Khủng hoảng Volkswagen: Nếu đóng cửa nhà máy sẽ khiến cả 1 thị trấn điêu đứng, 60.000 cư dân lo mất kế sinh nhai, chính Bộ trưởng phải vào cuộc

Vũ Anh | 14:34 17/09/2024

“Sẽ không có Wolfsburg nếu thiếu Volkswagen”, một nhân viên Volkswagen nói.

Khủng hoảng Volkswagen: Nếu đóng cửa nhà máy sẽ khiến cả 1 thị trấn điêu đứng, 60.000 cư dân lo mất kế sinh nhai, chính Bộ trưởng phải vào cuộc

Tại Altdeutsche Bierstube, quán bar lâu đời nhất Wolfsburg, một người đàn ông đang tự hỏi liệu quê hương Volkswagen có đi theo vết xe đổ của Flint ở Michigan — nơi khai sinh ra General Motors (GM). Vào giữa những năm 80, GM tuyên bố không còn có thể cạnh tranh sản xuất ô tô tại Flint bởi doanh số bán hàng giảm sút cũng như sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đối thủ châu Á giá rẻ.

Không rõ liệu Wolfsburg, được mệnh danh là “Die Autostadt” của Đức, có chịu chung số phận kể trên hay không. Câu trả lời còn tùy thuộc vào động thái tiếp theo của nhà VW khi hãng này phải đối mặt trực diện với tình trạng nhu cầu chậm lại và chi phí cao.

Trong nhiều thập kỷ, Wolfsburg và nhà máy ô tô của nó — nhà máy lớn nhất thế giới — đã cho thấy sự hồi sinh công nghiệp kỳ diệu của Đức sau chiến tranh. Cuộc khủng hoảng của VW và kế hoạch đóng cửa một số nhà máy ở Đức đã khiến 120.000 cư dân thành phố lo lắng. Nhiều người trong số họ làm việc trực tiếp cho nhà sản xuất ô tô.

“Sẽ không có Wolfsburg nếu thiếu Volkswagen”, Anke Jentzsch, người đã gia nhập VW với tư cách thực tập sinh cách đây hơn 20 năm, cho biết.

Wolfsburg được thành lập một năm trước Thế chiến thứ hai để làm nơi ở cho những công nhân chế tạo Volkswagen. Kể từ đó, hơn 48 triệu chiếc xe đã lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất của Wolfsburg, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Ngày nay, VW sử dụng 60.000 nhân viên tại Wolfsburg và cũng nhiều như vậy tại tiểu bang Lower Saxony ở miền trung nước Đức, nơi rất nhiều nhà cung cấp ô tô chỉ tồn tại vì nhu cầu của hãng sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu. Jentzsch, thuộc nhóm phát triển kỹ thuật 12.000 người của VW, cho biết tầm quan trọng của công ty đối với khu vực này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực ô tô mà còn mở rộng sang tiệm làm tóc, hàng bánh quanh góc phố.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty khởi nghiệp Trung Quốc dự sẽ chỉ làm xói mòn thêm thị phần của VW trên thị trường ô tô châu Âu đang suy giảm. 

“Chúng tôi muốn tham gia đàm phán để đảm bảo khả năng cạnh tranh lâu dài của Volkswagen”, Gunnar Kilian, giám đốc nhân sự của VW, đã viết trong một lưu ý gửi đến nhân viên. Mọi nỗ lực cắt giảm việc làm hoặc đóng cửa nhà máy đang bị phản đối gay gắt. 

“Chúng tôi sẽ quyết liệt bảo vệ mình trước cuộc tấn công lịch sử này vào kế sinh nhai của mình”, chủ tịch hội đồng công nhân Daniela Cavallo cho biết vào tuần trước, khi bà lập luận rằng việc cắt giảm việc làm sẽ không giải quyết được vấn đề chính.

Mối đe dọa sa thải từ công ty tư nhân lớn nhất nước Đức đã khiến Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz và cựu ủy viên công nghiệp EU Thierry Breton phải vào cuộc. Cả hai đều bày tỏ lo ngại về tương lai ngành công nghiệp lớn nhất châu Âu.

Helena Wisbert, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Ostfalia ở Wolfsburg, người trước đây từng làm việc cho công ty này, cho biết: “Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất của VW kể từ đầu những năm 90”. 

Tại công viên giải trí ô tô Die Autostadt do VW tài trợ, cảm giác u ám bao trùm một cách kỳ lạ. Beate Altenhoff-Urbaniak cung cấp các tour du lịch có hướng dẫn cho hàng trăm du khách đến đây mỗi ngày, đặc biệt để nhận xe Volkswagen, Seat và Cupra. Vài giờ trước, cô đã hướng dẫn một cặp đôi đến từ Lübeck nhận về tay chiếc SUV T-Roc. 

“Dành cho quý cô”, Altenhoff-Urbaniak nói.

Thế nhưng, nhu cầu đối với T-Roc, mẫu SUV bán chạy nhất VW tại châu Âu năm ngoái, vẫn chưa đủ để bù đắp tình hình hiện tại. Tháng này, Giám đốc tài chính Arno Antlitz cảnh báo rằng thương hiệu đã chi nhiều tiền hơn số tiền kiếm được trong một thời gian khá dài. 

VW hiện đã mất thị phần tại Trung Quốc, trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng ưa chuộng các thương hiệu như BYD. Doanh số bán xe Porsche tại Trung Quốc đã giảm 30% trong nửa đầu năm 2024.

Các nhà cung cấp như Bosch, Continental và ZF Friedrichshafen chịu ảnh hưởng đầu tiên khi các khách hàng như VW bắt đầu sản xuất ít xe hơn. Hàng chục nghìn việc làm đã bị tuyên bố cắt giảm trong năm qua. 

Tại VW, một số công nhân bị giảm lương vì công ty cắt giảm ca đêm. Thông thường, hầu hết sẽ luân phiên làm việc vào ca sáng, chiều và đêm. Ca đêm có mức thù lao cao nhất nên mất nó đồng nghĩa với thu nhập giảm mạnh.

“Nhiều đồng nghiệp của tôi bắt đầu gặp vấn đề với khoản thế chấp”, một công nhân tên Littau nói. “Đó là công việc đòi hỏi thể lực. Chúng tôi phải làm việc chăm chỉ để kiếm tiền”.

Thị trưởng Wolfsburg, Dennis Weilmann, nói với tờ Financial Times rằng ông có thể cảm nhận được sự thất vọng ngày càng tăng của cư dân thành phố. “Tất nhiên, có mối lo ngại ngày càng tăng về việc làm”, ông nói và cho biết những tai ương xoay quanh VW thậm chí còn đặt ra nhiều vấn đề hệ lụy đằng sau. “Cha tôi và cả hai ông của tôi đều làm việc cho Volkswagen. Volkswagen như một phần bản sắc của nước Đức”. 

Được biết, Wolfsburg là một thị trấn rất đặc biệt. Mỗi năm, nó sẽ ‘nghỉ hè’ 3 tuần. Hàng quán cũng chỉ mở cửa 2 tiếng/ngày để phục vụ khách quen bởi đây là khoảng thời gian nhà máy Volkswagen bảo trì. 

Một dàn hợp xướng gồm kèn, kèn trombone và trống sẽ được đặt ở cổng số 17 để biểu diễn âm nhạc vào ngày thứ 6 cuối cùng trước kỳ nghỉ hè. Trên đường về, nhiều công nhân chọn xách theo một gói cà ri đặc trưng của Volkswagen - thứ vốn được sản xuất ngay tại chính nhà máy.

Tất nhiên, thành phố sẽ không biến thành một thị trấn “ma” bởi nhân viên tại trụ sở không “nghỉ hè” cùng lúc với công nhân nhà máy. Thời điểm này, Wolfsburg sẽ lên lịch tổ chức các triển lãm nghệ thuật, hòa nhạc để đón chào khách tham quan và các tín đồ shopping.

Theo: Financial Times 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Khủng hoảng Volkswagen: Nếu đóng cửa nhà máy sẽ khiến cả 1 thị trấn điêu đứng, 60.000 cư dân lo mất kế sinh nhai, chính Bộ trưởng phải vào cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO