Hãng xe điện Trung Quốc BYD đạt kỷ lục 600.000 nhân viên, quản lý khắt khe kiểu ‘đàn sói’, nhờ đó ‘hóa khổng lồ’ một cách thần tốc

Thùy An | 10:54 26/10/2023

‘Văn hóa gia đình’ được thay bằng ‘văn hóa đàn sói’. Nhân viên ngày chấm công ba lần, bị phát hiện dùng điện thoại trong giờ làm sẽ bị chụp ảnh giám sát và kỷ luật công khai.

Hãng xe điện Trung Quốc BYD đạt kỷ lục 600.000 nhân viên, quản lý khắt khe kiểu ‘đàn sói’, nhờ đó ‘hóa khổng lồ’ một cách thần tốc

BYD, “gã khổng lồ” xe điện của Trung Quốc, trong những năm gần đây đang gấp rút mở rộng quy mô cả về nhà máy lẫn nhân sự. Tính đến nay, số lượng nhân viên công ty đã đạt mức kỷ lục 600.000 người. 

Hóa thành “người khổng lồ” chỉ trong ba năm

Cách đây ba năm, sinh viên Trung Quốc khi mới ra trường thường xin vào các công ty lớn về công nghệ mạng hay doanh nghiệp nhà nước. BYD thậm chí còn phải đến từng trường cao đẳng, đại học để quảng bá. Nhưng đến năm 2022, BYD đã tuyển dụng được 200.000 nhân viên mới, nhiều hơn cả hãng thương mại điện tử JD.com, trở thành công ty tư nhân có nhiều nhân viên nhất Trung Quốc. Vào đợt tuyển dụng mùa thu năm 2023, công ty nhận được 120.000 hồ sơ trong một ngày, nhiều đến mức trang web còn bị lag tạm thời.

photo-1698223260088

Chỉ trong ba năm ngắn ngủi, BYD đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Năm 2021, doanh số xe năng lượng mới của công ty chỉ đạt 600.000 chiếc. Nhưng vào năm 2022, từ khi công ty tuyên bố chỉ tập trung vào xe năng lượng mới, số lượng đơn hàng tăng chóng mặt. Đến năm 2023, doanh số dự kiến là 3 triệu chiếc với mục tiêu vươn lên vị trí số một thế giới.

Số lượng đơn hàng tăng vọt hàng tháng gây áp lực rất lớn cho BYD, do đó công ty cần khẩn trương mở rộng năng lực sản xuất. Trước đó, một số hãng xe điện Trung Quốc khác như Weilai hay Xpeng đều từng để mất khách vì không đáp ứng được đơn hàng.

Quy mô đồ sộ của “đế chế” BYD

Hiện BYD có hơn 20 nhà máy và 600.000 nhân viên tại Trung Quốc. Tổng diện tích của các nhà máy được ví là gấp đôi diện tích quận Manhattan của New York, Mỹ và vượt xa các hãng ô tô thông thường.

photo-1698223461125

Nhà máy BYD Tế Nam, Trung Quốc: hàng nghìn chiếc ô tô mới xếp ngay ngắn chờ xuất hàng.

Mỗi tòa nhà văn phòng của BYD có cả chục nghìn người tất bật đi đi lại lại nhưng cũng rất có trật tự. Toàn bộ các khu công nghiệp của BYD đều khép kín, có ký túc xá nhân viên, nhà khách, có căng tin, có xe đưa đón, vận chuyển. Mọi nhu cầu có thể được giải quyết trong khu khép kín này.

Muốn chạy nước rút, phải có đủ người tài

BYD tuyển dụng từ hai nguồn: trực tiếp từ các trường đại học cho các vị trí R&D, kinh doanh; và từ ngoài xã hội, trình độ đại học trở xuống cho các vị trí sản xuất. Trước đây, nhân sự sản xuất chiếm 80% nhưng từ năm 2020 chỉ chiếm 66% do tự động hóa.

Ngành công nghệ mạng đang trải qua thời kỳ suy thoái, các công ty công nghệ mạng lớn tại Trung Quốc không còn nhiều vị trí cho sinh viên mới ra trường, một số thậm chí còn “dính phốt” vi phạm hợp đồng với người lao động. Do đó, với mức lương cạnh tranh, sức hấp dẫn của BYD trên thị trường lao động càng tăng.

Từ “văn hóa gia đình” thành “văn hóa đàn sói”

Với số lượng nhân sự tăng vọt từ 200.000 người tới 600.000 người chỉ trong ba năm, BYD cũng đặt ra các phương thức quản lý nghiêm ngặt hơn với quan niệm: “Doanh nghiệp muốn phát triển mạnh thì phải dựa vào quy tắc và kỷ luật”.

Các nhân viên công ty cho biết, mỗi ngày họ phải bấm chấm công ba lần vào sáng, trưa và tối. Hàng tuần các văn phòng đều kiểm tra xem bàn làm việc của nhân viên có gọn gàng như yêu cầu hay không.

Ở một số bộ phận, việc sử dụng điện thoại trong giờ làm việc bị cấm. Nhân viên nào bị phát hiện khi xem video, đọc truyện, đọc tin, chơi game, v.v. sẽ bị thông báo cho toàn bộ các nhân viên khác, kèm theo ảnh chụp giám sát, thời gian, địa điểm và các thông tin khác.

BYD tạo ra hệ thống IHGFEDCBA để chia nhân viên thành chín cấp độ. A là cấp cao nhất. G, E, F là kỹ sư. Đối với nhân viên mới, BYD luôn phân công một người cố vấn để đào tạo và kèm cặp, nhằm giúp người mới nhanh chóng bắt kịp nhu cầu mở rộng gấp rút của công ty.

photo-1698224272849

Khi quy mô hãy còn nhỏ, tinh thần “coi công ty là nhà” từng là văn hóa doanh nghiệp cốt lõi của BYD. CEO Wang Chuanfu (Vương Truyền Phúc) từng muốn tạo công ăn việc làm ổn định, bình đẳng cho nhân viên. Công ty còn mở cả trường học tư nhân cho con em họ. Với thế hệ công nhân viên cũ, họ được làm việc tại BYD, mua nhà BYD, lái xe BYD và cho con cái theo học trường BYD.

Nhưng khi công ty bắt đầu mở rộng thần tốc, văn hóa “bình đẳng, coi công ty là nhà” đã được thay thế bằng văn hóa “cạnh tranh”. Các nhân viên phải cạnh tranh để học hỏi, thăng tiến và tự đào thải lẫn nhau. Wang Chuanfu muốn biến công ty trở thành một “đàn sói” để đối phó với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Một số người cũ không thích nghi được nên đã ra đi, nhường chỗ cho các sinh viên mới ra trường.

photo-1698224385385

CEO Wang Chuanfu đã biết cách tận dụng lợi thế dân số của Trung Quốc để tạo ra một đế chế ô tô tư nhân. Khi xe năng lượng mới đang trở thành xu hướng, BYD lại càng trở thành “đứa con cưng” của thị trường ô tô Trung Quốc. BYD sẽ chưa dừng lại ở bộ máy 600.000 nhân sự mà vẫn sẽ tiếp tục mở rộng nhanh chóng trong tương lai.

Tham khảo từ: Net Ease


(0) Bình luận
Hãng xe điện Trung Quốc BYD đạt kỷ lục 600.000 nhân viên, quản lý khắt khe kiểu ‘đàn sói’, nhờ đó ‘hóa khổng lồ’ một cách thần tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO