Nhà máy thủy điện Sơn La (tỉnh Sơn La) và nhà máy thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) - 2 công trình thủy điện lớn bậc nhất Đông Nam Á đã có những đóng góp lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn. Liên quan đến kinh tế, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 ở cả 2 địa bàn đều chứng kiến mức tăng trưởng chậm, khi tăng trưởng GRDP đều thuộc nhóm thấp nhất của cả nước.
Tỉnh Sơn La
Được khánh thành ngày 23/12/2012, nhà máy thủy điện Sơn La là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á thời điểm hiện tại, với công suất lắp đặt 2.400MW. Tọa lạc tại xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, nằm ở bậc thang thứ 2 trong hệ thống bậc thang thủy điện trên thượng lưu sông Đà, đây là công trình quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
Tính đến thời điểm 30/6/2024, tổng sản lượng điện phát của Nhà máy thủy điện Sơn La là 107,396 tỷ kWh. Cũng trong thời điểm này, nhà máy đóng hơn 13.000 tỷ đồng ngân sách nhà Nước.
Sơn La là tỉnh miền núi với 12 dân tộc sinh sống, nằm ở trung tâm vùng Tây Bắc, giáp ranh các tỉnh Lai Châu và Yên Bái ở phía Bắc; phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và nước CHDCND Lào; phía Đông giáp tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ; phía Tây giáp tỉnh Điện Biên.
Về kinh tế, theo Cục Thống kê tỉnh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt hơn 67.700 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 51,7 triệu đồng/người/năm.
Cơ cấu kinh tế cho thấy khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất, với 41,55%, theo sau là khu vực công nghiệp và xây dựng (chiếm 27,04%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 24,55%.
Tăng trưởng kinh tế tỉnh chưa thật sự bền vững, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 theo giá so sánh ước đạt 34.506 tỷ đồng, tăng 0,75% so với cùng kỳ năm trước, không đạt kế hoạch tăng 7,5% đề ra. Đây cũng là mức tăng thấp của tỉnh trong giai đoạn 2019-2023.
Tăng trưởng kinh tế tỉnh Sơn La đứng thứ 12 vùng Trung du và miền núi phía Bắc và đúng thứ 59 cả nước. Năm 2024, Sơn La hướng đến mục tiêu GRDP tăng trưởng từ 7,5%; GRDP đầu người đạt 55,5 triệu đồng.
Sáu tháng đầu năm 2024, GRDP ước tính theo giá so sánh đạt gần 14.650 tỷ đồng, tăng 0,67% so với cùng kỳ. Như vậy, tỉnh đứng thứ 14 vùng Trung du và miền núi phía Bắc và đứng thứ 62 cả nước về tăng trưởng (chỉ sếp trước Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng âm).
Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất đến từ khu vực dịch vụ (5,74%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng nhẹ (0,59%). Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 6,36%, làm giảm 1,60 điểm phần trăm trong tăng trưởng GRDP.
Tỉnh Hòa Bình
Được khánh thành năm 1994 tại tỉnh Hòa Bình, nhà máy thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện có công suất lớn thứ 2 Việt Nam chỉ sau nhà máy thủy điện Sơn La. Nhà máy có công suất 1.920MW với 8 tổ máy, 12 cửa xả đáy. Bên cạnh nhiệm vụ cung cấp điện chủ lực cho hệ thống điện quốc gia, công trình có nhiệm vụ chống lũ cho Hà Nội và vùng hạ du, đảm bảo lưu lượng nước tưới phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt cho đồng bằng Bắc Bộ.
Theo Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh), dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được khởi công vào tháng 1/2021 với mục tiêu bổ sung nguồn điện dự phòng cho hệ thống điện quốc gia. Dự án với quy mô 2 tổ máy với tổng công suất thiết kế 480MW, sau khi hoàn thành, tổng công suất cụm nhà máy thủy điện Hòa Bình sẽ lên 2.400MW, tương đương với nhà máy thủy điện Sơn La.
Hòa Bình là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, là cửa ngõ giao lưu giữa đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ với Tây Bắc. Phía Bắc tỉnh giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp Hà Nội, phía Tây giáp Sơn La và phía Nam giáp 3 tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Thanh Hóa.
Về kinh tế, theo Cục thống kê tỉnh Hòa Bình, năm 2023, GRDP theo giá so sánh ước đạt 32.984,08 tỷ đồng, tăng 0,68% so với năm 2022, xếp thứ 60/63 tỉnh thành. Tuy nhiên, Hòa Bình có tăng trưởng GRDP thấp nhất trong số các tỉnh tốc độ có tăng trưởng dương.
Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 4,35%, khu vực dịch vụ tăng 3,65%. Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,32%, làm giảm 1,41 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng kinh tế. GRDP bình quân đầu người đạt 69,77 triệu đồng/người, tăng 3,72 triệu đồng so với năm 2022.
Trong bối cảnh vẫn còn nhiều áp lực lớn, kinh tế Hòa Bình từng bước phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng. Sáu tháng đầu năm 2024, GRDP tỉnh ước tăng trưởng 1,81%, đứng thứ 61/63 tỉnh thành.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,21%; khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,34%; khu vực dịch vụ tăng 6,48%. Khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm hơn 40% GRDP, theo sau dịch vụ (35,45%) và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản (19,06%).