Vốn là nhà đầu tư lâu năm trên thị trường BĐS, kiếm tiền trăm, tiền tỉ lúc thị trường BĐS tốt, chị Ng hiện phải kinh doanh thêm cửa hàng cà phê và ăn uống để “bù” lại những ngày thị trường trầm lắng. Suốt nửa năm qua, gần như chị Ng không có thu nhập từ nghề chính của mình là đầu tư BĐS.
Số vốn có được từ đầu tư BĐS trước đó, chị bỏ hết vào kinh doanh trong lúc đợi thị trường. Theo chị Ng, dù việc kinh doanh không mấy thuận lợi do sự cạnh tranh tăng lên từng ngày nhưng để dòng tiền đó chờ thị trường hoặc bỏ vào BĐS ở giai đoạn này cũng không mấy khả quan. Chưa kể, để có dòng tiền trả các khoản lãi vay từ việc đầu tư đất thì lúc thị trường khó khăn, chị đã quyết định kinh doanh để tiền đẻ được ra tiền.
“Thời điểm trước đây, tôi chỉ đầu tư đất là chủ yếu, không phải vất vả để kinh doanh như hiện nay. Thế nhưng, lúc thị trường gặp khó, mình phải tính toán làm việc khác để chờ đợi thị trường tốt lên”, chị Ng chia sẻ.
Cùng từng nhiều lần thắng thế trong đầu tư BĐS, Anh H, ngụ Tp.HCM cũng phải “nghỉ nghề” suốt 4-5 tháng nay. Anh quyết định dùng 500 triệu đồng dư ra từ việc đầu tư BĐS trước đó để mở quán cafe. Nhà đầu tư này chia sẻ: Thời buổi khó khăn, kinh doanh làm ăn gì cũng khó. Chấp nhận “nhặt tiền lẻ” nhưng nếu không làm thì không biết khi nào thị trường BĐS mới hồi phục để làm ăn. Chưa kể, theo anh H, hiện nguồn tiền nằm hết vào trong đất nếu cứ ngồi một chỗ chờ đợi thì không ổn. Vì thế, kinh doanh thêm mảng khác với hi vọng sẽ có đồng ra vào lúc “thất nghiệp”.
Ghi nhận cho thấy, không chỉ môi giới BĐS nghỉ nghề, bỏ nghề hoặc chuyển nghề mà nhà đầu tư cũng “khổ sở” vì thị trường khó khăn. Dĩ nhiên, so với môi giới, lượng vốn của nhà đầu tư ổn định hơn, khả năng “cầm cự” tốt hơn.
Với nguồn vốn tích luỹ được, nhiều nhà đầu tư quyết định “tạo công ăn việc làm” bằng việc kinh doanh mảng khác để đợi thị trường. Một số nhà đầu tư xác định, việc kinh doanh cafe hay quán ăn thời điểm này chỉ để “cho vui”, còn nghề chính vẫn là đầu tư BĐS. Nhiều người đang “cố chờ” hoặc “cố gồng” với kì vọng thị trường BĐS sẽ phục hồi từ thời điểm cuối năm nay trở đi.
Thực tế, thị trường BĐS thời gian qua bị ảnh hưởng mạnh bởi chính sách siết tín dụng, khiến thanh khoản giảm. Nhiều nhà đầu tư có sản phẩm cũng khó bán. Trong khi đó, môi giới BĐS cũng “trầy trật” để tìm khách mua. Ở nhiều khu vực, thị trường gần như rơi vào trạng thái “bất động”, không diễn ra hoạt động mua – bán. Thậm chí, thị trường đã xuất hiện tình trạng nhà đầu tư rao bán nhanh, bán gấp tài sản ngày càng nhiều.
Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư mới vào nghề cũng bị “sốc” khi phải ôm bom BĐS vì thị trường chậm nhịp. Với những nhà đầu tư dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư không đáng lo ngại, trong khi nhà đầu tư vay ngân hàng thì như “ngồi trên đống lửa” ở thời điểm này. Tìm hiểu được biết, bên cạnh các nhà đầu tư có vốn rẽ sang lĩnh vực khác để đợi thị trường tốt lên thì khá nhiều nhà đầu tư “trầy trật” do khó khăn không ra được sản phẩm, phải gồng gánh ngân hàng. Có trường hợp rao bán cắt lỗ để thu dòng tiền nhưng việc ra được sản phẩm ở thời điểm này cũng không hề dễ dàng.
Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành, từ nay đến cuối năm, nguồn cung thị trường BĐS vẫn duy trì như thời điểm đầu năm 2022. Sức cầu nhìn chung không đột phá do các rào cản về chính sách tín dụng, khiến sức mua sụt giảm. Theo đó, nếu bước sang năm 2023, chính sách tín dụng không có gì thay đổi, không thực sự nới hẳn cho lĩnh vực BĐS thì thị trường BĐS dự báo tiếp tục chìm vào trạng thái khó khăn.