Mới đây, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập huyện. Báo Pháp luật Việt Nam dẫn phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Huyện uỷ Nhơn Trạch - Lê Thành Mỹ cho biết trong 30 năm qua, từ khi hình thành Nhơn Trạch là một huyện nghèo với 80% dân số sống nhờ nông nghiệp, độc canh cây lúa, hơn 1/4 là hộ nghèo.
Đến nay, 100% địa phương cấp xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm còn gần 1%, công nghiệp và dịch vụ chiếm hơn 99%, số hộ nghèo còn gần 1%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 82 triệu đồng/năm, tăng hơn 50 lần so với năm 1995.
Hiện toàn huyện có 10 khu, cụm công nghiệp, thu hút gần 620 dự án, trong đó có hơn 440 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 11 tỷ USD, số còn lại là dự án trong nước với số vốn hơn 33.500 tỷ đồng. Các dự án giải quyết việc làm cho khoảng 130.000 lao động.
Theo quy hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nghị quyết của tỉnh Đồng Nai, trong thời gian tới. Nhơn Trạch sẽ trở thành đô thị công nghiệp - thành phố cảng, hiện đại trong tương lai; là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật cho vùng TP HCM.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân của Nhơn Trạch tăng 15%, tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 82%, ngành dịch vụ 17%, nông nghiệp tiếp tục giảm còn 0,87%.
Năm 2023 dân số toàn huyện là 287.540 người (tăng 2,8 lần so với lúc thành lập huyện). Thu nhập bình quân đầu người theo chuẩn nông thôn mới đạt trên 82 triệu đồng/ năm, tăng hơn 50 lần so với năm 1995.
Nhơn Trạch được đánh giá là địa bàn cấp huyện có tổng thu ngân sách trên địa bàn thuộc “top” cao nhất cả nước, tỷ lệ thu ngân sách tăng khoảng 20%/năm.
Năm 2023 huyện đạt tổng thu ngân sách ấn tượng với trên 13.000 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng thu ngân sách toàn tỉnh Đồng Nai, tăng khoảng 280 lần so với năm 1995.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn “nông thôn mới”. Đến nay 100% địa phương cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và Nhơn Trạch đã đạt 3/5 tiêu chí của đô thị loại 2.
Bí thư Huyện uỷ Lê Thành Mỹ đánh giá Nhơn Trạch có vị trí địa lý hết sức thuận lợi, là một trong những huyện có 3 mặt giáp sông, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nằm trong tam giác kinh tế TP HCM – Bà Rịa Vũng Tàu – Đồng Nai; có các tuyến giao thông huyết mạch cấp vùng đi qua.
Chính vì vậy, Nhơn Trạch hoàn toàn có tiềm năng, có sức hút vốn đầu tư để phát triển, có triển vọng phát triển tăng trưởng cao, có đủ khát vọng trở thành thành phố cảng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới.
Nhơn Trạch đi đầu thu hút FDI
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức trả lời Báo Đồng Nai: Sau khi thành lập, huyện Nhơn Trạch đã tập trung thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
“Nhơn Trạch là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh, vùng trong thu hút FDI và nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào huyện như: Hualon, Chingfa, Urbiz, Tongkook, Thái Phong, Hyosung, Formosa…”, ông Võ Tấn Đức cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Đồng Nai, hiện nay, công nghiệp - xây dựng của Nhơn Trạch chiếm trên 81%, gấp hơn 16 lần so với năm 1994 và cao hơn bình quân chung của tỉnh hơn 20%.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ của huyện trong những năm qua luôn giữ mức tăng trưởng 25%/năm. Về du lịch, mỗi năm, huyện thu hút khoảng 300.000 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng.
Đầu năm 2023, Ban thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Nai đã ban hành nghị quyết về phát triển đô thị Nhơn Trạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Trước mắt, huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt các mục tiêu của tiêu chí đô thị loại 3. Đến năm 2030, thành lập thành phố Nhơn Trạch và cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại 2.
Theo Trang thông tin huyện Nhơn Trạch, huyện Nhơn Trạch được tái thành lập theo Nghị định số 51/CP ngày 21/6/1994 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/9/1994 với diện tích tự nhiên 41.089 hecta, dân số 101.882 người. Huyện này được tách ra từ huyện Long Thành, nơi có Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Nhơn Trạch có 3 mặt giáp sông với 5 xã (Long Tân, Đại Phước, Phú Hữu, Phước Khánh và Vĩnh Thanh) nằm ven 3 con sông Đồng Nai, Thị Vải và Lòng Tàu.