Khoản phạt gần 500 triệu USD treo lơ lửng trên đầu, hạn nộp chỉ tính bằng ngày: Ông Trump có lựa chọn “lật ngược ván cờ” nhưng quyết không dùng

Tất Đạt | 09:15 22/03/2024

Theo Washington Post, ông Trump có một giải pháp để trì hoãn việc nộp phạt tới nhiều tháng, thậm chí là cả năm sau.

Khoản phạt gần 500 triệu USD treo lơ lửng trên đầu, hạn nộp chỉ tính bằng ngày: Ông Trump có lựa chọn “lật ngược ván cờ” nhưng quyết không dùng

Giải pháp bất ngờ

Washington Post dẫn các nguồn tin cho biết, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump – và cũng được cho là ứng cử viên sáng giá của Đảng Cộng hòa trong cuộc tranh cử năm nay – đang gặp rắc rối khi phải trả khoản tiền phạt khổng lồ lên tới gần nửa tỷ USD do thua một vụ kiện gian lận ở New York.

Một trong những giải pháp dành cho ông Trump là nộp đơn xin phá sản. Việc này sẽ giúp ông tạm thời thoát khỏi rắc rối, tập trung vào chiến dịch tranh cử hơn. Tuy nhiên, ông Trump có khả năng cao sẽ không làm như vậy vì những tác động tiêu cực mà nó mang lại. Một số cố vấn cho rằng, mặc dù việc phá sản có thể làm giảm bớt tình trạng khủng hoảng tiền mặt cho ông Trump trong ngắn hạn, nhưng nó cũng mang lại rủi ro cho một ứng cử viên luôn tự quảng bá hình ảnh là một doanh nhân chiến thắng. Thành công về tài chính của ông Trump là một trong những thứ có sức hấp dẫn lớn nhất đối với cử tri, một số cố vấn cho biết.

Việc cá nhân Trump hoặc một trong các công ty của ông nộp đơn xin phá sản có thể giúp trì hoãn yêu cầu ông phải trả khoản tiền gần 500 triệu USD trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, với lãi suất tăng hơn 100.000 USD mỗi ngày. Một thẩm phán liên bang sẽ chịu trách nhiệm xác định cách thức và thời điểm mỗi chủ nợ của mình, bao gồm cả tiểu bang, sẽ được thanh toán. Trong thời gian chờ đợi, ông Trump có thể dồn toàn lực vào chiến dịch tranh cử của mình.

n.png

Các luật sư của ông cho biết Trump không có tiền mặt để đảm bảo một khoản bảo lãnh sẽ trì hoãn việc thi hành phán quyết phạt trị giá 464 triệu USD trong khi ông kháng cáo. Đồng thời, sẽ không có công ty nào chấp nhận bất động sản – vốn chiếm phần lớn tài sản của ông Trump - làm tài sản thế chấp. Nếu không có khoản thế chấp nào được đưa ra, Lãnh đạo Tư pháp New York Letitia James có thể tiến hành tịch thu tài sản của ông Trump, bao gồm tài khoản ngân hàng hoặc tài sản khác như tòa tháp văn phòng Manhattan tại số 40 Phố Wall.

Một trong những người thân cận với Trump nói: “Ông ấy thà để Letitia James xuất hiện cùng cảnh sát trưởng ở 40 Phố Wall và làm ầm ĩ về chuyện đó hơn là nói rằng ông ấy đã phá sản. Ông Trump đã nghĩ về những gì sẽ có lợi về mặt chính trị cho mình. Việc phá sản không có lợi, nhưng việc để quan chức Tư pháp cưỡng chế tài sản của ông ấy thì có thể.”

Tuy nhiên, ông Trump đã nộp đơn xin phá sản nhiều lần trước đây. Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã từng giải thích về những vụ phá sản doanh nghiệp đó, nói rằng ông đã sử dụng một công cụ mà nhiều nhà đầu tư đã sử dụng và lưu ý rằng ông chưa bao giờ phải nộp đơn phá sản cá nhân.

Luật sư phá sản Avi Moshenberg cho biết nếu bây giờ ông Trump nộp đơn xin phá sản, có lẽ ông sẽ không phải “trả bất cứ thứ gì cho đến sau khi phá sản và việc đó sẽ mất vài năm vì tính phức tạp”. Tuy nhiên, Moshenberg cho biết tiền lãi có thể sẽ tiếp tục tích lũy trong thời gian phá sản.

Cơn ác mộng tồi tệ

Một phát ngôn viên của ông Trump cho biết kế hoạch là tiếp tục đấu tranh và kháng cáo. Tới nay, chưa có phán quyết mới được đưa ra.

Tháng trước, Thẩm phán Tòa án Tối cao New York Arthur Engoron phát hiện rằng ông Trump, hai con trai lớn và hai giám đốc điều hành của ông đã gửi dữ liệu tài chính gian lận cho những bên cho vay và các công ty bảo hiểm để thu lợi. Engoron yêu cầu ông Trump phải trả hơn 350 triệu USD tiền phạt, cộng thêm tiền lãi. Hai con trai của ông được lệnh phải trả 4 triệu USD mỗi người.

Để trì hoãn việc thi hành phán quyết ở New York trong khi kháng cáo, ông Trump phải đảm bảo số tiền bảo lãnh bằng tiền mặt hoặc thế chấp - một sự đảm bảo rằng bên thứ ba sẽ thanh toán cho Trump nếu ông thua cuộc.

Ông Trump cũng có thể tìm một ngân hàng hoặc một người giàu có và sẵn sàng hỗ trợ ông, bằng cách chấp nhận một số bất động sản của ông làm tài sản thế chấp và hỗ trợ bằng trái phiếu, hoặc bằng cách cho ông vay tiền bằng tài sản của mình. Tuy nhiên, ông Trump còn rất ít mối quan hệ với các ngân hàng Phố Wall.

Mặc dù không muốn bán tài sản của mình nhưng ông Trump có thể bán bớt một số khách sạn hoặc sân gôn để lấy tiền mặt trong những ngày tới. Các giao dịch như vậy thường mất vài tuần hoặc vài tháng. Theo các chuyên gia pháp lý, tòa phúc thẩm cũng có thể ra lệnh buộc ông làm như vậy và cho ông thêm thời gian.

Nhà báo Timothy O'Brien, người viết tiểu sử về Trump và sau đó làm cố vấn chính trị cho Mike Bloomberg, tỷ phú tranh cử tổng thống với tư cách là đảng viên Đảng Dân chủ vào năm 2020, cho biết: “Đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất về tình hình cá nhân và tài chính của ông ấy”.

Trong cuộc tranh luận sơ bộ của Đảng Cộng hòa năm 2015, người chủ trì Chris Wallace đã hỏi Trump tại sao ông nên được tin tưởng giao phó vấn đề tài chính của quốc gia khi ông bị phá sản. Sáu công ty của ông đã nộp đơn xin phá sản vào những năm 1990 và đầu những năm 2000 sau khi các sòng bạc ở Thành phố Atlantic của ông rơi vào cảnh nợ nần.

Trump trả lời rằng ông đã thành lập hàng trăm công ty và chỉ phải sử dụng phương án phá sản một vài lần, giống như những gì các giám đốc điều hành kinh doanh thành công khác đã làm. Ông chỉ ra rằng các công ty khác ở Thành phố Atlantic cũng đã nộp đơn xin bảo vệ. Ông nói, những ngân hàng mà ông nợ là “những kẻ giết người”.

“Tôi đã sử dụng luật pháp của đất nước này – cũng giống như những người kinh doanh vĩ đại nhất mà bạn đọc hàng ngày. Tôi đã dùng các điều luật hợp pháp để mang lại những thứ tuyệt vời cho công ty tôi, cho bản thân tôi, cho nhân viên của tôi, cho gia đình tôi”, ông nói.

Tham khảo Washington Post


(0) Bình luận
Khoản phạt gần 500 triệu USD treo lơ lửng trên đầu, hạn nộp chỉ tính bằng ngày: Ông Trump có lựa chọn “lật ngược ván cờ” nhưng quyết không dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO