Trong khuôn khổ chuyến công du được mô tả là “rất đặc biệt” của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 10 và 11/9, hai nước đã ra Tuyên bố chung, chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác với một quốc gia từ mức Đối tác toàn diện lên thẳng mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện (chỉ trong vòng 10 năm từ 2013 đến 2023, bỏ qua mức Đối tác chiến lược).
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết: “Để thực hiện được chuyến thăm Việt Nam, phía Mỹ đã có nỗ lực vượt bậc, chưa có tiền lệ, thay đổi chương trình hoạt động đối ngoại của Tổng thống và Phó Tổng thống. Hai bên cũng đã ra được tuyên bố chung. Đây là văn kiện quan trọng, một cột mốc đánh dấu việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện”.
Theo Thứ trưởng, Tuyên bố chung Việt – Mỹ chỉ có 8 trang, với câu chữ rất ngắn gọn, chặt chẽ, “có cảm tưởng khô khan” nhưng hàm chứa nhiều nội dung quan trọng và ý nghĩa với hợp tác hai nước thời gian tới. Ngoài ra, các nhà ngoại giao của Việt Nam và Mỹ đều đồng quan điểm rằng hai bên gửi gắm trong đó những mong ước, những kỳ vọng và cả những cảm xúc.
Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện cũng xác định rõ 10 trụ cột hợp tác Việt - Mỹ gồm chính trị - ngoại giao; kinh tế - thương mại - đầu tư; hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; giáo dục - đào tạo; hợp tác khí hậu, năng lượng, môi trường và y tế; hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh; hợp tác văn hóa - giao lưu nhân dân - thể thao - du lịch; hợp tác quốc phòng - an ninh; thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; phối hợp trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Chia sẻ với báo chí, Ðại sứ Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Mỹ, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Ðại sứ Ðặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ, nhấn mạnh với việc nâng cấp quan hệ, Việt Nam và Mỹ xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược.
Ông Vinh khẳng định việc nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất phản ánh những thành tựu mà 2 nước đạt được sau 28 năm bình thường hóa quan hệ, 10 năm là Đối tác toàn diện. Ngoài ra, hai bên cũng tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin chính trị giữa hai nước, nhất là các nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, trong đó có tôn trọng thể chế của nhau.
Lấy ví dụ trong lĩnh vực kinh tế, ông Vinh dẫn chứng kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng vượt bậc, từ con số chưa đến nửa tỷ USD năm 1994 lên đến hơn 123 tỷ USD năm 2022. Mỹ cũng đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là thị trường duy nhất đạt hơn 100 tỷ USD. Việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện tiếp tục mở ra thêm những tiềm nặng hợp tác, nhất là về kinh tế, thương mại, công nghệ, sáng tạo và chuyển đổi xanh.
“Đó là một chặng đường dài, với sự nỗ lực của cả hai bên, vượt qua khác biệt, đưa quan hệ Việt-Mỹ từ cựu thù trở thành Đối tác rồi Đối tác toàn diện và nay là Đối tác chiến lược toàn diện”, Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.
Với việc trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, lòng tin và sự hiểu biết giữa Việt Nam và Mỹ sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh đó, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Joe Biden cũng được xem là cú hích về kinh tế, hợp tác khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh….
Tuy nhiên, để tiềm năng hợp tác trở thành kết quả trong thực tế, trách nhiệm chính lại thuộc về cộng đồng doanh nghiệp của hai nước. Doanh nghiệp Việt cần khai thác được các thế mạnh của Mỹ về công nghệ, tài chính xanh, hạ tầng xanh nhưng cũng cần hoàn thiện, nâng cao năng lực để tạo ra sức hấp dẫn của chính mình.
Ông Đỗ Cao Bảo, đồng sáng lập Tập đoàn FPT – doanh nghiệp ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác công nghệ cao với các đối tác Mỹ sau khi Việt Nam và Mỹ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, nhấn mạnh: “Khi chính phủ đã bật đèn xanh, tháo bỏ các rào cản, vấn đề còn lại nằm ở các doanh nghiệp. Chính phủ không thể làm thay doanh nghiệp được. Doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng đào tạo nguồn lực, nâng cao trình độ của mình cũng như xúc tiến tìm kiếm các đối tác để hợp tác”.
Theo ông Bảo, việc Việt Nam và Mỹ trở thành đối tác chiến lược toàn diện cho thấy Việt Nam đang là địa chỉ tin cậy, không chỉ trong hôm nay mà còn nhiều thập kỷ tới. Với điều này, Mỹ sẵn sàng chuyển các cơ sở sản xuất, nghiên cứu với công nghệ cao hơn sang Việt Nam. Thông qua chuyển giao công nghệ, giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu ở lĩnh vực AI, bán dẫn… cũng sẽ được nâng cao hơn, tỷ lệ nội địa hóa lớn hơn.
“Trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, Mỹ không chỉ cam kết hỗ trợ Việt Nam mà còn muốn Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Khi chuỗi cung ứng mở rộng, chúng ta sẽ cần nhiều nhân lực công nghệ cao để làm việc trong các nhà máy sản xuất, thiết kế và kiểm thử thay vì chỉ đóng gói chip như hiện nay. Tuy nhiên, người ta sẽ chỉ vào khi nhận thấy chúng ta có sẵn nguồn nhân lực. Chính vì thế, chúng ta phải đào tạo thật nhanh và nhiều. Chúng ta cũng cần liên tục cập nhật cho thế giới về số nhân lực công nghệ cao của mình, để họ biết và sẵn sàng đầu tư”, ông Đỗ Cao Bảo nhấn mạnh.
Với góc nhìn tương đồng, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh khẳng định: “Việt Nam có ba khâu then chốt để đột phá phát triển kinh tế là chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực. Rất vui là trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện, phía Mỹ khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực theo đúng định hướng thích ứng công nghệ và sáng tạo, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số; hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng chất bán dẫn, chip”.
Chia sẻ tầm nhìn về vai trò, vị thế của Việt Nam trên bản đồ chip toàn cầu của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, ông Đỗ Cao Bảo chia sẻ thêm điều này xuất phát từ góc nhìn của những người làm kinh doanh: Nhận ra cơ hội và sẵn sàng để tận dụng cơ hội đó.
“Việt Nam là địa chỉ mà các nước khác muốn đặt cơ sở sản xuất công nghệ cao. Trước đây, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam những lĩnh vực thâm dụng lao động nhưng bây giờ, sẽ có xu hướng dịch chuyển sang công nghệ cao. Việt Nam có nhiều lợi thế để được chọn”, ông Đỗ Cao Bảo nói về những tiềm năng to lớn của Việt Nam, đặc biệt là những lợi thế từ việc trở thành Đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ.
Cụ thể, Việt Nam có dân số 100 triệu người với lực lượng lao động trẻ, có tố chất trong lĩnh vực công nghệ. Ngoài ra, người trẻ Việt Nam có lợi thế hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực ở khao khát vươn lên và làm giàu.
Và khi Mỹ tin tưởng để đưa những công nghệ hàng đầu sang sản xuất và phát triển tại Việt Nam, nhiều cường quốc công nghệ bán dẫn khác, chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan… cũng sẵn sàng tin tưởng. Với sự công nhận của các chính phủ, doanh nghiệp của họ cũng sẽ hưởng ứng và mạnh dạn đầu tư.
“Khi Mỹ đã làm ăn với ai, các nước khác cũng sẵn sàng làm ăn với quốc gia đó. Chúng ta cũng từng nhận định làm ăn được với Mỹ là có thể làm ăn được với thế giới. Đây giống như một chứng chỉ xác nhận cho sự yên tâm”, ông Nguyễn Đình Lương, trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Mỹ (BTA), bày tỏ sự tin tưởng về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ.
Để tận dụng tốt tiềm năng và cơ hội, bên cạnh chuẩn bị nguồn nhân lực, ông Lương cũng cho rằng cần “nhanh tay” cải thiện cơ chế để gia tăng thông thoáng; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm đường cao tốc, để lưu thông hàng hóa được dễ dàng hơn.
“Tôi nghĩ rằng sắp tới sẽ có một cao trào đầu tư vào Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và lâu dài”, ông Nguyễn Đình Lương nhận định.
Bài: Linh Anh
Thiết kế: Hải An