Trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác vào chiều 25/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua, cùng đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 8,56%, GRDP bình quân đầu người tăng 10% so với năm 2021. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 12.700 nghìn tỷ đồng, tăng 12%. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch tích cực; sản lượng thủy sản tăng 2,3%. Công nghiệp tăng khá; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5%. Dịch vụ, du lịch phục hồi tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 20,4%; lượng khách du lịch tăng gần 3 lần cùng kỳ.
Thông tin từ Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, tổng lượng khách du lịch đến Huế là 2,05 triệu lượt, tăng 296% so với năm 2021. Khách quốc tế đến Huế trong năm 2022 là 263.000 lượt, tăng 1.156% so với năm 2021. Khách lưu trú trong năm là 1,292 triệu lượt, tăng 274% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch ước đạt 4.533 tỷ đồng, tăng 385% so với cùng kỳ.
Riêng tháng 12/2022, Huế thu hút được 196.500 lượt khách, tăng 957%. Trong đó, khách quốc tế đạt 63.500 nghìn lượt; khách lưu trú ước đạt 140.500 nghìn lượt; doanh thu trong tháng là 437 tỷ đồng.
Trong Quý 1/2023, ngành du lịch của tỉnh vẫn có nhiều tín hiệu khởi sắc. Tổng lượng khách du lịch tăng hơn 2,1 lần, trong đó khách quốc tế tăng hơn 55 lần so với cùng kỳ.
Trong buổi làm việc chiều 25/3, Thủ tướng và các đại biểu cũng dành nhiều thời gian phân tích về các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. "Thừa Thiên Huế nói chung và cố đô Huế nói riêng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có vị trí đặc biệt, rất đặc sắc về con người và truyền thống văn hóa, lịch sử. Chúng ta tự hào về Huế và phải biến niềm tự hào này thành nguồn lực, kế thừa và phát huy thành quả, di sản mà cha ông để lại để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững hơn nữa", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thừa Thiên Huế là địa điểm du lịch hấp dẫn với nền văn hóa vô cùng đặc sắc, là sự hòa quyện của văn hóa đô thị với văn hóa làng, chùa; văn hóa cung đình (bác học) với văn hóa dân gian. Có nhiều bãi biển đẹp như Lăng Cô, Thuận An, Cảnh Dương. Điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều động, thực vật quý hiếm.
"Thừa Thiên Huế mang vẻ đẹp nên thơ, tao nhã; nét độc đáo của các lễ hội dân gian truyền thống, các làng nghề; sự phong phú, đặc sắc của nghệ thuật âm nhạc và ca múa; nét tinh tế trong nghệ thuật ẩm thực và giao tiếp. Nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã đi vào thơ ca như núi Ngự, sông Hương, đồi Thiên An, đồi Vọng Cảnh, phá Tam Giang, núi và rừng quốc gia Bạch Mã, đèo Hải Vân...", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang, văn hoá đặc sắc với nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử của Việt Nam và thế giới, với khoảng 1.000 di tích, địa điểm lịch sử, cách mạng, tôn giáo, đặc biệt là 5 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới gồm quần thể di tích cố đô Huế - di sản đầu tiên của Việt Nam được thế giới công nhận, nhã nhạc Cung đình Huế, mộc bản triều Nguyễn, châu bản triều Nguyễn và thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các đại biểu cho rằng, với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, Thừa Thiên Huế hội tụ các điều kiện để phát triển nhanh và bền vững hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.