Bán đảo Thủ Thiêm có diện tích 7,37 km2, nằm ở bờ đông sông Sài Gòn thuộc địa bàn quận 2 cũ nay là Thủ Đức (TP. HCM). Thủ Thiêm được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1996. Nhờ có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế, đến năm 2005, bán đảo này được xác định là trung tâm mới của TP. HCM với các chức năng chính: trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố. Với vai trò ấy, hệ thống cơ sở hạ tầng của nơi đây dần được hoàn thiện nhằm kết nối bán đảo với các khu vực trung tâm của thành phố.
Hiện, Thủ Thiêm đang có 2 cây cầu và 1 đường hầm được đưa vào sử dụng. Trong tương lai, thành phố vẫn đang tiếp tục xây dựng cầu Thủ Thiêm 3, cầu Thủ Thiêm 4 và cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn nhằm kết nối Thủ Thiêm với các quận: 4, 7, 1... Khi hoàn thiện các cây cầu này sẽ hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh kết nối khu đô thị mới này với các khu vực kinh tế của thành phố.
Hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2008, Thủ Thiêm 1 (cầu Thủ Thiêm) là cây cầu đầu tiên kết nối bán đảo Thủ Thiêm với trung tâm thành phố. Cây cầu có chiều dài hơn 1,2 km này là con đường chính kết nối kết nối đường Ngô Tất Tố, đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q. Bình Thạnh, TP. HCM) đến đường Nguyễn Cơ Thạch (Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức). Với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, cầu có tổng cộng 6 làn xe. Tại thời điểm hoàn thành, cầu Thủ Thiêm góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, giảm bở áp lực cho cầu Sài Gòn. Đồng thời, dự án cũng góp phần thu hút đầu tư góp phần biến Thủ Thiêm thành khu đô thị hiện đại.
Khánh thành vào năm 2011, đường hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) là tuyến đường trọng yếu thứ 2 nhằm kết nối bán đảo Thủ Thiêm và trung tâm quận 1 (TP. HCM). Đường hầm có tổng chiều dài gần 1,5km nối từ đường Mai Chí Thọ - trục xuyên tâm của Thủ Thiêm đến đường Võ Văn Kiệt (Q.1, TP. HCM). Với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng, hầm Thủ Thiêm có vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa TP. Thủ Đức với các khu vực trung tâm như quận 1, quận 4, quận 5…
Nằm giữa cầu Thủ Thiêm và đường hầm vượt sông Sài Gòn là cầu Thủ Thiêm 2 (nay được đổi tên thành cầu Ba Son). Đây là công trình thứ 3 nối bán đảo Thủ Thiêm với khu trung tâm của thành phố. Với mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, cây cầu có tổng chiều dài hơn 1,4 km nối từ đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đến khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Hiện, cây cầu này được xem là một điểm nhấn trên sông Sài Gòn về hệ thống kiến trúc và mạng lưới giao thông đô thị. Bên cạnh đó, cầu Ba Son đi vào hoạt động đã nâng cao giá trị của các dự án bất động sản cho những khu đất “vàng” xung quanh. Phần lớn các dự án dọc cây cầu này là phân khúc hạng sang và siêu sang.
Cách cầu Ba Son khoảng 1,3 km theo đường ven sông TP. Thủ Đức chính là vị trí chuẩn bị xây dựng cầu Thủ Thiêm 3. Với vai trò kết nối Thủ Thiêm và quận 4 (TP. HCM), cầu Thủ Thiêm 3 nối từ khu đất bến cảng Nhà Rồng – Khánh Hội (cảng Sài Gòn) với khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức). Dự án hiện đang trong quá trình nghiên cứu lập đề xuất đầu tư. Trên hình là vị trí dự kiến sẽ xây dựng cầu Thủ Thiêm 3 nhìn từ phía TP. Thủ Đức sang bến cảng Nhà Rồng – Khánh Hội (cảng Sài Gòn).
Nằm cách cầu Thủ Thiêm 1 khoảng hơn 4,5km đường ven sông TP. Thủ Đức là vị trí của cầu Thủ Thiêm 4. Đây là cây cầu kết nối bán đảo Thủ Thiêm với Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, một trong những dự án trọng điểm sớm được xây dựng trong những năm tới. Theo quy hoạch, cây cầu này sẽ được xây dựng từ đường Nguyễn Cơ Thạch (TP. Thủ Đức) bắc qua sông Sài Gòn nối với khu vực đường Lưu Trọng Lư (Quận 7). Trên hình là phối cảnh cầu Thủ Thiêm 4. Nguồn ảnh: Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP. HCM.
Cầu Thủ Thiêm 4 có độ dài khoảng hơn 2 km với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 5.000 tỷ đồng sẽ là công trình hạ tầng giao thông quan trọng góp phần chỉnh trang đô thị, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông từ khi Nam Sài Gòn về trung tâm. Đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế hai khu vực TP. Thủ Đức và Nam Sài Gòn. Trên ảnh là vị trí dự kiến sẽ xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nhìn từ phía TP. Thủ Đức, bên bờ đối diện hiện là cảng Tân Thuận.
Nằm giữa cầu Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm), cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn cũng là một phần trong quy hoạch của bán đảo Thủ Thiêm. Với chiều dài dự kiến hơn 500 m, cầu sẽ nối liền công viên bờ sông (Khu đô thị Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức) với công viên cảng Bạch Đằng. Hiện, công trình đã được chính quyền thành phố phê duyệt thiết kế kiến trúc mang hình tượng lá dừa nước - hình ảnh đặc trưng của miền Nam. Trên hình là vị trí dự kiến xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn nhìn từ công viên bờ sông Bạch Đằng sang TP. Thủ Đức.
Dự kiến, sau khi hoàn thành toàn bộ công trình gồm 5 cây cầu và 1 đường hầm vượt sông Sài Gòn sẽ hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh cho khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng và TP. Thủ Đức nói chung. Đồng thời, việc đồng bộ về hạ tầng cũng là tiền đề tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho khu vực phía Đông thành phố.