Kết quả kinh doanh 6 tháng: Dệt may và BĐS đón tin buồn, ngân hàng vẫn "vui như tết"

Minh Trang | 22:12 30/07/2023

Cho đến thời điểm hiện tại, đã có hàng trăm doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng năm 2023, trong đó đã “lộ diện” nhóm doanh nghiệp dệt may, bất động sản… khó khăn; điểm sáng là ngành ngân hàng mang về lợi nhuận đến 2 con số.

Kết quả kinh doanh 6 tháng: Dệt may và BĐS đón tin buồn, ngân hàng vẫn "vui như tết"
Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh là ngành ngân hàng. (Ảnh: Int)

Theo báo cáo tài chính của hàng trăm doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán vừa công bố, các nhóm ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản có kết quả kinh doanh kém khả quan nhất, nối tiếp đà kinh doanh kém là dệt may, năng lượng, đa ngành và ngành F&B… Điểm sáng trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng năm 2023 là ngành ngân hàng, đa phần tăng trưởng 2 con số. Các kết quả trên đã phản ánh phần nào tình hình kinh tế vĩ mô vẫn còn ảm đạm, các doanh nghiệp kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn. Cụ thể:

Ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng có kết quả kinh doanh ảm đạm nhất, điểm sáng là bất động sản khu công nghiệp. Đơn cử như Sonadezi Giang Điền (SZG) quý 2 lợi nhuận sau thuế đạt 86 tỷ đồng, tăng 217% so với cùng kỳ; 6 tháng lợi nhuận sau thuế đạt 128 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ. Cũng ở mảng bất động sản, Becamex IDC (BCM) lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt 86%, giảm 92% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 6 tháng năm 2023 chỉ đạt 165 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ.

Ngành dệt may bị ảnh hưởng không nhỏ bởi các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu giảm sút, đã tác động đến kết quả kinh doanh trong quý 2 và trong cả 6 tháng năm 2023. Theo đó, Garmes Saigon (GMC) quý 2 lợi nhuận sau thuế âm 11 tỷ đồng, giảm 183% so với cùng kỳ; 6 tháng năm 2023 lợinhuận âm 27 tỷ đồng, giảm 523% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Gilimex (GIL) 6 tháng năm 2023 âm 39 tỷ đồng, giảm 114% so với cùng kỳ. Cho đến thời điểm 30/7, điểm sáng của ngành dệt may là Công ty May 10 (M10), 6 tháng năm 2023 lợi nhuận trước thuế đạt 47 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ.

Trong ngành F&B, Masan Meatlife (MML), quý 2 lợi nhuận sau thuế âm 182 tỷ đồng, 6 tháng lợi nhuận sau thuế âm 349 tỷ đồng, giảm 1.234% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, ngành F&B có Vocarimex (VOC) quý 2 âm 93 tỷ đồng, giảm 216% so với cùng kỳ năm trước; nhưng 6 tháng năm 2023 có tăng trưởng vượt bậc, lợi nhuận trước thuế đạt 1.457 tỷ đồng, tăng 1.702% so với cùng kỳ.

Ngành năng lượng 6 tháng đầu năm kết quả kinh doanh không mấy khả quan, đa phần lợi nhuận sau thuế âm ở 2 con số, trong đó chỉ có Nhiệt điện Bà Rịa quý 2 lợi nhuận trước thuế đạt 32 tỷ đồng, tăng 77% so với quý 2/2022; lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 49 tỷ đồng, tăng 734% so với cùng kỳ năm 2022. Điểm sáng ở mảng than khi hầu hết các doanh nghiệp khai thác than đều tăng trưởng từ 2-3 con số, như Than Miền Bắc (TMB) quý 2 đạt lợi nhuận trước thuế 189 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ, 6 tháng lợi nhuận trước thuế đạt 218 tỷ đồng, tăng 119% so với cùng kỳ.

Ở mảng chứng khoán, xen kẽ cả lợi nhuận tăng và giảm, có những doanh nghiệp lợi nhuận trước thuế tăng lên 4 con số như trường hợp của APG Securities (APG), quý 2 đạt 94 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; 6 tháng năm 2023 đạt 137 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 1.667% so với cùng kỳ. BIDV Securities (BSI), lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt 154 tỷ đồng, tăng hơn 5.100%; 6 tháng năm 2023 lợi nhuận trước thuế đạt 276 tỷ đồng, tăng 188% so với cùng kỳ.

Ngành ngân hàng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, khi lợi nhuận tăng trưởng dương chiếm ưu thế. Vietcombank (VCB) là cái tên đứng đầu trong danh sách này, với lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt 9.278 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ; 6 tháng năm 2023 đạt lợi nhuận trước thuế đạt 20.499 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Đứng thứ 2 là BIDV (BID) lần lượt đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý 2 và 6 tháng năm 2023 là 6.943 tỷ đồng và 13.862 tỷ đồng. Techcombank có lợi nhuận trước thuế 6 tháng chỉ đạt 11.272 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Giảm mạnh nhất là VPBank HN (VPB), khi quý 2 chỉ đạt 2.613 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ và 6 tháng năm 2023 đạt 5.162 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ….

Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế xã hội 7 tháng năm 2023 cho thấy, tính cả nước có 131,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 113,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 16,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Như vậy, từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp và báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, đã tác động không nhỏ tới năng suất, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Kết quả kinh doanh 6 tháng: Dệt may và BĐS đón tin buồn, ngân hàng vẫn "vui như tết"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO