Hai tháng đầu năm gần 1.900 doanh nghiệp bất động sản rút lui khỏi thị trường

Thu Thủy | 09:18 07/03/2023

Trong 2 tháng đầu năm 2023, gần 1.895 đơn vị trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã rút lui khỏi thị trường, cao hơn số mới thành lập.

Hai tháng đầu năm gần 1.900 doanh nghiệp bất động sản rút lui khỏi thị trường
Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải rời thị trường khi tình hình chung toàn ngành khá khó khăn. (Ảnh: Int)

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2023, cả nước có 51.400 doanh nghiệp giải thể, tăng 14,5%. Bình quân một tháng có 25.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo khu vực kinh tế, trong 2 tháng đầu năm 2023 có 198 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 37,3% so với cùng kỳ năm trước; 4.700 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 10,2%; 14.800 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 0,3%.

Riêng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 550 đơn vị, giảm 62,4% và đây là mức giảm sâu nhất. Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp bất động sản mới này đạt 25.281 tỉ đồng, giảm 68,9% và số lao động đạt 3.073 người, giảm 64,5%. Song song đó, số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động là 608 doanh nghiệp, giảm 18,8% so với cùng kỳ.

Mặt khác, số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 235 đơn vị, tăng 19,9% so với cùng kỳ. Số lượng tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 1.660 doanh nghiệp, tăng 57%; đều đạt mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong tổng 17 lĩnh vực được thống kê.

Như vậy tổng cộng có gần 1.900 đơn vị trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã rút lui khỏi thị trường.

Ở chiều ngược lại, chỉ có 37.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Mặc dù vậy, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 2 tháng đầu năm nay vẫn rót thêm 154,3 triệu USD vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chiếm 6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng góp vốn, mua cổ phần trong lĩnh vực này đạt 331,5 triệu USD, chiếm 41,6% giá trị góp vốn.

Khó khăn về vốn, dòng tiền và thanh khoản đang là thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất kinh doanh; khó khăn trong duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi doanh nghiệp.

Trong khi đó, đơn hàng, doanh thu, doanh số bị sụt giảm mạnh, các kênh huy động vốn của doanh nghiệp hầu như đang bị “tắc”, từ trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu cho đến tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh đó, mới đây Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trên địa bàn TP có 59 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động, giảm một sàn so với thời điểm giữa tháng 1/2023.

Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho biết, có thêm 9 sàn giao dịch chấm dứt hoạt động trong đó ngoài 6 sàn giao dịch được Sở Xây dựng TP.HCM công bố trong tháng đầu năm, cơ quan này cập nhật thêm 3 sàn dừng hoạt động.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Hai tháng đầu năm gần 1.900 doanh nghiệp bất động sản rút lui khỏi thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO