Kinh tế tập thể nắm vai trò dẫn dắt các hộ sản xuất cá thể

Linh Khang | 14:34 15/02/2022

Ngày 15/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012.

Kinh tế tập thể nắm vai trò dẫn dắt các hộ sản xuất cá thể
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể.

Chưa phát huy được hết tiềm năng khu vực kinh tế tập thể

Theo Báo cáo tại Hội nghị, đến cuối năm 2021, cả nước có trên 27.000 HTX, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động.

Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% năm 2019.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Một số mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 13 đặt ra nhưng chưa đạt mục tiêu hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể còn thấp và tỉ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra. Đặc biệt, khung khổ pháp luật, chính sách về kinh tế tập thể, HTX còn nhiều rào cản, mâu thuẫn, chồng chéo.

Tại Hội nghị, các ý kiến chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm như thống nhất về tư tưởng, lý luận là tiền đề quan trọng dẫn tới sự thống nhất trong hành động, tạo điều kiện tập trung nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế tập thể.

"Nơi nào cấp uỷ xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể là một trong những nhiệm vụ trong nghị quyết của cấp mình, thì nơi đó sẽ tập hợp được sức mạnh của quần chúng và đảng viên tham gia phong trào phát triển kinh tế tập thể; địa phương nào quan tâm đến việc nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể điển hình tiên tiến và kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân đạt thành tích thì phong trào ở đó sẽ phát triển".

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Vai trò, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế tập thể. Khung pháp lý minh bạch, thông thoáng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển đúng hướng. Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ là khâu then chốt để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể đi vào thực tiễn.

Cùng với đó, phát triển HTX phải dựa vào nội lực của thành viên là chính; phát huy vai trò phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hiệp hội và Liên minh HTX. Đồng thời, tôn trọng và nghiên cứu áp dụng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam kinh nghiệm quốc tế trong phát triển HTX gần 250 năm qua, nhất là bản chất của tổ chức HTX, giá trị và các nguyên tắc HTX đã mang tính phổ biến, toàn cầu.

Các đại biểu cũng cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh kinh tế, thương mại trên toàn cầu ngày càng gay gắt, tiêu chuẩn của người dân và chính sách của các nước trên thế giới ngày càng khắt khe, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn rất khó có chỗ đứng, cạnh tranh, tồn tại và phát triển. Vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển, khu vực kinh tế tập thể phải nắm lấy vai trò dẫn dắt các hộ sản xuất cá thể nhỏ, lẻ, các tổ hợp tác tạo thành chuỗi giá trị sản xuất lớn đủ sức cạnh tranh trên thương trường, đem lại lợi ích cho thành viên.

Khó khăn, thách thức nhiều hơn trong thời gian tới

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết nêu rõ, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích và phát triển.

Chúng ta đã cơ bản xây dựng, ban hành hệ thống quy định pháp luật và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX theo yêu cầu của Nghị quyết và tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế của từng giai đoạn phát triển.

Khu vực kinh tế tập thể, HTX đã bước đầu có chuyển biến tích cực về chất và lượng, cơ bản khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài và nhất là ngày càng khẳng định được dư địa, tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế quốc dân.

Việc chuyển đổi, tổ chức lại các HTX theo quy định của Luật HTX cơ bản được hoàn thành; công tác vận động, hướng dẫn thành lập các HTX mới cũng có kết quả tốt. Trong 20 năm qua, cả nước đã có gần 38.000 HTX mới được thành lập.

Đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, HTX hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Mô hình hoạt động có hiệu quả nhất hiện nay là hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân, với 1.181 quỹ hoạt động trên 57/63 tỉnh, thành phố, hơn 1,8 triệu thành viên.

Bên cạnh các kết quả đạt được, khu vực kinh tế tập thể, HTX vẫn còn hạn chế, bất cập. Nhận thức của người dân, cơ quan quản lý về kinh tế tập thể, nhất là HTX kiểu mới được nâng lên những vẫn còn tâm lý e ngại tham gia HTX và kinh tế hợp tác. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỉ trọng đóng góp vào GDP chưa ngang tầm, đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX còn nhiều bất cập; thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, đặc biệt là ở các cấp địa phương, còn nhiều đầu mối các cơ quan có chức năng về quản lý kinh tế hợp tác. Chính sách và nguồn lực hỗ trợ cho phát triển kinh tế tập thể, HTX còn hạn chế, phân tán, chủ yếu là lồng ghép.

Thủ tướng nhấn mạnh, yếu tố quan trọng nhất và quyết định là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu.

Thủ tướng nêu rõ, sau hơn 35 năm đổi mới, kinh tế đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng, tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới, vị thế đất nước được nâng lên. Việc tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với các cam kết mở thị trường về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư theo các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra những cơ hội và thách thức đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Thủ tướng nhấn mạnh, cơ hội, dư địa, không gian, tiềm năng sản xuất, phát triển của kinh tế tập thể, HTX còn rất lớn, đặc biệt là HTX nông nghiệp. Đội ngũ lao động đông đảo, có kinh nghiệm, cùng với hạ tầng cơ sở đã được đầu tư, đặc biệt là ở khu vực nông thôn sẽ là nền tảng thúc đẩy áp dụng công nghệ, phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại.

Chúng ta có thị trường trong nước quy mô lớn với gần 100 triệu dân, thị trường quốc tế tiếp tục mở rộng với 17 FTA đã được ký kết và đàm phán. Đồng thời, chúng ta có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp thu hút đầu tư, khuyến khích đổi mới tư duy, cập nhật tri thức mới, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần xác định những khó khăn, thách thức là nhiều hơn trong thời gian tới. Trong đó, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sẽ dẫn tới cạnh tranh, sức ép hết sức gay gắt.

Tập trung triển khai một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Thủ tướng lưu ý, trong giai đoạn tới tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp diễn biến mới và thực tiễn Việt Nam. Tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đẩy mạnh hợp tác công - tư. Xây dựng mô hình quản trị kinh tế tập thể, HTX tiên tiến, kết hợp với mô hình truyền thống phù hợp với tình hình Việt Nam, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Tạo cạnh tranh lành mạnh gắn với mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu, sản phẩm.

Tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi và theo thế mạnh từng khu vực, vùng miền, quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý theo điều kiện từng nơi, từng sản phẩm, quy mô, thị trường… Nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia kinh tế tập thể, HTX.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh thêm, trong lúc khó khăn, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế. Do đó, phát triển HTX trong nông nghiệp là rất quan trọng với tinh thần lấy nông dân làm trung tâm, nông thôn làm nền tảng, nông nghiệp làm động lực, tiếp tục thành lập và phát triển các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp để khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, chia cắt, tự phát, hướng đi là theo con đường chính ngạch, vào thị trường khó tính.

Việc sửa đổi Luật HTX phải hướng đến mục tiêu xóa bỏ các rào cản, điểm nghẽn; tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ để khu vực này tương xứng với vị trí, vai trò nền tảng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc sửa đổi phải phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, lợi ích các chủ thể tham gia, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nguồn lực…, mục tiêu cuối cùng là hạnh phúc, ấm no của nhân dân,

Thủ tướng lưu ý, cần nghiên cứu, hoàn thiện các quy định xác định rõ về bản chất HTX; quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác và tổ chức đại diện với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, như tổ hợp tác, liên đoàn HTX. Không can thiệp vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng HTX. Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý, điều hành HTX nhằm tạo động lực cho khu vực HTX phát triển, trong đó chú ý tới các vấn đề về kế toán, kiểm toán; chuyển đổi số thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thích ứng biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, hoàn thiện các quy định về công tác quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX theo hướng tăng cường hậu kiểm, xây dựng tính tự giác, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương của chính các HTX. Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo thống nhất, tập trung nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cho khu vực kinh tế tập thể có hiệu quả, có vai trò dẫn dắt, tạo động lực.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Kinh tế tập thể nắm vai trò dẫn dắt các hộ sản xuất cá thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO