Trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã bất ngờ thừa nhận phi đô la hóa hiện là mối lo ngại lớn hiện nay đối với người đứng đầu ngành tài chính Mỹ.
Trong phiên điều trần vào ngày 9/7, Bộ trưởng Yellen cho biết một trong những mối quan tâm của bà là làm thế nào để bảo vệ tốt nhất vị thế thống trị toàn cầu của đồng đô la Mỹ.
Bà Yellen thừa nhận Mỹ áp đặt càng nhiều lệnh trừng phạt thì càng có nhiều quốc gia tìm kiếm các phương thức giao dịch tài chính thay thế mà không sử dụng đồng đô la Mỹ.
Phát biểu này thể hiện sự thay đổi lập trường hoàn toàn của người đứng đầu ngành tài chính Mỹ về vị thế của đồng đô la.
Bà Yellen từng phủ nhận đồng bạc xanh đang có nguy cơ mất đi thế thống trị là đồng tiền dự trữ toàn cầu vì các lệnh trừng phạt hoặc sai lầm chính sách. Tháng 3/2022, vị bộ trưởng cho biết: “Tôi không nghĩ đồng đô la có bất kỳ đối thủ cạnh tranh thực sự nào, và điều này sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian dài”.
Hai năm đã tạo nên sự khác biệt lớn. Những lo ngại về việc Mỹ “vũ khí hóa” đồng đô la đã khiến Nam Bán cầu liên kết với nhau nhằm tìm ra một giải pháp thanh toán thay thế.
Các chuyên gia tin rằng việc vũ khí hóa đồng đô la Mỹ sẽ làm giảm sự thống trị của đồng tiền này khi thế giới chuyển sang các giải pháp thanh toán bằng nội tệ và đẩy nhanh các chính sách tạo điều kiện cho việc phi đô la hóa.
Dẫn đầu xu hướng phi đô la hóa là liên minh BRICS, hiện gồm 10 thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). BRICS hiện đang tích cực thúc đẩy việc triển khai đồng tiền chung của khối để thay thế đồng đô la Mỹ
Tại hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) vào ngày 11/6 tại Nga, bộ trưởng kinh tế của các nước thành viên BRICS thông báo rằng việc hoàn tất kế hoạch phi đô la hóa đang ở giai đoạn cuối cùng. Các đại diện BRICS cũng xác nhận khối đang phát triển một hệ thống thanh toán mới nhằm đối trọng với đồng đô la Mỹ.
Ngoài ra, nhiều quốc gia đã tăng tốc đa dạng hóa nguồn dự trữ của mình bằng cách tăng cường nắm giữ vàng và sử dụng đồng nội tệ cho các giao dịch quốc tế. Vào đầu tháng 4, truyền thông Ấn Độ đưa tin Bộ Ngoại giao nước này đã thông báo rằng Ấn Độ và Malaysia đang bắt đầu thanh toán thương mại bằng đồng rupee Ấn Độ. Trước đó, Ấn Độ đã tiến hành phần lớn giao dịch năng lượng với Nga bằng đồng rupee hoặc rúp.
Theo Asia Times, Global Times