Kiểm toán Nhà nước nói gì về mảng đầu tư tài chính của MB Bank?

Lê Sáng | 07:56 09/07/2023

Kiểm toán Nhà nước xác định Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB Bank) đã đầu tư tài chính không hiệu quả khi phải trích lập dự phòng 100% khoản đầu tư trái phiếu trị giá 50 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước nói gì về mảng đầu tư tài chính của MB Bank?
Kiểm toán Nhà nước vừa công bố Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022, trong đó có một số kết quả kiểm toán tại MB Bank. Ảnh - Int

Năm 2022, qua kiểm toán BCTC và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB Bank), Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đánh giá đã đầu tư tài chính không hiệu quả.

Cụ thể, theo KTNN, trong kỳ kiểm toán, số dư khoản đầu tư trái phiếu của MB Bank vào Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy đến 31/12/2021 là 50 tỷ đồng, trích lập dự phòng 100%.

Ngoài ra, MB Bank cũng đầu tư 33,96 tỷ đồng vào Công ty CP Bảo hiểm AAA từ năm 2005 (chiếm 3,52% vốn góp). Trong khi đó, theo KTNN, doanh nghiệp này hoạt động không hiệu quả từ năm 2009 và lỗ lũy kế đến 31/12/2021 là 776 tỷ đồng.

Hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa đúng quy định

Ngoài việc đầu tư tài chính không hiệu quả, KTNN cũng chỉ ra một số tồn tại trong công tác hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí tại MB Bank trong kỳ kiểm toán.

Cụ thể, KTNN xác định, trong kỳ kiểm toán, MB Bạn đã hạch toán doanh thu, thu nhập chưa đúng quy định khi hạch toán lãi dự thu đối với các khách hàng cơ cấu nợ 78,13 tỷ đồng, hạch toán thiếu lãi dự thu đối với hoạt động đầu tư trái phiếu 9,68 tỷ đồng, phân bổ thu nhập từ hoạt động bảo lãnh chưa đúng niên độ 49,56 tỷ đồng.

Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội hạch toán thiếu doanh thu hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực năm 2021 số tiền 27,63 tỷ đồng, lãi dự thu đối với hoạt động ủy thác đầu tư 8,62 tỷ đồng.

Ngoài ta, theo KTNN, trong kỳ kiểm toán, MB Bank cũng đã hạch toán chi phí chưa phù hợp với số tiền 9,02 tỷ đồng. Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội trích thiếu dự phòng phí bảo hiểm gốc và tái bảo hiểm 25,36 tỷ đồng.

Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước khi xác định MB Bank chưa kê khai nộp thuế đối với thu nhập từ hoạt động cung ứng dịch vụ thư tín dụng theo quy định với số thuế giá trị gia tăng trị giá 64,36 tỷ đồng.

Phân loại nợ chưa phù hợp

Trong kỳ kiểm toán, KTNN cũng xác định MB Bank đã phân loại nợ chưa phù hợp.

Qua kiểm toán, KTNN xác định điều chỉnh phân loại nợ tại MB Bank theo hướng giảm dư nợ nhóm 1 là 206,38 tỷ đồng, nhóm 3 là 3,93 tỷ đồng, nhóm 4 là 95,03 tỷ đồng; tăng dư nợ nhóm 2 là 79,69 tỷ đồng, nhóm 5 là 225,65 tỷ đồng.

Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác, sai sót về trình tự thủ tục cho vay

KTNN cũng xác định trong kỳ kiểm toán, MB Bank đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác với số tiền 241,61 tỷ đồng.

Về trình tự, thủ tục cho vay, KTNN xác định MB Bank đã thẩm định sơ sài; định kỳ chưa đánh giá lại tài sản bảo đảm; thiếu chứng từ giải ngân/tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn; kiểm tra, giám sát sau cho vay còn sơ sài; gia hạn nợ vượt quá thời gian...

Theo đó, KTNN kiến nghị rà soát để thu hồi nợ trước hạn tại MB Bank số tiền 159,57 tỷ đồng của 3 khách hàng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Kiểm toán Nhà nước nói gì về mảng đầu tư tài chính của MB Bank?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO