Không cần phải trả đứt, có thể vay nữa, vay mãi, núi nợ 31.000 tỷ USD của Mỹ có thực sự đáng sợ?

Thu Hương | 06:36 24/05/2023

Các chính phủ phải chi trả nợ (deb servicing) - trả lãi và gốc khi trái phiếu đáo hạn, nhưng họ không nhất thiết phải trả sạch nợ.

Không cần phải trả đứt, có thể vay nữa, vay mãi, núi nợ 31.000 tỷ USD của Mỹ có thực sự đáng sợ?

Bài viết thể hiện quan điểm của Paul Krugman - chuyên gia kinh tế từng đạt giải Nobel và hiện là cây bút nổi tiếng của tờ New York Times.

Gần như bất kỳ khi nào viết về nợ và thâm hụt ngân sách, tôi đều nhận được rất nhiều câu hỏi từ bạn đọc. Họ đều có chung 1 thắc mắc đại loại như: “Nếu tôi vay tiền từ ngân hàng, ngân hàng sẽ muốn tôi trả lại tiền. Vay quá nhiều, sẽ không ai muốn cho tôi vay.

Nhưng tại sao điều đó không đúng trong trường hợp chính phủ vay tiền? Tại sao chúng ta vẫn có thể tiếp tục vay mượn khi đã nợ số tiền khổng lồ 31.000 tỷ USD?”

Đây là câu trả lời phổ biến nhất mà mọi chuyên gia kinh tế đều đưa ra: rất khập khiễng nếu so sánh giữa nợ của hộ gia đình với nợ của chính phủ. Tuy nhiên, theo tôi, giải thích như vậy chưa rõ ràng và đầy đủ. Điểm khác biệt nằm ở chỗ bạn sẽ già đi và cuối cùng là qua đời. Còn chính phủ thì không như vậy.

Tất nhiên điều đó không có nghĩa là các chính phủ “bất tử”. Tuy nhiên, đối với tài chính cá nhân, bạn càng già đi theo thời gian thì thu nhập sẽ càng giảm xuống. Do đó, các nhà băng sẽ yêu cầu các khách hàng cá nhân phải hoàn tất trả nợ trong lúc họ vẫn có thu nhập.

Trong khi đó, nguồn thu của các chính phủ lại tăng lên theo thời gian, từ thế hệ này qua thế hệ khác vì nền kinh tế mà họ quản lý và nguồn thu thuế đều tăng trưởng.

Các chính phủ phải chi trả nợ (deb servicing) - trả lãi và gốc khi trái phiếu đáo hạn, nhưng họ không nhất thiết phải trả sạch nợ. Họ có thể phát hành trái phiếu mới để trả nợ gốc trái phiếu cũ, thậm chí đi vay thêm để trả lãi miễn là tổng nợ không tăng quá nhanh so với nguồn thu ngân sách.

Một ví dụ nổi tiếng là khoản nợ mà Mỹ đã vay trong Thế chiến thứ hai. Khi cuộc chiến gần kết thúc, mức nợ của Mỹ vào khoảng 100% GDP. Nhưng trong đợt bầu cử Tổng thống năm 1960, tại sao những câu hỏi về nợ không trở thành chủ đề chính được thảo luận? Bởi vì mặc dù giá trị của núi nợ không giảm xuống, tăng trưởng kinh tế và lạm phát khiến tỷ lệ nợ/GDP giảm xuống một nửa.

Thực ra hiện tượng này vẫn có thể xảy ra đối với nợ hộ gia đình. Nếu mọi người mua nhà khi còn trẻ và thu nhập tăng lên theo thời gian, tỷ trọng khoản vay thế chấp mà họ phải trả so với tổng thu nhập sẽ giảm xuống nhanh chóng. Nhưng đó không phải là trường hợp phổ biến. Còn đối với các chính phủ, đó lại là điều bình thường.

Rõ ràng chúng ta nên loại bỏ một thứ không có nhiều ý nghĩa nhưng có thể mang lại nhiều rắc rối, thậm chí là khủng hoảng tài chính, như trần nợ.

Tham khảo New York Times


(0) Bình luận
Không cần phải trả đứt, có thể vay nữa, vay mãi, núi nợ 31.000 tỷ USD của Mỹ có thực sự đáng sợ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO