Hiện thực hóa quy hoạch tỉnh: Thái Nguyên thông qua nhiệm vụ quy hoạch thêm gần 2.000 ha đất công nghiệp

Thục Trinh | 14:52 17/08/2023

Tỉnh Thái Nguyên là tỉnh thứ 5 trong toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Hiện thực hóa quy hoạch tỉnh: Thái Nguyên thông qua nhiệm vụ quy hoạch thêm gần 2.000 ha đất công nghiệp

Thái Nguyên khai thác lợi thế vị trí định hướng trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Cũng theo Quy hoạch,Thái Nguyên có dư địa trên 6.000 ha đất phục vụ phát triển công nghiệp (4.245 ha đất phát triển khu công nghiệp, 2.057 ha đất phát triển cụm công nghiệp. Trong đó mở rộng 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung; phát triển 41 cụm công nghiệp).

z4608741579978_2ea63ab0d7be7f2d64bce94ec8278677.jpg

Quy hoạch khu công nghiệp, khu CNTT tập trung và cụm công nghiệp Thái Nguyên

Để hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch tỉnh, trong thời gian qua UBND tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong đó có việc công bố quy hoạch, ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, ban hành loạt văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức triển khai các nhiệm vụ quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương và coi đây là nhiệm vụ trong tâm. Mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên đã trình và được HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã ban hành các nghị quyết của Kỳ họp thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng các KCN như: Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phú Bình, Khu công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Tây Phổ Yên, khu công nghiệp Thượng Đình , Khu công nghiệp Yên Bình 2 và Khu công nghiệp Yên Bình 3. Cụ thể, KCN Thượng Đình có diện tích quy hoạch dự kiến là 130ha và hành lang đường Quốc lộ 37 khoảng 0,48ha; KCN Yên Bình 2 có diện tích quy hoạch dự kiến là 301ha; KCN Yên Bình 3 có diện tích quy hoạch dự kiến là 300ha.

1.jpg

Các KCN được đầu tư tập trung khu vực phía nam của tỉnh có vị trí thuận lợi trong sản xuất kinh doanh.

Các khu công nghiệp này có vị trí thuận lợi, hạ tầng giao thông kết nối, cách sân bay Nội Bài từ 20 đến 30 km, rất thuận lợi trong việc chung chuyển hàng hóa và đi lại cho các chuyên gia. Các KCN này được phát triển là KCN đa ngành, theo hướng sinh thái, hiện đại và thân thiện với môi trường. Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.

Nhiệm vụ quy hoạch Khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên có diện tích quy hoạch đến năm 2045 dự kiến là 1.128ha, trong đó, 868ha đất khu công nghiệp và 260ha đất đô thị - dịch vụ. Khu công nghiệp Tây Phổ Yên được phát triển là khu công nghiệp đa ngành, phát triển theo hướng sinh thái, hiện đại và thân thiện với môi trường. Ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp tự động hóa, lắp ráp, điện tử và viễn thông. Cùng với đó, khu đô thị – dịch vụ Tây Phổ Yên được quy hoạch gồm các phân khu chức năng như: Nhà ở, công trình giáo dục, đào tạo, nghiên cứu; công trình y tế; công trình thể thao, văn hóa, công viên; công trình thương mại; công trình dịch vụ và các công trình khác có hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

2.jpg

Khu Công nghiệp Điềm Thụy khu A diện tích trên 191 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 98%

Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết thông qua nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/200 Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình quy mô 200 ha. Khu này tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, định hướng sẽ trở thành một trong số các khu công nghệ thông tin tập trung lớn của quốc gia. UBND tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Điềm Thụy - Khu A và thực hiện xây dựng hạ tầng và các khu tái định cư.

Với dự án xây dựng hạ tầng KCN Sông Công 2, tỉnh đang tiếp tục được triển khai khẩn trương để phù hợp với tiến độ đã đề ra. Cụ thể, Thái Nguyên đang tích cực triển khai dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư phục vụ GPMB KCN Sông Công 2.

3.jpg

Công nghiệp địa phương của tỉnh Thái Nguyên liên tục tăng trưởng trên 10% năm.

Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên đang thực hiện dự án Đường liên kết vùng kết nối Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc tạo ra truc phát triển Đông – Tây khai thác dư địa sườn đông Tam Đảo; đã đầu tư tuyến đường 36m nối KCN Sông Công II với Quốc lộ 3 cũ và nút giao Sông Công về cơ bản đã hoàn thiện. Hơn nữa, tỉnh tiếp tục triển khai, đẩy nhanh tiến độ công tác xây dựng hoàn thành Trạm xử lý nước thải tập trung 5.000m3/ngày/đêm của KCN Sông Công II đảm bảo đúng tiến độ đã đề ra, đưa trạm xử lý nước thải vào hoạt động theo đúng quy định.

Theo các chuyên gia, dư địa đất công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên xếp vào Top đầu các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Đây là lợi thế so sánh để các nhà đầu tư thuận lợi trong tiếp cận đất phục vụ triển khai các dự án đầu tư, đồng thời với đó giá thuê đất tại Thái Nguyên cũng nằm trong Tóp cạnh tranh do vậy Thái Nguyên thuận lợi trong thu hút đầu tư và tăng điểm ở chỉ số tiếp cận đất đai trong nhiệm vụ nâng cao chỉ số năng lực cảnh tranh cáp tỉnh PCI. Không chỉ có vậy, việc tích cực và quyết liệt triển khai nhiệm vụ quy hoạch tỉnh đã thể hiện sự đi tắt đón đầu cơ hội đầu tư và khát khao tiếp tục sớm tạo ra động lực bứt phá đưa Thái Nguyên phát triển.

Về xúc tiến đầu tư vào các KCN, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã làm việc với khoảng 20 nhà đầu tư đến làm việc, tìm hiểu và đăng ký đầu tư tại các khu công nghiệp. Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Malaysia, Hồng Kông, Hàn Quốc, ngành nghề đầu tư chủ yếu sản xuất pin năng lượng mặt trời, tấm lát sàn, điện tử, cơ khí, sản xuất ô xy công nghiệp…

Hiện nay, đất công nghiệp đang sử dụng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trên 1.400 ha, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên luôn lọt Top 4 tỉnh, thành phố dẫn đầu trên địa bàn cả nước. Năm 2022 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên đạt trên 930 nghìn tỷ đồng. Theo các chuyên gia, với việc triển khai quy hoạch tỉnh trước mắt có thêm gần 2.000 ha đất công nghiệp, kỳ vọng Thái Nguyên trong thời gian ngắn có thể nâng giá trị sản xuất công nghiệp lên mức trên 2 triệu tỷ đồng và nếu thực hiện hoàn thành mục tiêu quy hoạch tỉnh giá trị này sẽ tiếp tục tăng lên đột biến.

z4608742864603_1b660f89008398d77bd9d509c3273f9d.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên giới thiệu quy hoạch tỉnh với Đoàn công tác của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang.

Cùng với làn sóng dịch chuyển đầu tư, môi trường kinh doanh thuận lợi, dư địa đất phát triển công nghiệp gia tăng, các chuyên gia cho rằng Thái Nguyên đã kiến tạo thành công nền móng vững chắc để tạo ra thời kỳ phát triển bùng nổ công nghiệp cho giai đoạn mới.


(0) Bình luận
Hiện thực hóa quy hoạch tỉnh: Thái Nguyên thông qua nhiệm vụ quy hoạch thêm gần 2.000 ha đất công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO