Nhà đầu tư liên tục rao bán, cầm cố ô tô, xe máy
Trước thời điểm Tết nguyên đán, hiện tượng nhà đầu tư bất động sản cầm cố hay bán xe ô tô, xe máy đã xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, sau Tết nguyên đán, hiện tượng này tăng mạnh. Điều này cho thấy, sức gồng tài chính của nhà đầu tư đang yếu dần.
Không ít nhà đầu tư vay ngân hàng đầu tư bất động sản, hiện phải bán tài sản là ô tô để gồng lãi.
Chiếc xe ô tô sang mua từ năm 2018, đến nay anh Vĩnh, ngụ Tp.Thủ Đức (Tp.HCM) phải rao bán với giá khá rẻ so với giá mua vào và giá thị trường. Trước đó, anh Vĩnh rao bán mảnh đất nông nghiệp tại Đồng Nai nhưng không có người mua. Do đuối sức về tài chính nên anh chấp nhận rao bán ô tô – phương tiện đi lại của cả gia đình để lấy tiền trang trải chi phí. Là nhà đầu tư lâu năm, công việc chính của anh Vĩnh chủ yếu là đầu tư đất nền, nhà phố. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản đứng giao dịch, anh rơi vào cảnh thất nghiệp. Dòng tiền chủ yếu nằm trong đất đai hiện khựng lại, khiến việc trang trải chi phí cuộc sống cũng như khoản vay ngân hàng của anh gặp khó khăn.
Mới đây, một môi giới bất động sản liên tục đăng tải thông tin bán xe ô tô dòng Kia còn mới với giá 400-500 triệu đồng. Giá này đã giảm khoảng 40% so với giá mua vào. Liên hệ với môi giới này được biết, đây là con xe của một nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Do cần tiền gấp nên rao bán. Trước đó, một số nhà đầu tư cũng gửi lại bán xe máy SH, xe ô tô đã mua từ thời điểm 2016 đến 2019. Trong số đó, có nhà đầu tư đổi xe nên bán lại xe cũ, có nhà đầu tư cần tiền để đáo hạn khoản vay ngân hàng nên bán xe. “Cũng như bất động sản, xe không dễ chốt. Tuy nhiên, nếu so với các bất động sản vài tỉ đồng thì các con xe vài trăm triệu đồng dạng hàng ngộp vẫn được quam tâm”, môi giới này cho biết.
Ghi nhận cho thấy, bên cạnh việc rao bán, thì việc cầm cố xe với lãi cao để lấy tiền trả ngân hàng cũng đã xuất hiện ở các nhà đầu tư bất động sản. Mới đây, một nhà đầu tư bất động sản tại Tp.Thủ Đức đã cầm cố chiếc xe bán tải Ford với giá 200 triệu đồng, tính theo lãi ngày lên đến 5%. Được biết, để có tiền đáo hạn khoản vay ngân hàng mua bất động sản trước đó, anh phải cầm cố chiếc xe này. Theo anh, rao bán xe có thể bị chậm thời gian nên anh chấp nhận cầm xe lãi cao. Đây cũng là điều bất đắc dĩ trong bối cảnh khó khăn dòng tiền như hiện nay.
Nhiều nhà đầu tư “mắc kẹt”, khó khăn có thể kéo dài
Các chuyên gia trong ngành đều chung nhận định, thị trường bất động sản năm 2023 vẫn sẽ đối diện nhiều thách thức, khó khăn. Trong đó, tỉ lệ nhà đầu tư đuối vốn, dòng tiền có xu hướng tăng mạnh trong quý 2/2023. Các sản phẩm ngộp giá ở phân khúc đất nền có thể xuất hiện nhiều hơn thời điểm quý 4/2022.
Từng chia sẻ về động thái của nhà đầu tư, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, mặc dù chính sách thắt chặt tín dụng đang dần được nới lỏng nhưng việc tiếp cận nguồn vốn của nhà đầu tư vẫn đang rất khó khăn.Theo đó, hiện nay, tất cả chủ đầu tư hoặc người mua nhà đều đang rất lo lắng và e ngại cho thị trường trong thời gian tới. Nỗi lo lớn nhất, ảnh hưởng đến thị trường nhiều nhất là nguồn vốn. Chưa kể, nỗi lo của người đã vay mua nhà là họ nghĩ vay sau đó bán ra sẽ trả nợ nhưng hiện tại thanh khoản cũng giảm.
"Ít nhất 50% nhà đầu tư đang mắc kẹt vào điểm này vì họ định vay vốn tạm nhưng gặp thanh khoản kém. Tỉ lệ này đang có xu hướng tăng lên ở giai đoạn hiện nay. Năm 2023, Nhà nước không có chính sách gì mới để nới lỏng tiền tệ thì nhiều người sẽ gặp khó. Nếu nhà đầu tư không chịu đựng được, không tìm lối ra thì thị trường sẽ xáo trộn”, bà Dung nhấn mạnh.
Nhận định về thị trường bất động sản thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho hay, thị trường bất động sản phụ thuộc vào những diễn biến thực tế về chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ. Nếu không có sự điều chỉnh về chính sách tín dụng, thị trường bất động sản năm 2023 sẽ tiếp tục kéo dài hiện trạng khó khăn như hiện tại.
Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, ít nhất phải hết năm 2023, thị trường bất động sản ở các phân khúc mới có tín hiệu hồi phục. Đây là thời điểm, nhà đầu tư rụt rè trong quyết định. Nguồn cung bán ra chủ yếu là ở các tài sản hàng ngộp. Tuy nhiên, có thể cuối năm 2023, thị trường sẽ xuất hiện làn sóng mua vào của nhà đầu tư, trong đó có nguồn hàng giá giảm sâu đã được rao bán từ cuối năm 2022.