Đây là một trong những nỗ lực lớn của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm giải quyết khó khăn cho khách hàng khi tiếp cận hợp đồng bảo hiểm. Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn, đặc biệt khi thị trường bảo hiểm nhân thọ trở thành tâm điểm chú ý sau sự việc diễn ra tại ngân hàng SCB tháng 10/2022 và việc một nữ diễn viên livestream về hợp đồng bảo hiểm của mình.
Cuộc cách mạng về chất lượng dịch vụ
Trước diễn biến thực tế, các doanh nghiệp ngành bảo hiểm đã ngồi lại cùng nhau, rà soát, chấn chỉnh hoạt động để đưa ra giải pháp quản lý tốt hơn.
Cụ thể, ngày 19/6, lãnh đạo Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính đã họp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp BHNT. Trước cuộc họp này, 19/19 doanh nghiệp BHNT đã gửi báo cáo tới Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm về kết quả của việc thực hiện rà soát hợp đồng đại lý bảo hiểm và tăng cường kiểm soát hoạt động của các đại lý.
Theo một số chuyên gia trong ngành, đang thực sự diễn ra một cuộc “cách mạng” trong lĩnh vực BHNT, đặc biệt là về chất lượng dịch vụ, trong đó có việc giúp khách hàng hiểu đúng về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHNT. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành đã đưa ra 5 biện pháp để nâng cao tính minh bạch của thị trường.
Trước hết, Hiệp hội và các doanh nghiệp đã rà soát lại tổng thể quy trình bán hàng, quy trình dịch vụ khách hàng, hợp đồng đại lý bảo hiểm nhằm bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp đã hoàn thiện tài liệu liên quan tới “Nội dung khách hàng cần lưu ý đối với từng sản phẩm bảo hiểm” nêu tại tiết a khoản 2 Điều 119 Luật KDBH 2022 và đã đăng tải trên trang thông tin điện tử của mình để khách hàng dễ nắm bắt. Doanh nghiệp cũng chủ động cung cấp tài liệu tóm tắt về hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 50/2017/TT-BTC về nguyên tắc khai thác bảo hiểm. Có doanh nghiệp đã tạo ra bước đột phá về hợp đồng BHNT, đã nỗ lực thu gọn bản hợp đồng từ form mẫu gần 40 trang chỉ còn 8 trang cơ bản.
Các doanh nghiệp BHNT cũng đã rà soát và hoàn thiện các thông tin tại tài liệu minh họa bán hàng và giới thiệu sản phẩm. Đối với khách hàng mới, doanh nghiệp sẽ cử người kiểm tra lại nhằm xác thực việc khách đã được tư vấn đúng về sản phẩm bảo hiểm, chất lượng của đại lý, nhắc khách hàng về việc nghiên cứu hợp đồng bảo hiểm và thời gian cân nhắc 21 ngày (sau khi ký hợp đồng, khách có 21 ngày để tiếp tục nghiên cứu cân nhắc và có quyền hủy hợp đồng).
Trường hợp khách hàng còn chưa rõ về nội dung hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp sẽ cử người đến tư vấn lại. Kết quả tư vấn sẽ được ghi âm hoặc hoàn thiện dưới dạng văn bản có chữ ký của khách hàng và lưu giữ tại doanh nghiệp.
Đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư hoặc sản phẩm bảo hiểm có số tiền bảo hiểm lớn, các doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu bắt buộc phải có bước kiểm tra giữa các thông tin khách hàng kê khai về tình hình tài chính, khả năng chấp nhận rủi ro, nhu cầu bảo hiểm phù hợp với mức phí bảo hiểm… trước khi phát hành hợp đồng.
Biện pháp thứ hai là rà soát toàn bộ công tác đào tạo đại lý bảo hiểm, đảm bảo tuân thủ đúng chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính; có hình thức đào tạo bổ sung, cập nhật kiến thức phù hợp đối với các đại lý bảo hiểm mà doanh nghiệp đã thực hiện đào tạo dưới hình thức trực tuyến trước đây.
Thứ ba, Hiệp hội và các doanh nghiệp thống nhất tăng cường, bổ sung các chế tài xử phạt đại lý bảo hiểm trong trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên trực tiếp hoạt động đại lý bảo hiểm trong tổ chức hoạt động đại lý vi phạm nguyên tắc hoạt động đại lý và các nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật và hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký kết; xử lý nghiêm đối với các đại lý, tổ chức đại lý khi có hành vi vi phạm.
Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc cung cấp các thông tin khách quan, trung thực có liên quan, chủ động lên kế hoạch truyền thông phù hợp và kịp thời về sản phẩm bảo hiểm và hoạt động của doanh nghiệp.
Cuối cùng, các doanh nghiệp chủ động rà soát quản lý chất lượng đào tạo đại lý. Nhiều đơn vị đã thực hiện đào tạo bổ sung cho lực lượng đại lý, đặc biệt là cho giai đoạn Covid chỉ đào tạo online.
Trong sóng gió, có cơ hội
Chia sẻ về những hoạt động của ngành bảo hiểm nhằm rà soát, chấn chỉnh nhằm nâng cao công tác quản lý chất lượng hoạt động của các đại lý, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết: Sự cố thời gian qua của ngành bảo hiểm nhân thọ đã khiến lần đầu tiên tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cùng hành động, cùng rà soát, điều chỉnh thậm chí chấn chỉnh nội dung hoạt động, quy trình…
Một chuyên gia BHNT cho biết, sự cố bảo hiểm thời gian qua là cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng hiểu rõ về nhau hơn, từ đó đi đến các cam kết và quyết định gắn bó bền vững hơn. Vị chuyên gia này đánh giá cuộc cách mạng nâng cao chất lượng bảo hiểm nhân thọ hiện nay hứa hẹn sẽ sớm lấy lại niềm tin của khách hàng và ngành bảo hiểm sẽ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, cho an sinh, xã hội.
Theo tiết lộ của một số doanh nghiệp, gần đây, bên cạnh một số khách hàng hoang mang cân nhắc huỷ gói BHNT, thì cũng có nhiều khách hàng sau khi có đầy đủ thông tin đã có cách nhìn khác về BHNT và quay lại khôi phục gói bảo hiểm trước đó đã “bỏ quên” không đóng phí hoặc có ý định hủy hợp đồng.
Tại sao Ngắn gọn hợp đồng bảo hiểm là một đột phá?
Hợp đồng bảo hiểm ngắn gọn hơn được nhận định là một giải pháp đột phá, đặc biệt khi trong năm 2022, có tới gần 60% khách hàng cho rằng, chính Hợp đồng BHNT khó hiểu, dài dòng đã tạo rào cản cho những khách hàng không có chuyên môn luật tham gia mua (Theo ghi nhận thảo luận luận mạng xã hội về ngành bảo hiểm nhân thọ trong năm 2022 của BuzzMetric). Trên thế giới, hợp đồng bảo hiểm cũng là vấn đề nan giải. Các hợp đồng BHNT luôn rất dài, có thể lên tới 100-200 trang (Mỹ), hơn 80 trang (Singapore), gần 100 trang (Nhật Bản và Đài Loan), hơn 75 trang (Thái Lan) và khoảng 80 trang (VN).
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm đang tiến hành nghiên cứu rút ngắn hợp đồng và sử dụng ngôn từ, diễn đạt đơn giản, dễ hiểu hơn. Cùng với đó là áp dụng phổ biến loại hình hợp đồng điện tử với “chứng nhận bảo hiểm số” mà không cần in ra giấy, hoặc rút gọn, với mức độ dễ dàng đọc hiểu với bất kỳ khách hàng nào.