Nội dung chính:
Quý IV/2022, Hòa Bình lỗ 1.202 tỷ đồng do trích lập dự phòng nợ xấu và bán hàng dưới giá vốn.
Lũy kế cả năm, doanh thu của Hòa Bình tăng 24% so với năm 2021 nhưng lỗ tới 1.140 tỷ đồng.
Dù lỗ sâu trong năm 2022, đến thời điểm cuối năm, vốn chủ sở hữu của Hòa Bình vẫn duy trì mức 2.643 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 sau khi bị HoSE nhắc nhở hôm 8/2 về việc chậm công bố.
Quý IV, Hòa Bình đạt doanh thu 3.218 tỷ đồng và lỗ 1.202 tỷ đồng. Nguyên nhân khoản lỗ bất ngờ của Hòa Bình đến từ việc trích lập dự phòng nợ xấu và bán hàng dưới giá vốn.
Hòa Bình là một trong 11 doanh nghiệp ngành xây dựng bán hàng dưới giá vốn, dẫn đến lỗ gộp trong quý IV vừa qua - theo thống kê của FiinPro. Tuy nhiên, quy mô lỗ gộp của Hòa Bình đứng đầu ngành, lên tới 426 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng cuối năm.
Hiện công ty chưa công bố văn bản giải trình kết quả kinh doanh.
Lũy kế cả năm, doanh thu của Hòa Bình đạt 14.123 tỷ đồng, tăng 24,4% so với năm 2021. Kết quả riêng quý IV đã kéo kết quả kinh doanh cả năm của công ty xuống mức lỗ 1.140 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên Hòa Bình báo lỗ sau 35 năm hoạt động.
Cũng như nhiều doanh nghiệp xây dựng khác tại Việt Nam, công ty phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, đẩy chi phí quản lý lên cao, đặc biệt trong quý IV/2022. Tính đến cuối năm 2022, Hòa Bình dự phòng 774 tỷ đồng cho khoản phải thu khó đòi (nợ khó đòi, nợ đọng). Khoản trích lập này cao gấp đôi so với số tiền Hòa Bình từng trích lập vào cuối năm cuối năm 2021 và gấp 1,8 lần so với hồi tháng 9/2022.
Dù lỗ sâu trong năm 2022, đến thời điểm cuối năm, vốn chủ sở hữu của Hòa Bình vẫn duy trì mức 2.643 tỷ đồng. Có tới 10 doanh nghiệp xây dựng trên 3 sàn HNX, HoSE, UPCoM bị âm vốn chủ sở hữu vào cuối năm 2022 - theo số liệu từ FiinPro. Hòa Bình thuộc nhóm 20 trên tổng số 206 doanh nghiệp xây dựng có vốn chủ sở hữu cao nhất.
Áp lực nợ đọng của Hòa Bình và các doanh nghiệp xây dựng
Khoảng 3 năm trở lại đây, khoản phải thu khách hàng luôn là vấn đề của các doanh nghiệp xây dựng. Để đảm bảo doanh thu, dù thấp hơn trước, các doanh nghiệp buộc phải cho khách hàng nợ (thể hiện ở khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng) ngày càng nhiều.
Về mặt nguyên tắc, toàn bộ các khoản nợ phải thu đều được công ty ghi nhận như một khoản doanh thu, nhưng chưa nhận được tiền. Ngoài việc đảm bảo doanh thu, cho nợ giúp doanh nghiệp duy trì quan hệ với đối tác, tạo việc làm cho người lao động, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn của thị trường.
Những năm gần đây, để thu hồi nợ, Hòa Bình có ít nhất 2 lần khởi kiện các doanh nghiệp gồm CTCP Tập đoàn FLC và CTCP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô.
Mới đây, Hòa Bình công bố thắng kiện Thành Đô và đòi được khoản nợ gần 368 tỷ đồng từ chủ đầu tư này. Đây là các hợp đồng thi công xây dựng công trình thuộc dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire - tên thương mại là Cocobay Đà Nẵng tại TP Đà Nẵng.
Khoản nợ của Thành Đô được hạch toán trong báo cáo tài chính của Hòa Bình từ năm 2019 đến 2021. Năm 2019, số nợ gốc của Thành Đô là 209 tỷ đồng, sau đó tăng lên thành 247 tỷ đồng năm 2020 và 274 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Từ khi phát sinh khoản nợ, Thành Đô luôn là “con nợ” lớn nhất của Hòa Bình. Mỗi năm, Hòa Bình phải trích lập hơn 12,5u tỷ đồng cho khoản nợ khó đòi của doanh nghiệp sở hữu dự án tai tiếng Cocobay.
Trước đó, năm 2019, Hòa Bình bắt đầu trích lập dự phòng cho khoản nợ khó đòi đối với FLC. Dù dự phòng (và hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp), công ty vẫn khởi kiện FLC và thu hồi được nợ. Khoản nợ thu hồi được đã được hoàn nhập (như một khoản doanh thu) cho Hòa Bình trong những năm sau.
Theo Thông tư 48/2019 của Bộ Tài chính, khoản phải thu khó đòi được trích lập khi các khoản nợ quá hạn thanh toán (từ 6 tháng trở lên) hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng doanh nghiệp không có khả năng thu hồi. Đối với nợ phải thu quá hạn thanh toán, mức trích lập dự phòng như sau:
- 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm.
- 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm.
- 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm.
- 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 3 năm trở lên.
Trong năm 2022, trước tình trạng nợ đọng của doanh nghiệp xây dựng ngày càng tăng, phía Hiệp hội Nhà thầu xây dựng từng tuyên bố trong tình huống bắt buộc, cần phải công khai danh sách đen các chủ đầu tư chây ỳ thanh toán.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam từng nhận định, ngành xây dựng về tổng thể đã có sự tăng trưởng rõ rệt so với năm 2021 nhưng tình trạng ách tắc, vướng mắc pháp lý khiến không ít dự án chậm tiến độ.
“Doanh nghiệp xây dựng đang chịu nhiều thiệt thòi, nợ đọng không chỉ tồn tại 5 năm gần đây mà còn có khoản kéo dài trên 10 năm”, ông Hiệp nói.
Câu chuyện nợ đọng của các doanh nghiệp xây dựng đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi các chủ nợ, phần lớn là các doanh nghiệp địa ốc, đang rơi vào thế khó. Các doanh nghiệp không xin được giấy phép để triển khai dự án mới, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, nguồn vốn trái phiếu bị siết khi không thể phát hành thêm, trong khi trái chủ cũ đề nghị thanh toán trước hạn, thị trường chứng khoán không thuận lợi,… Phần lớn doanh nghiệp bất động sản đang phải xoay xở dòng tiền để duy trì hoạt động, trả nợ... Lúc này, doanh nghiệp xây dựng có thể không phải là đối tượng ưu tiên trả nợ.