Cụ thể, theo thông báo do Ngân hàng Nhà nước phát đi, tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng vàng; khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng.
Loại vàng đấu thầu là vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất.
Ngân hàng Nhà nước nêu rõ tỷ lệ đặt cọc khi tham gia đấu thầu là 10%, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 82,9 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô tương đương 1.400 lượng, khối lượng tối đa là 20 lô tương đương 2.000 lượng. Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô tương đương 100 lượng.
Ngân hàng Nhà nước cũng quy định mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước (thành phố Hà Nội). Địa điểm giao nhận vàng tại Chi cục Phát hành và kho quỹ - Ngân hàng Nhà nước, tại Tp. Hồ Chí Minh.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã hủy đấu thầu phiên đấu thầu vàng sáng 25/4 do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu. Sau 3 lần tổ chức đấu thầu, đến nay mới chỉ một phiên đấu thầu hôm 23/4 diễn ra theo kế hoạch với kết quả là 2 thành viên trúng thầu, với tổng khối lượng 34 lô (3.400 lượng); giá trúng thầu cao nhất 82,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất 81,32 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh giảm mạnh lượng vàng yêu cầu mua tối thiểu.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400 - 500 lượng vàng thì sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn.
Giá vàng miếng SJC trong nước hôm 2/5 ở mức 82,9 - 85,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), gần như giữ nguyên sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhiều nỗ lực và các giải pháp trong việc điều tiết, bình ổn thị trường vàng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới tăng mạnh lên gần 2.325 USD/ounce sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong 23 năm; đồng thời, bác bỏ khả năng tăng lãi suất trong tháng 6. Sau đó đến chiều, giá vàng thế giới hạ nhiệt.
Xem xét thế độc quyền và chính sách điều hành
Thời gian qua, thị trường vàng đã chứng kiến diễn biến chưa từng có khi chứng kiến nhiều phiên tăng mạnh liên tiếp đã khiến giá vàng lập đỉnh, xô đổ các kỷ lục trước đó. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai giải pháp đấu thầu vàng nhằm tăng cung vàng miếng ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng nhằm đưa một lượng vàng lớn vào lưu thông, góp phần bình ổn lại cung cầu, thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới, giữa giá mua và giá bán.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, để ổn định được giá vàng, Ngân hàng Nhà nước có thể phải cần tổ chức rất nhiều phiên đấu thầu tương tự và những phiên đấu thầu đó phải có một lượng vàng lớn để đổ vào trong thị trường, đồng thời phải có nhiều nhà kinh doanh vàng tham gia đấu thầu và trúng thầu thay vì số lượng khiêm tốn như hiện tại.
Đáng chú ý, theo ông Hiếu, bên cạnh việc triển khai đấu thầu, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng cần được sửa đổi. Nên bỏ độc quyền thương hiệu vàng quốc gia của SJC, tạo sự công bằng cho tất cả các sản phẩm trên thị trường.
“Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét đến việc rút lại vai trò là đơn vị kinh tế duy nhất trong nền kinh tế có thể nhập khẩu vàng và trao lại quyền nhập khẩu cho các nhà kinh doanh vàng có uy tín và có năng lực tài chính. Dĩ nhiên, việc nhập khẩu nằm dưới sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước bởi lẽ nhập khẩu vàng sẽ cần đến một lượng ngoại tệ rất lớn và hoạt động này có thể ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối của quốc gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Trong khi đó, nhận định về thị trường vàng, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính cho rằng Ngân hàng Nhà nước cũng như các cơ quan quản lý có thể xem xét giải pháp điều hành giá vàng tương tự như điều hành tỷ giá.
“Ngân hàng Nhà nước có thể tính đến việc xác định một mức chênh lệch giá phù hợp. Chẳng hạn đặt biên độ chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là +/-2%. Nếu giá vàng trong nước cao hơn thế giới 2%, Ngân hàng Nhà nước có thể nhập khẩu vàng về để bình ổn thị trường. Trong trường hợp ngược lại, Ngân hàng Nhà nước có thể mua vàng để chặn đà rơi. Phương án này tương tự như cách Ngân hàng Nhà nước đang điều hành tỷ giá với tỷ giá trung tâm công bố hàng ngày và quy định biên độ dao động”, TS. Nguyễn Đức Độ nêu quan điểm.