Theo kiến nghị của 14 Hiệp Hội doanh nghiệp này, do dịch Covid-19 còn kéo dài nên nhu cầu sử dụng test nhanh Covid-19 sẽ còn cao, trong khi giá thị trường đắt đỏ.
Do đó cần phải đưa vào diện bình ổn giá để tránh trường hợp lợi dụng dịch bệnh để kê giá cao.
Trước những kiến nghị này Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Giá năm 2012 và Nghị định số 177/2013/NĐ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, thì “Sản phẩm test nhanh Covid -19” không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.
Tuy nhiên, cũng chính tại Nghị định số 177/2013/NĐ có quy định: “Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là dựa trên cơ sở đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.”.
Như vậy việc có đưa sản phẩm test nhanh Covid-19 vào diện bình ổn giá hay không là do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Bộ Tài chính cho biết đã ghi nhận đề xuất của các Hiệp hội doanh nghiệp và đã đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu đánh giá làm rõ sự cần thiết của việc đưa sản phẩm test nhanh Covid-19 vào diện bình ổn giá.
Cụ thể, sẽ tiến hành đánh giá kỹ về yêu cầu quản lý, những tác động của sản phẩm test nhanh Covid-19 này đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp yếu.
Nghiên cứu nhưng yếu tố thị trường và cơ chế tổ chức thực hiện sau khi Bộ Y tế đưa sản phẩm test nhanh Covid-19 quản lý giá theo danh mục bình ổn giá…
Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Y tế trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định theo thẩm quyền.
Cũng theo Bộ Tài chính, hiện nay Bộ đang đánh giá tổng thể để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giá năm 2012.
Theo đó sẽ rà soát bổ sung các mặt hàng nhà nước quản lý theo trình tự, thủ tục quy định, phù hợp yêu cầu quản lý và thực tiễn phát sinh, trong đó có sản phẩm test nhanh Covid-19.