Những yếu điểm của giới khởi nghiệp Việt Nam
“Lúc tôi khởi nghiệp cách đây vài chục năm chỉ có 6 triệu đồng cùng 6 đồng đội. Còn các bạn trẻ bây giờ xuất phát điểm cao nên khó lựa chọn khởi nghiệp ở đâu.
Theo quan điểm của tôi, trước khi quyết định dấn thân vào khởi nghiệp, các bạn nên phải đánh giá kỹ xu hướng phát triển của thế giới rồi định hướng trước ở Việt Nam. Thay vì cố tự nghĩ ra mô hình mới mà thị trường chưa có, chúng ta có thể học theo các mô hình khởi nghiệp đã thành công ở nước ngoài. Cơ bản là chúng ta phải tìm ra được những khoản hở của thị trường và nhu cầu của nhiều người tiêu dùng mà chưa ai đáp ứng, sau đó định vị cho doanh nghiệp trong tương lai.
Tôi đang là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và thấy vẫn còn nhiều khoảng trống trên thị trường để phát triển như lĩnh vực bền vững, nhằm giảm phát thải và tái chế”, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Tập đoàn Vietravel phát biểu trong một sự kiện gần đây.
Sau 30 năm, ông Nguyễn Quốc Kỳ cùng "đồng đội" đã tạo nên một "đế chế" trong ngành du lịch Việt Nam với 4 công ty là đại lý du lịch lớn nhất nhì Việt Nam, có 1 hãng máy bay cùng 11 văn phòng ở nước ngoài.
Một điểm yếu mà ông thường hay thấy ở các bạn trẻ khởi nghiệp hiện tại là ‘nhanh tụ và nhanh tán’, nhất là trong giới học sinh, sinh viên.
Theo ông, sở dĩ một nhóm khởi nghiệp thường tan rã sớm bởi ai cũng muốn mình là ngôi sao nhưng ‘nếu ai cũng là ngôi sao thì ai sẽ là bầu trời đêm cho các ngôi sao toả sáng?!’. Đã làm dự án khởi nghiệp thì phải phân công rõ công việc cho từng người và giao quyền quyết định trong mảng miếng đó cho người có năng lực thực sự, nhằm phát huy hết điểm mạnh của mỗi cá nhân.
“Nguyên do thất bại của nhiều startup Việt thường là do phân công – sắp sếp và cấu trúc nhân sự không tốt. Một DN tốt là phải có cấu trúc – sắp xếp nhân sự để mọi người có thể phát triển năng lực cao nhất của bản thân”, Chủ tịch Vietravel khẳng định.
Một điểm yếu nữa là các Nhà khởi nghiệp Việt ngày nay thường rất nóng vội. Chỉ cần công việc kinh doanh đình trệ một chút hoặc chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, là ngay lập tức muốn bắt đầu lại. Theo đó, thời nay có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp rất thích "đập đi xây lại" mô hình kinh doanh của mình. Tuy nhiên theo ông, trước khi làm thế các bạn hãy suy nghĩ thật kỹ bởi ‘thất bại nhiều quá thì không mẹ nào nuôi mãi được’.
Sau Covid-19 thì xuất phát điểm của DN lớn hay startup đều như nhau và ai nhanh sẽ thắng
Cách làm đúng cho cả startup lẫn DN lớn là liên tục đổi mới sáng tạo, ra quyết định thật nhanh nhưng phải chuẩn bị kỹ để không lãng phí nguồn lực, tái cấu trúc DN sau 5 đến 7 năm chứ không phải liên từng tục năm.
“Trong thời buổi hiện tại, không phải chỉ mỗi startup và tất cả DN đều phải nhanh nhạy với thời cuộc đồng thời đổi mới sáng tạo liên tục.
Vậy vì sao phải đổi mới sáng tạo? Vì nhu cầu của người tiêu dùng đang thay đổi rất nhanh. 10 năm trước, Việt Nam chúng ta sản xuất gạo chủ yếu để trong nước tiêu dùng nhưng ngày nay chủ yếu dùng để xuất khẩu. Sau Covid-19, khách hàng thích nhanh, ít chạm và an toàn. Một khi xã hội đã biến đổi hoàn toàn, tương ứng, DN cũng phải biến hình bằng đổi mới sáng tạo thì mới phù hợp. Chỉ khi xã hội cần mình thì mình mới có cơ hội trưng trổ và phục vụ mọi người!
Có thể nói, sau Covid-19, mọi người đều xuất phát ngang nhau chứ không có lớn nhỏ. Vậy nên, với thị trường thời đại ngày nay, không phải DN lớn sẽ thắng DN nhỏ mà là DN nhanh sẽ thắng DN chậm”, ông Nguyễn Quốc Kỳ bày tỏ.
Ví dụ ngày nay, nếu DN không thay đổi cách truyền thông và tiếp cận thị trường thì sẽ không có khách hàng. Bây giờ, người tiêu dùng thường xem clip marketing PR trên màn hình điện thoại và chỉ trong 3 giây đến 7 giây, nếu họ thấy nội dung không hấp dẫn thì chắc chắn sẽ kéo clip qua ngay lập tức.
Vậy nên, DN phải đẩy thông điệp cần truyền tải lên đầu clip một cách sáng tạo để nó đập vào mắt khách hàng ngay lập tức khi họ vừa tiếp xúc. Bây giờ, những thông điệp phải từ từ mới thấm như trước kia đã không còn phù hợp. Theo đó, cơ hội DN chinh phục trái tim khách hàng chỉ có 1 lần và nếu thất bại thì nhiều khả năng sẽ không quay lại được nữa.
Cũng như thế, khi xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và đẩy ra bên ngoài, nếu thị trường không thể nhanh tiếp nhận thì thà chúng ta đừng đưa; bởi việc thực hiện lại dự án sẽ rất khó và tiền đầu tư sẽ đắt gấp 2 đến gấp 3 lần đầu tiên.
Ở khía cạnh khác, chu kỳ khoảng 5 đến 7 năm, nền kinh tế Việt Nam lẫn thế giới sẽ đối mặt với giai đoạn rất khó khăn do khủng hoảng hoặc dịch bệnh và nó trùng khớp với tiến trình phát triển khỏe mạnh của DN. Để một DN phát triển lành mạnh, thì mỗi sau 5 đến 7 năm, lãnh đạo phải tiến hành tái cấu trúc, thay đổi từ gốc đến ngọn, nhằm phù hợp với thời đại mới.
Trong 10 năm tới, Vietravel cũng sẽ phải định vị lại bản thân. Họ sẽ không còn đơn thuần là nhà điều hành tour mà trở thành DN mang lại nhiều giá trị sống mới cho khách hàng. Mục tiêu của Vietravel là tăng chất lượng cho cuộc sống người dân Việt Nam, khiến cuộc đời của họ nhiều màu sắc và vui vẻ hơn
Có một điều nữa khiến ông khá day dứt là dù chúng ta đã mở cửa và đổi mới trong vài chục năm nhưng chưa có sản phẩm hoặc thương hiệu được cả thế giới tiêu dùng, như Nhật Bản hay Hàn Quốc.
“Chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề và tìm hiểu xem tại sao lại vậy! Hiện Vietravel đã có 11 văn phòng đại diện ở nước ngoài, song với tôi từng đó vẫn chưa ăn thua gì”, ông Nguyễn Quốc Kỳ kết luận.