"Khóc ròng" vì đổi nhà đất lấy 5 căn chung cư và 2 shophouse, người phụ nữ mắc kẹt với khối tài sản "treo" khổng lồ: Đừng nói đến bán mà ngay cả cho mượn mở cửa hàng cũng chẳng ai cần

Yến Nguyễn | 17:12 23/04/2024

Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc đã giáng một đòn nặng nề vào chủ sở hữu nhà ở những vùng quê.

"Khóc ròng" vì đổi nhà đất lấy 5 căn chung cư và 2 shophouse, người phụ nữ mắc kẹt với khối tài sản "treo" khổng lồ: Đừng nói đến bán mà ngay cả cho mượn mở cửa hàng cũng chẳng ai cần

Năm 2009, gia đình Bella Zhao đồng ý một thỏa thuận được coi là tuyệt vời vào thời điểm đó: Đổi một căn nhà phố cũ kỹ và một mảnh đất nông nghiệp nhỏ để lấy 5 căn hộ và 2 cửa hàng.

Thỏa thuận được đưa ra bởi các nhà phát triển bất động sản do Tập đoàn Wanda dẫn đầu. Wanda dự định chi 2,8 tỷ USD để biến một ngôi làng thưa thớt ở tỉnh Cát Lâm, phía đông bắc Trung Quốc, thành khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Chủ đầu tư đã đề nghị đổi cho dân làng một số lượng lớn căn hộ mới trong thị trấn để lấy những ngôi nhà cũ của họ, tạo ra một ngôi làng của các tay buôn bất động sản gần như chỉ sau một đêm.

Zhao, lúc đó còn là một thiếu niên và sau đó được thừa kế lại những tài sản trên, cho biết: “Lúc đó tôi rất hạnh phúc”.

Nhưng bây giờ, cả năm căn hộ của cô đều trống rỗng. Chỉ một cửa hàng có người thuê. Dự án nghỉ dưỡng đầy tham vọng đã bị đình trệ nhiều năm trước, và du lịch cũng chẳng bùng nổ như kỳ vọng. Zhao trở nên tuyệt vọng đến mức cô đề nghị cho thuê căn hộ miễn phí với điều kiện người thuê chỉ cần thanh toán các hóa đơn và phí quản lý.

“Nhưng không ai muốn sống ở đó, thậm chí là miễn phí,” cô nói. “Những người vẫn sống trong thị trấn đều có chỗ ở của mình.”

Trong khi nhiều sự chú ý tập trung vào các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng bất động sản ở nước này, thì các chủ sở hữu nhà cũng đang mắc kẹt. Nhiều người muốn bán nhưng không có người mua.

Tình cảnh khó khăn của họ càng làm tăng thêm bất ổn đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc. Suy thoái bất động sản tại Trung Quốc đã kéo dài được 3 năm. Lúc đầu, giá nhà vẫn ổn định ngay cả khi doanh số bán giảm. Nhưng vào năm 2022, giá nhà bắt đầu giảm đến mức mất đi 1/5 giá trị ở một số thành phố phát triển nhất Trung Quốc, theo dữ liệu từ cơ quan bất động sản Centaline.

Zhao, 26 tuổi, cho biết: “Khi giá bất động sản bắt đầu giảm, tôi cảm thấy buồn bã. Cảm giác như kế hoạch cuộc đời của tôi bị xáo trộn”.

Doanh số bán nhà mới từ 100 nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc đã giảm 47,5% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái và hiện đang ở mức thấp kỷ lục. Giá nhà sẵn có ở các thành phố phát triển nhất Trung Quốc đã giảm 7,3% so với cùng kỳ trong tháng 3, mức giảm sâu nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu công bố dữ liệu vào năm 2011.

Thị trường đang phải đối mặt với một vấn đề kinh tế đơn giản: người bán nhiều hơn người mua. Liu Yuan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bất động sản tại Centaline, cho biết vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn khi dân làng bán nhà của họ cho các chủ đầu tư, thường để đổi lấy một số căn hộ mới. Việc này đang làm tăng thêm nguồn cung.

Một chủ nhà ở Nam Kinh, sở hữu 8 bất động sản cùng chồng và bố mẹ, cho biết: “Không thể bán được giá hời”.

Dữ liệu về quyền sở hữu tài sản của những người đổi nhà lấy căn hộ mới ít khi được cập nhật. Nhưng theo một báo cáo được công bố bởi Nie Riming và Guo Xiaojing từ Viện Tài chính và Luật Thượng Hải, khoảng 6,8% số ngôi nhà hiện có trong năm 2017 là tài sản mà mọi người nhận được sau khi đổi những ngôi nhà cũ.

Một người đàn ông ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc cho biết anh vẫn đang chờ đợi sáu căn hộ mà một chủ đầu tư hứa đổi cho anh để lấy căn nhà phố và mảnh đất nông nghiệp vào năm 2018. Các căn hộ dự kiến ​​được giao vào năm 2021, nhưng quá trình xây dựng đã bị đình trệ.

Người đàn ông này vẫn lạc quan rằng các căn hộ cuối cùng sẽ được hoàn thiện. Có lẽ hai trong số 6 căn hộ sẽ để người thân ở, 4 căn còn lại thì để trống vì không thể bán hay cho thuê được, người này nói.

Suy thoái bất động sản đã ảnh hưởng sâu sắc đến các thị trấn và nhiều ngôi làng nhỏ tại Trung Quốc. Theo ước tính, bất động sản và các ngành liên quan chiếm khoảng 1/4 sản lượng kinh tế của Trung Quốc trước khủng hoảng. Lĩnh vực này thậm chí còn có tầm quan trọng lớn hơn đối với một số khu vực khó khăn – nơi không có nhiều thứ để trao đổi ngoài đất đai.

Chính quyền địa phương đang nỗ lực khuyến khích mua nhà. Đầu tháng này, các quan chức ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, đã yêu cầu một công ty nhà nước mua tới 10.000 căn nhà hiện có với điều kiện người bán phải dùng tiền để mua những căn nhà mới xây.

Nhưng điều đó sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho những người như Zhao. Zhao đã rời làng để đến thành phố Trường Xuân gần đó, nơi có nhiều cơ hội việc làm hơn.

Cô cho biết khối bất động sản của cô có thể trị giá tới 500.000 USD nếu tìm được người mua. Và khi bán đi, cô không có kế hoạch đổ tiền lại vào thị trường bất động sản. Cô nói: “Sẽ tuyệt biết bao nếu tôi có thể bán chúng và sử dụng số tiền thu được để mua đô la, trái phiếu kho bạc Mỹ hoặc bitcoin”.

Theo WSJ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
"Khóc ròng" vì đổi nhà đất lấy 5 căn chung cư và 2 shophouse, người phụ nữ mắc kẹt với khối tài sản "treo" khổng lồ: Đừng nói đến bán mà ngay cả cho mượn mở cửa hàng cũng chẳng ai cần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO