Trong báo cáo phân tích công bố mới đây, nhóm chuyên gia đến từ HSBC châu Á - Thái Bình Dương và HSBC Việt Nam thông tin các công ty sản xuất hàng đầu Trung Quốc hiện chiếm gần 20% vốn ngoại đăng ký mới vào Việt Nam trong năm 2023.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc và Hong Kong là hai nhà đầu tư đứng thứ 2 và 3 về rót vốn vào Việt Nam, lần lượt tăng 14,2% (1,7 tỷ USD) và 11,7% (1,41 tỷ USD).
Vốn của các nhà đầu tư Trung Quốc thời gian qua rót nhiều vào lĩnh vực sản xuất tiên tiến, công nghệ và dịch vụ chuyên nghiệp. Các tên tuổi lớn có thể kể đến như Goertek, BYD, Radian, Brotex, Wingtech, Deli, Trina Solar.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/8/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký cấp mới có 2.247 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký.
Trong số 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,66 tỷ USD, chiếm 38,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc gần 1,7 tỷ USD, chiếm 14,2%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 1,41 tỷ USD, chiếm 11,7%; Nhật Bản 1,24 tỷ USD, chiếm 10,3%; Thổ Nhĩ Kỳ 731,3 triệu USD, chiếm 6,1%; Đài Loan 660,3 triệu USD, chiếm 5,5%.
Cũng theo nghiên cứu do HSBC thực hiện, Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư láng giềng bởi mối quan hệ kinh tế chặt chẽ. Trung Quốc là đối tác thương mại với kim ngạch song phương vượt mốc 106 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực điện tử, dệt may và máy móc. Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhìn nhận dư địa đầu tư FDI từ quốc gia này còn nhiều, nhất là những dự án lớn, trọng điểm và hợp tác công nghệ cao.
HSBC cho biết, 10 năm qua, quan hệ thương mại Trung Quốc - Việt Nam vươn lên trở thành một trong 20 hành lang thương mại hàng đầu thế giới. Nhóm chuyên gia của ngân hàng này cho rằng những thỏa thuận như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đồng nghĩa các liên kết kinh tế giữa hai nước tiếp tục chặt chẽ hơn, chú trọng vào lĩnh vực số hóa.
Khảo sát 3.500 doanh nghiệp toàn cầu do HSBC năm ngoái cho biết lao động lành nghề, nền kinh tế số đang phát triển, mức lương cạnh tranh và thị trường khu vực có quy mô tương đối lớn là những điểm hấp dẫn của khu vực này.
"28% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sự vững vàng của nền kinh tế Việt Nam là yếu tố tiên quyết thu hút doanh nghiệp quốc tế", nhóm chuyên gia của HSBC nêu. Việt Nam đang được nhà băng này kỳ vọng có GDP tăng nhanh nhất ASEAN, với 6,5% năm nay.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2023 của Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam là nền kinh tế số phát triển nhanh nhất khu vực, với mức tăng 20%. Xét về tổng giá trị giao dịch (GMV), Việt Nam có tiềm năng thành nền kinh tế số lớn thứ nhì Đông Nam Á vào 2030, sau Indonesia.
“Trong bối cảnh Trung Quốc đang tiên phong và mở rộng quy mô các công nghệ số, không quá bất ngờ khi doanh nghiệp nước này nhận ra cơ hội tăng trưởng ở nước láng giềng. Cơ hội, vị trí cận kề và những sở trường bổ trợ cho nhau sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng trong mối quan hệ kinh tế này", nhóm chuyên gia từ HSBC dự báo.