Sau khi xung đột Nga-Ukraine chính thức nổ ra vào cuối tháng 2 năm ngoái, điện thoại của Natalia Smirnova, một nhà tư vấn tài chính, không ngừng đổ chuông. Các khách hàng người Nga của cô đang hoảng loạn. “Tôi có nên mua vàng không? Nếu tình hình ngày càng tồi tệ hơn, ít nhất tôi có thể chôn giữ số vàng của mình”, một khách hàng hỏi cô.
Đó cũng là tâm lý chung của nhiều người Nga khác và điều này biến Nga thành một nước của những người “nghiện” mua sắm vàng.
Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng miếng và vàng xu trong năm ngoái ở Nga tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác, với mức tăng gần gấp 5 lần so với năm trước đó.
Dù Nga từ lâu đã là một trong những nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới, chiếm gần 1/10 sản lượng toàn cầu, nhưng các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước hầu như tránh xa kim loại quý này, một phần do mức thuế VAT 20% đối với vàng miếng.
Người dân Nga thường tích trữ đồng đô la và euro trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Nhưng xung đột đã làm thay đổi xu hướng này.
Vitaly Nesis, Giám đốc điều hành của Polymetal, một nhà sản xuất vàng có trụ sở ở Anh và Nga, nói: “Người dân Nga đang tìm cách tiết kiệm nhưng do nguồn cung đồng euro và đô la Mỹ thiếu hụt, họ tăng mua vàng. Nhu cầu vàng ở nước này có thể còn rất lớn chừng nào Nga còn đối mặt với sự bất ổn”.
Chính Nga cũng khuyến khích người dân Nga tích lũy vàng. Hồi tháng 3 năm ngoái, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) đã hạn chế bán ngoại tệ và Tổng thống Putin quyết định bãi bỏ thuế VAT đối với việc mua vàng miếng, khiến sức mua tăng đột biến.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cảnh báo người dân Nga rằng đồng đô la dễ mất giá và chịu “nhiều rủi ro khác nhau”. Ông nhấn mạnh vàng là sự thay thế hấp dẫn cho đô la. “Đầu tư vào vàng sẽ là một giải pháp thay thế tuyệt vời cho đô la trong bối cảnh bất ổn hiện nay”, ông nói trong một thông cáo báo chí hồi tháng 3.
Ngay sau đó, người dân Nga đã xếp hàng dài để mua vàng. Khi các ngân hàng gấp rút đáp ứng nhu cầu vàng miếng cỡ nhỏ được các nhà đầu tư bán nhỏ lẻ ưa thích, Sberbank, một ngân hàng lớn thuộc sở hữu nhà nước, cảnh báo khách hàng về khả năng thiếu hụt. Sberbank chiếm khoảng 80% doanh số bán vàng miếng và vàng xu ở thị trường trong nước.
Ở Nga, nhiều đại lý được ủy quyền có thể phân phối vàng xu nhưng chỉ có ngân hàng mới được phép bán vàng miếng. Dù vậy, các thông tin rao bán vàng miếng cũ tràn ngập trên Avito, nền tảng quảng cáo và rao vặt trực tuyến hàng đầu của đất nước về hàng hóa đã qua sử dụng.
Để làm dịu cơn sốt, CBR đã ngừng mua vàng vào ngày 15/3 nhưng lại tiếp tục mua vàng 10 ngày sau đó. “Thị trường đã mất kiểm soát”, Phó Thống đốc thứ nhất của CBR Alexei Zabotkin giải thích cho quyết định nối lại hoạt động mua vàng.
Theo dữ liệu của WGC, dù tăng mạnh vào năm ngoái, nhu cầu vàng miếng và vàng xu ở Nga năm 2021 chỉ chiếm 2% tổng nhu cầu toàn cầu. Trung Quốc vẫn là nước tiêu thụ lớn nhất, chiếm 19% nhu cầu vàng miếng và vàng xu toàn cầu. Đứng sau đó lần lượt là Đức và Ấn Độ.
Các công ty khai thác vàng của Nga cũng đang ráo riết tìm người mua mới khi trong người dân tìm cách đa dạng hóa khoản tiết kiệm của họ. Trước chiến tranh, Nga chỉ tiêu thụ 1/5 sản lượng vàng được sản xuất trong nước và xuất khẩu phần còn lại.
Valery Yemelyanov, nhà phân tích thị trường chứng khoán tại BCS World of Investments, cho biết đến cuối năm 2022, Nga đã thành công trong việc chuyển hướng xuất khẩu vàng sang châu Á, cụ thể là Trung Quốc. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu vàng của Nga sang Trung Quốc tăng vọt 63% trong năm ngoái.
Tham khảo: FT