Kinh tế Thái Lan đối mặt khó chồng khó, Việt Nam đón cơ hội

Dy Khoa | 14:57 23/05/2025

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, hai nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á là Thái Lan và Việt Nam đang cho thấy những diễn biến trái chiều.

Kinh tế Thái Lan đối mặt khó chồng khó, Việt Nam đón cơ hội

Thái Lan: Du lịch giảm sút, đồng Baht mạnh gây sức ép lên xuất khẩu

Ngành du lịch, vốn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Thái Lan, đang đối diện với những dự báo kém lạc quan. Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) đã hạ dự báo lượng khách du lịch Trung Quốc đến Thái Lan năm nay tới 2 triệu lượt, tương đương gần 30%. Dự báo tổng lượt khách quốc tế đến năm 2025 cũng giảm từ 39,5 triệu xuống 37,5 triệu lượt, và có thể chỉ đạt 37 triệu lượt trong kịch bản thuế quan Mỹ cao hơn.

Sự sụt giảm khách Trung Quốc trong quý 1/2025 không chỉ do lo ngại về an toàn mà còn phản ánh sự thay đổi hành vi của khách du lịch và nỗ lực thúc đẩy du lịch nội địa của chính phủ Trung Quốc. Bên cạnh đó, sự chậm lại của kinh tế toàn cầu do căng thẳng thương mại kéo dài cũng có thể làm giảm chi tiêu cho du lịch nước ngoài.

Các dự báo khác cũng kém khả quan, với Kiatnakin Phatra Research Center (KKP Research) dự báo 36,2 triệu lượt khách quốc tế năm nay, và Kasikorn Research Center (K-Research) thậm chí ước tính giảm xuống 34,5 triệu lượt, giảm 2,8% so với năm trước. K-Research cũng dự báo doanh thu từ khách quốc tế sẽ giảm 3%.

bangkok.jpg

Từ 1/1 đến 11/5 năm nay, Thái Lan đã đón 12,9 triệu khách quốc tế, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. KKP Research nhận định đóng góp của du lịch vào GDP Thái Lan dự kiến sẽ kém đi trong năm nay.

Thách thức lớn khác đối với Thái Lan là sự tăng giá mạnh của đồng Baht, điều này bị đánh giá là không phản ánh sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế trong nước. Đồng Baht mạnh lên đáng kể, gần đây đạt mức 32,70 Baht/USD, chủ yếu do hai yếu tố chính: giá vàng toàn cầu tăng liên tục do căng thẳng địa chính trị và đồng USD suy yếu do bất ổn kinh tế và lo ngại về ổn định tài khóa của Mỹ.

Sự tăng giá này được coi là "bất thường" và chủ yếu do dòng vốn đầu cơ ngắn hạn vào vàng và USD yếu, chứ không phải do cải thiện nền tảng kinh tế Thái Lan. Mặc dù đồng Baht mạnh giúp giảm chi phí nhập khẩu, nó lại gây áp lực đáng kể lên các nhà xuất khẩu.

Các nhà xuất khẩu gặp khó khăn trong việc cạnh tranh giá, buộc phải hấp thụ thua lỗ hoặc tăng giá và đối mặt nguy cơ mất đơn hàng.

Tốc độ biến động nhanh của đồng Baht cũng làm gia tăng thách thức cho các nhà hoạch định chính sách. KKP Research chỉ ra rằng tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Thái Lan có thể suy yếu trong những năm tới do lĩnh vực sản xuất giảm sút, cùng với sự sụt giảm xuất khẩu và du lịch.

Việt Nam: Du lịch phục hồi, xuất khẩu gạo bứt phá

Trong khi du lịch Thái Lan đối mặt khó khăn, ngành du lịch Việt Nam lại ghi nhận những tín hiệu tích cực. Trong 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã đón hơn 7,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2024. Mặc dù lượng khách tháng 4 có giảm nhẹ so với tháng 3, điều này được giải thích là do kết thúc mùa cao điểm du lịch quốc tế kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, con số của tháng 4 vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam.

2250233.jpg

Trung Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất với 1,95 triệu lượt, chiếm 25,4% tổng lượng khách quốc tế trong 4 tháng đầu năm. Thị trường này có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ lên tới 56,7% so với cùng kỳ năm 2024. Hàn Quốc đứng thứ hai với 1,58 triệu lượt.

Đáng chú ý, thị trường Nga có sự phát triển vượt trội khi tăng đến 110,9%, trở thành thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu với hơn 166 nghìn lượt khách. Các thị trường châu Âu được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương cũng giữ mức tăng trưởng ổn định.

Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch, lữ hành trong 4 tháng đầu năm 2025 cũng đạt mức ấn tượng. Ngành du lịch Việt Nam đang tích cực triển khai các chiến dịch xúc tiến, quảng bá thương hiệu ở nước ngoài.

Trên lĩnh vực xuất khẩu, Việt Nam đang có bước tiến lớn. Theo dự báo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2025 sẽ lần đầu tiên vượt qua Thái Lan để đứng ở vị trí thứ 2 thế giới, chỉ sau Ấn Độ.

Ước tính, Việt Nam sẽ xuất khẩu 7,9 triệu tấn, so với 7,2 triệu tấn của Thái Lan. Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) lo lắng việc Việt Nam vượt qua Thái Lan đã được ghi nhận. Sản lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan trong quý 1 vừa qua giảm đến 30%.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn duy trì được sản lượng xuất khẩu cao nhờ nhu cầu ổn định từ các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc và các nước châu Phi. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đang có xu hướng tăng.

Về mặt tiền tệ, đồng Việt Nam, mặc dù phải chịu áp lực đáng kể kể từ khi Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng vào đầu tháng 4 và tỷ giá neo cao dù đồng USD trên thế giới đã dịu lại, triển vọng vẫn được đánh giá là có nhiều yếu tố tích cực.

Các chuyên gia đánh giá có dư địa về chính sách quản lý của Ngân hàng Nhà nước. UOB thậm chí còn lạc quan về tỷ giá tiền đồng, điều chỉnh giảm dự báo cho các quý cuối năm 2025 (26.300 đồng/USD vào quý 3 và 26.000 đồng/USD vào quý 4). Một điểm tích cực là phía Mỹ không đề cập yêu cầu đàm phán về chính sách tiền tệ của Việt Nam. Lạm phát ở mức thấp tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước duy trì các chính sách tiền tệ mở rộng nhằm thúc đẩy kinh tế.


(0) Bình luận
Kinh tế Thái Lan đối mặt khó chồng khó, Việt Nam đón cơ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO