Không bị chia cắt bởi 10.000 hòn đảo, Việt Nam tràn cơ hội "hẫng tay trên" chuỗi cung ứng từ Indonesia

Mạnh Kiên | 16:04 17/12/2024

Với hàng nghìn hòn đảo trải dài khắp nơi, việc tạo ra và mở rộng cụm chuỗi cung ứng ở Indonesia là thách thức lớn. Điều này khiến các quốc gia như Việt Nam trở thành lựa chọn thay thế.

Không bị chia cắt bởi 10.000 hòn đảo, Việt Nam tràn cơ hội "hẫng tay trên" chuỗi cung ứng từ Indonesia

Chiến lược hay của quốc gia vạn đảo

Với hơn 1.000 nhân viên, cơ sở tại Indonesia là một trong những trung tâm sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất ở nước ngoài của Oppo, chỉ đứng sau Ấn Độ. Đặt cược lớn vào sản xuất tại địa phương đã giúp công ty củng cố vị thế là thương hiệu hàng đầu tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á.

Các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc khác như Vivo và Xiaomi, Samsung của Hàn Quốc và Apple đều đang tìm kiếm động lực tăng trưởng mới tại Indonesia do các thị trường trưởng thành như Trung Quốc và Châu Âu vẫn trì trệ.

Sự quan tâm dồn dập đến Indonesia là cơ hội hoàn hảo để chính phủ thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương bằng cách yêu cầu các thương hiệu lớn: Muốn bán hàng cũng phải sản xuất một thành phần gì đó chính tại đây.

Sự sẵn sàng của các công ty như Oppo trong việc tuân thủ các yêu cầu trên minh chứng Indonesia đang trở nên quan trọng như thế nào đối với các nhà sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác - mặc dù cuộc chiến giằng co gần đây của Apple cho thấy, phép tính đầu tư không phải lúc nào cũng đơn giản.

Theo dữ liệu từ Canalys, Oppo chiếm thị phần hàng đầu tại Indonesia với hơn 20% trong ba quý đầu năm 2024, theo sau là Xiaomi, Vivo, Samsung và Transsion. Apple chiếm khoảng 1% thị phần.

Để bán điện thoại thông minh ở Indonesia, chính phủ yêu cầu ít nhất 35% thành phần phải có nguồn gốc tại địa phương. Oppo cho biết điện thoại của họ có khoảng 36% đến 37% linh kiện nội địa, bao gồm pin, bộ chuyển đổi và phần mềm.

Ngược lại, Apple không sản xuất các sản phẩm hoàn thiện tại địa phương. Thay vào đó, họ đáp ứng yêu cầu thông qua một cơ chế thay thế, đầu tư vào phát triển nhân tài nội địa. Tuy nhiên, vào cuối tháng 10, chính quyền đã chặn việc bán dòng iPhone 16 mới nhất, với lý do Apple đã không thực hiện được cam kết đầu tư.

Tính toán nhiều quá chưa chắc đã tốt

"Với bất kỳ thương hiệu nào muốn hiện diện ở Đông Nam Á, Indonesia có tầm quan trọng chiến lược rất lớn vì dân số đông đảo", Sheng Win Chow, nhà phân tích công nghệ của Canalys cho biết. "Họ cung cấp cho các thương hiệu một cơ sở để phát triển. Đổi lại, chính phủ Indonesia nhận thức được dân số và đòn bẩy của mình".

Nhìn chung, Chow cho biết, đây là một động thái thông minh khi đặt ra một số yêu cầu về thành phần sản xuất địa phương làm ràng buộc ban đầu. Nếu không, sẽ không có động lực thực sự nào để các nhà sản xuất điện thoại thông minh đầu tư. Dựa vào việc sản xuất tại địa phương, chính phủ hy vọng sẽ phát triển chuỗi cung ứng điện thoại thông minh toàn diện hơn trong tương lai.

Nhưng chuỗi cung ứng trưởng thành không được xây dựng trong một sớm một chiều và nhiều thương hiệu chỉ thực hiện khâu lắp ráp sau cuối tại Indonesia, điều này có nghĩa là phần lớn các thành phần và bộ phận vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo phân tích của Nikkei Asia về danh sách nhà cung cấp, chỉ có một nhà cung cấp được chứng nhận của Apple tại Indonesia sản xuất các thành phần thụ động cho công ty Mỹ.

Nhà sản xuất thiết bị điện tử Pegatron đã xây dựng các cơ sở sản xuất tại Batam vào năm 2018 do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Chủ tịch TH Tung cho biết Indonesia là điểm đến "Trung Quốc cộng một" quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của công ty.

"Nhưng với hàng nghìn hòn đảo trải dài khắp nơi như vậy, việc tạo ra và mở rộng một cụm chuỗi cung ứng có hiệu quả tốt là thách thức", Tung chia sẻ.

Các nguồn tin trong chuỗi cung ứng cho biết Apple đang ngần ngại đưa sản xuất vào Indonesia vì những lo ngại tương tự. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã yêu cầu các nhà cung cấp thành lập các cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ.

Hơn nữa, Indonesia không phải là quốc gia duy nhất thu hút đầu tư công nghệ.

"Chắc chắn có sự cạnh tranh giữa các thị trường lớn, ví dụ như từ Việt Nam đến Ấn Độ, đối với loại hình đầu tư trực tiếp nước ngoài này", Chow của Canalys cho biết.

Việt Nam là nước hưởng lợi hàng đầu từ sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng do căng thẳng Mỹ-Trung gây ra. Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp chuyển một số hoạt động sản xuất AirPods, iPad, Apple Watch và MacBook sang quốc gia này. Công ty cũng đặt mục tiêu tăng sản lượng iPhone tại Ấn Độ.

Trong khi đó, Microsoft, HP, Dell và Amazon đã yêu cầu các nhà cung cấp chuyển năng lực sang Việt Nam hoặc Thái Lan, giúp các quốc gia hình thành hệ sinh thái chuỗi cung ứng mới bên ngoài Trung Quốc.

"Tương tự như Ấn Độ, Indonesia và ASEAN đều muốn các công ty công nghệ không chỉ chuyển quy trình lắp ráp cấp thấp mà còn đưa nhiều linh kiện và bộ phận có giá trị cao hơn vào nước này", Chiu Shih-fang, nhà phân tích chuỗi cung ứng công nghệ tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan (Trung Quốc), nói với Nikkei Asia.

Trong khi vẫn còn nhiều câu hỏi về tính khả thi của việc xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, ít người nghi ngờ về tiềm năng của Đông Nam Á như một thị trường bán hàng, vì dân số tương đối trẻ và sức mua dự kiến ​​sẽ tăng lên.

Ví dụ, giá bán điện thoại thông minh trung bình ở Indonesia chỉ khoảng 167 USD. Các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có giá hơn 300 USD. Các thị trường trưởng thành hơn ở Châu Á như Singapore và Nhật Bản tự hào có giá trung bình lần lượt là 790 USD và 703 USD. Các thương hiệu đang đặt cược rằng thị trường mới nổi sẽ đi theo quỹ đạo tương tự khi tầng lớp trung lưu phát triển.

Theo các nhà phân tích, một lợi thế khác là khu vực này phụ thuộc vào nhiều kênh bán hàng và nhà phân phối mở hơn, trái ngược với các thị trường đã phát triển như Nhật Bản và Mỹ, nơi doanh số bán điện thoại do các nhà khai thác viễn thông thống trị.


(0) Bình luận
Không bị chia cắt bởi 10.000 hòn đảo, Việt Nam tràn cơ hội "hẫng tay trên" chuỗi cung ứng từ Indonesia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO