Năm tháng sau khi Trung Quốc tuyên bố chiến thắng đại dịch và nới lỏng các biện pháp kiểm soát xã hội nghiêm ngặt, dữ liệu mới trong tuần này cho thấy nền kinh tế của đất nước chưa thể trở lại trạng thái bình thường.
Bất động sản, một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Trung Quốc, đang “đóng băng”.
Xuất khẩu, một động lực quan trọng khác, đang giảm sút do lạm phát cao ở nước ngoài làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm 15/6 đã thông báo giảm lãi suất lần thứ hai chỉ trong vòng một tuần như một biện pháp kích thích kinh tế, nhưng các nhà phân tích cho rằng cần phải kích thích tài chính hơn là kích thích tiền tệ để duy trì đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tờ Financial Times đã nêu ra những lĩnh vực gây ra lực cản đối với nền kinh tế cũng như những lĩnh vực có triển vọng tươi sáng hơn.
Bất động sản
Thị trường bất động sản có dấu hiệu ổn định trở lại trong quý I sau một đợt lao dốc kéo dài, nhưng đã bắt đầu sụt giảm trở lại trong những tuần gần đây.
Chris Beddor, phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, cho biết: “Không phải là cường điệu khi nói rằng bất động sản vào thời điểm này đang gây khó khăn cho toàn bộ quá trình phục hồi kinh tế".
Gavekal cho biết doanh số bán hàng, dự án khởi công mới và diện tích sàn đang xây dựng đều giảm trong tháng 5.
Xuất khẩu giảm mạnh
Xuất khẩu đã giảm 7,5% so với cùng kỳ (tính theo đồng USD) vào tháng trước sau khi tăng 8,5% trong tháng 4 do tăng trưởng chậm ở nước ngoài ảnh hưởng đến nhu cầu, ảnh hưởng đến huyết mạch quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch.
Các nhà phân tích cho biết sự suy giảm trong xuất khẩu và bất động sản có lẽ cũng đã lan sang sản xuất công nghiệp, vốn đã giảm tốc trong tháng 5.
Đầu tư vào tài sản cố định tư nhân cũng lần đầu tiên chuyển sang giá trị âm sau hơn một thập kỷ - ngoại trừ thời điểm bắt đầu đại dịch vào năm 2020 - cho thấy các doanh nghiệp không đầu tư.
Rob Carnell, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của ING cho biết: “Lĩnh vực sản xuất hiện đang bế tắc và xuất khẩu kém".
Ông nói thêm rằng có thể có một sự thay đổi về cơ cấu, với việc Mỹ hạn chế xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao, đặc biệt là linh kiện bán dẫn và thiết bị sản xuất chip, ảnh hưởng đến thương mại của Trung Quốc với Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).
Theo các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách có thể chọn kích thích thương mại bằng cách chấp nhận đồng nhân dân tệ yếu hơn.
Doanh số bán lẻ - ngọn hải đăng hy vọng
Các nhà kinh tế cho biết hy vọng tốt nhất để phục hồi tăng trưởng trong toàn bộ nền kinh tế là thúc đẩy nhu cầu nội địa mạnh mẽ, điều này sẽ dẫn đến thị trường việc làm chặt chẽ hơn, lương cao hơn và cuối cùng là niềm tin hồi sinh có thể lan sang lĩnh vực bất động sản và sản xuất.
Doanh số bán lẻ tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái khi người tiêu dùng quay trở lại các cửa hàng sau những hạn chế khó khăn về đại dịch vào năm ngoái.
Nhưng các nhà kinh tế cho biết đà tăng sau khi mở cửa trở lại bắt đầu mờ dần. Dịch vụ ăn uống là thành phần tăng mạnh nhất, tiếp theo là mua ô tô, được hỗ trợ bởi các chính sách khuyến khích và giảm giá.
Cơ sở hạ tầng mất đà
Theo các nhà kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng đã tăng 8,8% trong tháng 5. Nhưng tăng trưởng trong phân khúc có lẽ không đủ mạnh để bù đắp cho lĩnh vực bất động sản và xuất khẩu yếu, các nhà phân tích cảnh báo.
Các nhà kinh tế cho biết Bắc Kinh sẽ cần sử dụng đến cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời gợi ý các nhà hoạch định chính sách có thể giải phóng trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương để thúc đẩy đầu tư.
Không có chính sách “bazooka”
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc rất mong manh - một thách thức mà chính chính phủ đã thừa nhận.
“Nền tảng cho sự phục hồi kinh tế vẫn chưa vững chắc”, Financila Times dẫn thông tin của Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc cho biết.
Sẽ cần nhiều kích thích hơn nữa để tăng trưởng trở lại mức trước đại dịch và ngân hàng trung ương dự kiến sẽ ban hành các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo, đi kèm với giảm thuế và các hỗ trợ khác cho các doanh nghiệp nhỏ.
Tao Wang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại UBS, cho biết bà đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm từ 5,7% xuống còn 5,2%.
JPMorgan Chase, Bank of America và Standard Chartered cũng đã cắt giảm dự báo của họ, mặc dù tất cả đều vượt mục tiêu chính thức của chính phủ là 5% - mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Bất chấp những trở ngại quan trọng đối với quá trình phục hồi, có rất ít kỳ vọng về một gói kích thích kiểu “vụ nổ lớn”.
Trước đây, Trung Quốc đã đầu tư vào lĩnh vực bất động sản để vượt qua suy thoái. Nhưng Bắc Kinh từ lâu đã nói rõ quan điểm của mình rằng “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”.
Carnell của ING cho rằng các chính sách "bazooka" trong quá khứ thường chỉ giúp ích cho lĩnh vực phát triển bất động sản và ông không nghĩ Bắc Kinh muốn làm điều đó.
(Chính sách bazooka là chính phủ sẽ cung cấp một số tiền khổng lồ vào thời điểm khủng hoảng).