Hồi đầu tháng 5 này, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) ra quyết định chuyển hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN được phát hành bởi Tổng Công ty Hàng không Việt Nam-CTCP (Vietnam Airlines) từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 12/5/2023.
HoSE cho rằng: Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.
Trước đó vài ngày, Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 cho thấy, doanh thu đạt 23.640 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2022.
Lợi nhuận gộp tăng lên 1.959 tỷ đồng (cao hơn cả quý 4/2019 - tức giai đoạn trước dịch), trong khi cùng kỳ lỗ gộp là 1.595 tỷ đồng.
Ba tháng đầu năm, doanh thu từ hoạt động tài chính của HVN tăng gấp 3,5 lần, lên 366 tỷ đồng.
Còn các khoản chi phí của Vietnam Airlines đều tăng mạnh, trong đó chi phí tài chính tăng 46% lên 773 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng vọt 187% 1.048 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 23% lên 482 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí, hãng hàng không quốc gia đã có lãi trước thuế 19,3 tỷ đồng sau 12 quý lỗ liên tiếp. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế vẫn âm 37,3 tỷ đồng.
Đây là kết quả khả quan nhất kể từ năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, của Vietnam Airlines - hãng hàng không quốc gia của Việt Nam.
Cũng theo Vietnam Airlines, lỗ quý 1/2023 đã giảm so với cùng kỳ năm 2022 (quý 1/2022 lỗ 2.685 tỷ đồng) do tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ tăng 113,8% so với quý 1/2022.
Doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 116% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu nội địa tăng 76,5%, quốc tế tăng 618,5% do thị trường phục hồi mạnh.
Hãng hàng không quốc gia đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và khai thác trở lại 90% số đường bay quốc tế so với thời điểm trước dịch.
Singapore Airlines lãi “khủng”, thưởng 8 tháng lương
Tờ Business Times của Singapore đưa tin, Singapore Airlines sẽ trả cho nhân viên khoản tiền thưởng bằng khoảng 8 tháng lương sau khi công bố lợi nhuận hàng năm kỷ lục.
Theo đó, nhân viên đủ điều kiện sẽ được trả tiền thưởng chia sẻ lợi nhuận tương đương 6,65 tháng lương và tối đa 1,5 tháng lương tiền thưởng ngoài lương để ghi nhận sự chăm chỉ và hy sinh của họ trong đại dịch, tờ này dẫn theo lời người phát ngôn của hãng hàng không.
Theo nguồn tin này, quản lý cấp cao sẽ không nhận được tiền thưởng nêu trên.
Hãng hàng không quốc gia của Singapore vừa công bố báo cáo thu nhập ròng đạt 2,16 tỷ SGD (khoảng 1,62 tỷ USD) cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 3 vừa qua.
Trong cả năm 2022, công ty có tổng doanh thu 17,77 tỷ USD, tăng 133,4% so với năm trước. Tổng chi tiêu là 15,08 tỷ USD.
Và hãng cho biết doanh số bán hàng trong kỳ hạn rất tốt trên tất cả hạng khoang, dẫn đầu là đặt chỗ đến Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Singapore Airlines và hãng bay con Scoot đã vận chuyển 26,5 triệu hành khách trong năm, cao gấp sáu lần so với 12 tháng tính đến tháng 3 năm 2022, với sức chứa hành khách tăng lên 79% so với mức trước Covid vào tháng 3.
Hôm 15/5, Singapore Airlines cho biết họ đã chuyên chở 1,75 triệu hành khách trong tháng 4, tăng 53% so với cùng tháng năm ngoái.
Cũng mới đây, chuyên trang hàng không Simple Flying cho hay, hãng bay quốc gia Singapore đạt được thỏa thuận với Boeing về việc hủy đơn đặt hàng 8 chiếc Boeing 737 MAX 8, cộng với một số thay đổi đối với việc giao hàng máy bay thân rộng. Tuyên bố được đưa ra trong buổi công bố kết quả năm tài chính 2022/2023.
Cụ thể, Singapore Airlines đã điều chỉnh sổ đặt hàng máy bay. Điều này bao gồm hoán đổi ba chiếc 787-9 lấy ba chiếc 787-10 và hủy tám chiếc 737 MAX 8.
Công ty cho biết: Những điều chỉnh này phù hợp với chiến lược đổi mới đội tàu dài hạn của tập đoàn và hỗ trợ các yêu cầu hoạt động dự kiến của nó. Kể từ ngày 16/5, đơn đặt hàng của Singapore Airlines bao gồm 3 chiếc Airbus A350, 15 chiếc Boeing 787-10, 31 chiếc 777-9, 13 chiếc MAX 8 và 7 chiếc A350F. Đơn đặt hàng của Scoot bao gồm ba chiếc 787-8, một chiếc 787-9 Dreamliner, 12 chiếc A320neos, sáu chiếc A321neo và chín chiếc Embraer E190-E2.