhưng cùng đà giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022 (8,3%). Đây là tín hiệu cải thiện đáng ghi nhận, và cũng là cơ sở để Fed tạm dừng tăng lãi suất 2 kỳ liên tiếp, sau 11 lần Fed liên tục tăng lãi suất tính từ tháng 3/2022, đồng thời mở ra triển vọng của việc Fed sẽ giảm dần lãi suất trong năm 2024. Dự báo từ năm 2024, lạm phát sẽ dần được kiểm soát, tuy nhiên cần thêm thời gian từ 2 - 3 năm để đưa lạm phát về mức ổn định cũ.

Một điểm tích cực khác là giá xăng dầu thế giới năm 2023 đã hạ nhiệt so với đỉnh giá năm 2023 và có xu hướng duy trì trạng thái ổn định, góp phần hỗ trợ cho lạm phát dừng tăng, bất chấp bất ổn địa chính trị đang leo thang tại nhiều khu vực.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa giảm mạnh ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất của doanh nghiệp, làm suy giảm đà tăng trưởng kinh tế. Nhiều nền kinh tế lớn đối diện với cả lạm phát lẫn giảm phát. Trong bối cảnh “thắt lưng buộc bụng” chung, theo S&P Global, PMI năm 2023 của tất cả các nền kinh tế lớn (Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc,...) đồng loạt duy trì mức bình quân dưới 50 điểm. Đây là chỉ báo không quá lạc quan, và vẫn cần tiếp tục theo dõi sát để có các quyết định chiến lược đầu tư, sản xuất kinh doanh phù hợp.

Theo đánh giá của DSX – FERI, giai đoạn 2022 -2023, địa chính trị thế giới có quá nhiều biến động, nền kinh tế chưa thực sự đi qua những ảnh hưởng “hậu Covid”, lại đối diện với chiến tranh, bạo loạn nên tiếp tục đà suy giảm. Tăng trưởng GDP 2023 bị chậm nhịp, chỉ còn bằng khoảng 1/3 so với trước khủng hoảng. Bước sang năm 2024, tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới tiếp tục phải đối mặt với những diễn biến phức tạp liên quan thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biểu tình, bạo loạn, chiến tranh leo thang, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh mạng, an sinh xã hội, cước phí vận tải tăng cao đối với hàng hóa đi qua Suez, v.v.


(0) Bình luận
Kinh tế toàn cầu đã vượt qua một năm đầy bất ổn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO