Không phải Vạn lý trường thành, Trung Quốc còn sở hữu một siêu công trình có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ không gian, kiếm về hàng tỷ USD/năm chỉ là “phụ”

Tất Đạt | 07:45 08/05/2024

Công trình nhân tạo này lớn đến mức có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ không gian, làm Trái Đất quay chậm hơn “một tích tắc”.

Không phải Vạn lý trường thành, Trung Quốc còn sở hữu một siêu công trình có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ không gian, kiếm về hàng tỷ USD/năm chỉ là “phụ”

Những kỷ lục khó xô đổ

Đập Tam Hiệp là dự án thủy điện lớn nhất từng được con người xây dựng.

Từ khi được khởi công vào năm 1994, con đập được thiết kế không chỉ để tạo ra điện nhằm thúc đẩy mức tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc mà còn để chế ngự con sông dài nhất nước này. Đập Tam Hiệp giúp bảo vệ hàng triệu người khỏi những trận lũ lụt chết người, đóng vai trò như một biểu tượng của sức mạnh công nghệ, trở thành niềm tự hào dân tộc của đất nước tỉ dân.

Con đập này lớn đến mức có thể gây ảnh hưởng tới vòng quay của Trái Đất. Năm 2005, một nhóm các nhà khoa học NASA tính toán rằng khối lượng nước chứa trong đập Tam Hiệp làm Trái Đất quay chậm hơn 0,06 micro giây, khiến hành tinh của chúng ta tròn hơn một chút ở giữa và phẳng ở hai cực.

Dự án này ban đầu tốn 200 tỷ nhân dân tệ (28,6 tỷ USD), mất gần hai thập kỷ xây dựng và buộc hơn một triệu người phải di dời khỏi khu vực dọc sông Dương Tử.

Theo một số ước tính, lợi nhuận về thủy điện hàng năm của đập Tam Hiệp có thể lên tới khoảng 30 tỷ NDT (hơn 4 tỷ USD), tương đương với trung bình mỗi ngày đập Tam Hiệp có thể thu về khoảng 100 triệu NDT chỉ nhờ thủy điện.

Mặc dù nhiều lần chịu sự tàn phá của thiên tai, đập Tam Hiệp được cho là đã thành công trong việc chặn các dòng nước lũ. Nhà điều hành con đập - Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc - nói với hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã rằng con đập đã chặn được 18,2 tỷ mét khối nước lũ tiềm ẩn. Một quan chức của Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc nói con đập “đã làm giảm tốc độ và mức nước dâng một cách hiệu quả” ở trung và hạ lưu sông Dương Tử.

200721005128-09-three-gorges-dam.jpeg

Đập Tam Hiệp là một công trình kiến trúc đáng kinh ngạc.

Đây là một trong số ít cấu trúc nhân tạo trên Trái đất có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ không gian, theo NASA. Hoàn thành năm 2006, đập Tam Hiệp có phần thân rất đồ sộ: cao 181 mét và dài 2.335 mét trên sông Dương Tử, bên cạnh thung lũng sâu và hẹp.

Con đập còn có một nhà máy thủy điện hoàn thành vào năm 2012 và có công suất phát điện là 22.500 MW, gấp hơn ba lần công suất của Đập Grand Coulee - đập lớn nhất nước Mỹ.

Nhưng theo đề xuất năm 1992 của chính phủ Trung Quốc, lý do hàng đầu để xây đập không phải là để sản xuất điện mà là để ngăn lũ lụt.

Cụ thể, con đập nằm trên phần thượng nguồn của sông Dương Tử và giúp ngăn lũ lụt ở hạ lưu bằng cách giữ nước mưa trong một hồ chứa khổng lồ, sau đó kiểm soát việc xả nước qua các cửa cống. Hồ chứa dài 660 km uốn lượn ngược dòng qua các thung lũng hẹp của Tam Hiệp – một loạt hẻm núi dốc nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vĩ và dòng nước siết – đến Trùng Khánh, một đô thị rộng lớn với 30,5 triệu dân ở miền tây Trung Quốc.

Trong mùa khô, từ tháng 10 đến tháng 5, mực nước hồ chứa được giữ ở mức tối đa 175 mét để tối ưu hóa việc phát điện tại nhà máy thủy điện liền kề. Trước khi những cơn mưa mùa hè đến vào tháng 6, mực nước sẽ giảm dần xuống còn 145 mét để nhường chỗ cho nước lũ tràn vào. Việc hạ thấp mực nước tạo ra 22 tỷ mét khối không gian lưu trữ - đủ để chứa gần 9 triệu bể bơi tiêu chuẩn Olympic.

Ước mơ của các vị vua

Trong nhiều thiên niên kỷ, người Trung Quốc đã sử dụng đường thủy để kiểm soát lũ lụt, tưới tiêu và giao thông đường thủy. Đối với các nhà vua thời phong kiến, việc tận dụng và kiểm soát các con sông không chỉ đảm bảo đời sống người dân và mang lại sự thịnh vượng cho đất nước mà còn mang lại tính hợp pháp cho triều đại của họ, vì thiên tai được coi là dấu hiệu cho thấy hoàng đế đã mất “thiên mệnh”.

Trong thời hiện đại, việc kiểm soát tài nguyên nước đã được thực hiện với sức mạnh công nghệ và sự đồng tâm hiệp lực. Việc xây dựng đập Tam Hiệp buộc nhiều người dân phải di dời, thậm chí nhiều hơn ba con đập lớn nhất của Trung Quốc trước đó cộng lại. Hồ chứa mới đã nhấn chìm hai thành phố, 114 thị trấn và 1.680 ngôi làng dọc theo bờ sông.

200723002648-001-world-hydropower-dams.jpeg

Đến năm 2019, Trung Quốc có 23.841 đập lớn, chiếm 41% tổng số đập trên thế giới, hầu hết chúng được xây dựng sau năm 2000. Mỹ đứng thứ hai trong danh sách, với 9.263 đập lớn. Theo định nghĩa, “đập lớn” là những con đập có chiều cao từ 15 mét trở lên hoặc con đập từ 5 mét đến 15 mét có thể chứa hơn 3 triệu mét khối trong hồ chứa.

Matthijs Kok, giáo sư kỹ thuật thủy lực tại Đại học Công nghệ Delft cho biết, các con đập có cơ sở thủy điện “sản xuất ra rất nhiều năng lượng giá rẻ và có thể tái tạo”.

Với cuộc khủng hoảng khí hậu dự kiến sẽ gây ra lũ lụt nặng nề hơn và thường xuyên hơn, một số chuyên gia cho rằng ngoài đập Tam Hiệp, Trung Quốc sẽ cần phải tìm giải pháp mới cho các thế hệ tương lai.

Tham khảo CNN


(0) Bình luận
Không phải Vạn lý trường thành, Trung Quốc còn sở hữu một siêu công trình có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ không gian, kiếm về hàng tỷ USD/năm chỉ là “phụ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO