
Là hồ tự nhiên lớn nhất thủ đô với diện tích 5,3 km2 và chu vi khoảng 15 km, hồ Tây từ lâu là điểm đến yêu thích của người dân và du khách với nhiều hoạt động thể thao, giải trí, văn hóa. Trước thực trạng giao thông ùn tắc, hạ tầng xuống cấp, UBND TP Hà Nội đã thống nhất chủ trương cải tạo toàn diện khu vực xung quanh hồ.


Một trong những trọng tâm của dự án cải tạo là nâng cấp hạ tầng giao thông quanh khu vực hồ Tây, cụ thể là các tuyến đường như Quảng An, Từ Hoa, Nguyễn Đình Thi, Trích Sài đang được nghiên cứu mở rộng lên 21 m.

Đây là các tuyến phố tập trung đông đúc các loại hình dịch vụ như cà phê, nhà hàng. Với lưu lượng khách đông nhưng mặt đường hẹp, chỉ khoảng 5-6 m, tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra, đặc biệt là vào cuối tuần.

Việc mở rộng các tuyến đường này UBND TP lưu ý, tuyến đường mở rộng phải có tính thẩm mỹ cao, hạn chế xâm lấn mặt hồ, tăng cường cải thiện các tiện ích công cộng như vườn hoa, đường đi bộ và cảnh quan xung quanh.

Tại bán đảo Quảng An - “trái tim” của Hồ Tây - nhiều công trình mang tính biểu tượng đang được đề xuất triển khai. Tiêu biểu nhất là dự án nhà hát Opera quy mô quốc tế tại Đầm Trị, do Tập đoàn Sun Group nghiên cứu và đề xuất. Ảnh: Thảo Quyên.

Đầm Trị có diện tích khoảng 10 ha cũng nằm trong dự án cải tạo, xây dựng tại hồ Tây. Trước đây đầm chủ yếu được sử dụng làm ao trồng sen cho các hộ xung quanh hồ, trong kế hoạch cải tạo, Đầm Trị sẽ xây dựng nhà hát Opera tầm cỡ được thiết kế nổi.

Ý tưởng xây nhà hát được Sun Group công bố từ năm 2017, với mục tiêu tạo một trung tâm văn hóa tầm cỡ, tương tự như Nhà hát Sydney. Đây là một phần trong đồ án quy hoạch khu Quảng An do chính Sun Group tài trợ lập quy hoạch, với cam kết tự bỏ toàn bộ chi phí nghiên cứu và thiết kế.

Điểm nhấn khác của dự án là cầu cạn nối hồ Thủy Sứ và Đầm Trị. Hiện nay, để di chuyển giữa hai hồ, người dân phải đi vòng gần 3 km, mất khoảng 15 phút. Cây cầu mới sẽ rút ngắn thời gian, đồng thời đóng vai trò kết nối cảnh quan và tạo điểm nhấn kiến trúc liền kề nhà hát Opera.

Cùng với nhà hát Opera, cây cầu không những trở thành một điểm nhấn kiến trúc, góp phần nâng cao giá trị cảnh quan mà còn tăng giá trị cho các bất động sản cao cấp như Sun Grand City – dự án do Sun Group phát triển ngay cạnh đó.

Song song với hạ tầng và cảnh quan, vấn đề môi trường cũng được đặc biệt quan tâm. UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án thu gom nước thải quanh Hồ Tây, với tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng từ ngân sách quận Tây Hồ.

Sun Group là đơn vị được giao nghiên cứu và đề xuất phương án triển khai. Theo đó, toàn bộ nước thải sinh hoạt sẽ được dẫn qua hệ thống ống kín về hồ Sen (rộng 4 ha, đối diện nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây), xử lý trước khi quay trở lại hồ.

Khi hoàn thiện, tổng thể dự án kỳ vọng sẽ giúp Hồ Tây thay da đổi thịt – từ một điểm du lịch vốn còn thiếu quy hoạch thành một trung tâm văn hóa, giải trí và nghỉ dưỡng đẳng cấp, góp phần thúc đẩy kinh tế – du lịch của thủ đô.