Với mục tiêu nâng cao trải nghiệm cho người dân và tiết kiệm chi phí vận hành, các cơ quan quản lý và vận hành giao thông đã xác định việc triển khai hệ thống thẻ vé tự động (AFC - Automatic Fare Collection) là một trong những ưu tiên quan trọng.
Không chỉ dừng lại ở hệ thống metro, các dự án giao thông công cộng như xe buýt, bãi đỗ xe cũng đang tiến hành triển khai thí điểm hệ thống thẻ vé tự động với nhiều công nghệ mới. Mặc dù vậy, hoạt động này vẫn chưa được nhân rộng tạo thuận lợi cho người dân, hành khách cũng như các đơn vị vận hành.
.png)
Theo ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội, tại Hà Nội, sự cần thiết xây dựng chính sách và kế hoạch cụ thể để triển khai hệ thống thẻ vé tự động đã được đặt ra từ rất sớm. Hiện nay, Hà Nội về cơ bản đã xây dựng xong các chính sách để phát triển hệ thống thẻ vé thông minh. Hệ thống này không chỉ dừng lại ở giao thông vận tải hành khách công cộng mà còn kết nối với các loại hình giao dịch khác trong tương lai.
Để xây dựng hệ thống vé liên thông hiệu quả, ông Hải nhấn mạnh cần có một chính sách vé rõ ràng, phù hợp với từng loại hình dịch vụ và hình thức vé khác nhau. Đồng thời, hệ thống phải đảm bảo tính mở và khả năng kết nối rộng rãi – không chỉ trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng mà còn tích hợp với các dịch vụ như thu phí tự động, bãi đỗ xe thông minh, và thậm chí mở rộng ra ngoài địa bàn Thủ đô. Ông kỳ vọng trong thời gian tới, hệ thống vé liên thông sẽ được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, góp phần hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng tại Việt Nam.
.png)
Ở góc nhìn quốc tế, ông Fukuda Chihiro, Phó Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam, đánh giá cao tiềm năng của hệ thống AFC trong việc nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong vận hành. Theo ông, hệ thống AFC không chỉ giúp việc đi lại bằng tàu điện trở nên thuận tiện hơn, mà còn tăng hiệu suất vận hành, giảm gánh nặng công việc cho nhân viên thu phí và hạn chế được tình trạng thất thoát doanh thu hay gian lận. Việc số hóa dữ liệu doanh thu còn cho phép quản lý thu phí theo thời gian thực, từ đó nâng cao hiệu quả kiểm soát toàn hệ thống.
Ngoài ra, ông Fukuda nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tính tiện lợi cho người sử dụng – yếu tố cốt lõi để người dân cảm thấy hài lòng và chuyển dần sang sử dụng phương tiện công cộng. AFC sẽ là công cụ giúp hoàn thiện hạ tầng giao thông, tăng tính thuận tiện và thúc đẩy việc sử dụng lâu dài các phương tiện này.
Ông cũng cho rằng việc triển khai hệ thống AFC sẽ góp phần cải thiện chính sách vận hành và quy hoạch giao thông. Nhờ vào dữ liệu thu thập được từ hệ thống, các cơ quan chức năng có thể phân tích hành vi di chuyển của hành khách, từ đó điều chỉnh tần suất hoạt động, khung giờ cao điểm, thiết kế tuyến đường sắt hợp lý và đưa ra chiến lược cấp phí phù hợp. Điều này sẽ hỗ trợ xây dựng một cơ chế vận hành linh hoạt và hiệu quả hơn.
Hiện tại, Việt Nam đã xây dựng ba tuyến đường sắt đô thị và có kế hoạch mở rộng thêm nhiều tuyến mới. Theo ông Fukuda, việc áp dụng hệ thống AFC là hết sức cần thiết để các tuyến này hoạt động hiệu quả và bền vững hơn.
Về phía lĩnh vực thanh toán, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), cho biết NAPAS luôn xác định hỗ trợ thanh toán trong mọi lĩnh vực kinh tế – đặc biệt là giao thông – là nhiệm vụ trọng tâm. Từ năm 2021, NAPAS đã thí điểm thành công thanh toán bằng thẻ ngân hàng trong hệ thống xe buýt điện Vinbus tại Hà Nội, đồng thời triển khai thanh toán vé ra vào và vé đỗ xe tại các cảng hàng không thông qua hợp tác với công ty iPay.
Đáng chú ý, vào ngày 14/2 vừa qua, NAPAS đã phối hợp với tuyến Metro số 1 TP.HCM, các ngân hàng trong nước và các tổ chức quốc tế như Visa, Mastercard để tích hợp khả năng thanh toán bằng thẻ ngân hàng – cả nội địa và quốc tế. Điều này không chỉ tạo thuận tiện cho người dân Việt Nam mà còn mở rộng trải nghiệm tích cực cho du khách nước ngoài khi sử dụng phương tiện công cộng tại Việt Nam.
Theo ông Long, toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, nghiệp vụ và sản phẩm phía ngành ngân hàng đã sẵn sàng. Khi ngành giao thông có chủ trương kết nối, hệ thống thẻ vé tự động của các phương tiện giao thông công cộng sẽ dễ dàng tích hợp với hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt của ngân hàng, từ đó hình thành một hệ sinh thái thanh toán mở, hiện đại và thuận tiện cho người dân.